Về thăm huyện miền núi Sơn Tây trong những ngày cuối tháng 7 này, chúng tôi bắt gặp ánh điện thắp sáng trên những công trình và đáp ứng nguồn điện phục vụ cho nhiều hoạt động thiết thực của huyện chuẩn bị kỷ niệm 20 năm Ngày tái lập huyện, 55 năm Ngày giải phóng huyện Sơn Tây và đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước tặng.
Có thể nói, cán bộ và nhân dân nơi đây không thể nào quên những khó khăn, gian khổ khi Chính phủ quyết định tách một phần huyện Sơn Hà để thành lập huyện Sơn Tây (cách đây 20 năm), dường như khi đó tất cả mọi thứ đều là con số không; trong đó, điện thắp sáng là thứ “quá xa” đối với mọi người.
“Ngày đó, không điện, không trường, không trạm, khổ trăm bề! - Những tưởng “cái khó sẽ bó cái khôn”, nhưng bằng những nỗ lực không mệt mỏi của từng cán bộ và nhân dân đã mang dòng điện về với vùng cao Sơn Tây sớm hơn dự tính” - nguyên Bí thư Huyện ủy Sơn Tây Lê Văn Đường cho biết.
Năm 1994, toàn huyện Sơn Tây không có điện lưới quốc gia. Hầu hết người dân phải sử dụng đèn dầu le lói. Mãi đến năm 1998, mạng lưới điện quốc gia mới được đầu tư và kéo đường dây tải điện 0,4KV thuộc hai trạm biến áp 22/04KV về hai xã Sơn Tân, Sơn Dung với tổng dung lượng 200KVA.
“Chính thời điểm đó, bài toán điện quốc gia mới có lời giải. Nhiều bà con khi thấy điện thắp sáng đều không biết chuyện gì. Bởi họ chưa một lần nhìn thấy ánh điện. Đám con trẻ thì quây quần bên ánh đèn. Người lớn thì háo hức và đợi chờ đến lượt nhà mình có điện” - ông Đường nhớ lại.
Sơn Tây sau nhiều năm nỗ lực đầu tư các công trình trọng điểm, đúng hướng đã tạo ra diện mạo mới trên vùng sơn cước ở miền Tây Quảng Ngãi. Trong đó, công trình điện là giải pháp được chọn đầu tiên nên từ năm 2000, các xã còn lại ở Sơn Tây đều có đường điện quốc gia “chạm” đến.
Phó Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Sơn Tây Tô Văn Sơn cho biết: “Khi đó toàn huyện đầu tư xây dựng 36 trạm biến áp từ 25KVA đến 100KVA, với tổng chiều dài đường dây 104.226m. Trong đó, chiều dài đường dây trung thế hơn 66.000m, đường dây hạ thế gần 38.000m với tổng vốn đầu tư hơn 22,23 tỷ đồng. Một kết quả bất ngờ khi có đến 75% dân số toàn huyện được sử dụng điện với 3.058 hộ”.
Nối tiếp những công trình, huyện Sơn Tây mạnh dạn đầu tư thêm nhiều đường dây điện như đường dây 0.4KV về Sơn Tinh, Sơn Lập và khu dân cư Ngọc Long Rôn…
“Khi đó, theo Nghị định 10, lúc này huyện đã có chín xã (thêm ba xã mới được tách ra gồm: Sơn Màu, Sơn Liên, Sơn Long) và 8/9 xã có điện lưới quốc gia. Xã Sơn Liên mới tách sau nên điện chưa kéo về” - ông Sơn cho hay.
Những tuyến đường dây điện đi vào “lịch sử” như đường dây trung thế có dung lượng 100KVA Sơn Tân - Sơn Tinh; đường dây trung thế 175KVA Sơn Mùa-Sơn Bua; đường dây trung thế với 10 trạm biến áp Sơn Dung-Sơn Lập. Riêng 6 tháng đầu năm 2014, Sơn Tây đã nghiệm thu và đưa vào sử dụng 3 đường dây 0,4KV…
Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây Lê Văn Tùng khẳng định: Đến cuối năm 2011, tất cả các xã trên địa bàn huyện đã có hệ thống đường điện hạ thế. Trong giai đoạn 2011-2015, huyện tiếp tục kiểm tra, rà soát hệ thống lưới điện nông thôn, xử lý hành lang nhằm an toàn triệt để, bảo đảm không gây ảnh hưởng đến môi trường và con người. Hướng đến năm 2015 sẽ có từ 95-98% người dân được sử dụng điện.
Bên cạnh đó, huyện sẽ nâng cấp thiết bị đường dây và trạm biến áp Sơn Dung-Sơn Tân. Đồng thời sẽ cố gắng hoàn thành hệ thống lưới điện như trạm biến áp, trụ, đường dây và xây dựng thêm các nhánh 22KV, 0,4KV Sơn Tân - Sơn Màu, Sơn Dung - Sơn Long. Quan trọng là xây dựng thêm 2km đèn đường, chiếu sáng dọc các trục đường trung tâm huyện.