Nếu tính thêm chi phí vận tải, lưu trữ để vận chuyển đến các thị trường tiêu thụ lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Tây Âu, giá “hydro xanh” sẽ ở mức 2 USD/kg (tương đương 15 USD/MMBTU) vào năm 2030 và 7,4 USD/MMBTU vào năm 2050. Theo ước tính của Bloomberg, giá thành sản xuất “hydro xanh” ngày càng giảm sẽ giúp nguồn năng lượng mới này có thể đáp ứng 24% nhu cầu tiêu thụ năng lượng toàn cầu và giảm 1/3 lượng khí phát thải từ nhiên liệu hóa thạch trong công nghiệp. Tuy nhiên để đạt điều này cần một số điều kiện cần:
Sự hỗ trợ chính trị từ các Chính phủ. Theo Bloomberg NEF, sự hỗ trợ từ nhà nước đối với “hydro xanh” vẫn đang ở mức thấp trong khi ngành năng lượng mới này cần hỗ trợ 150 tỷ USD để mở rộng thị trường vào năm 2030.
Đánh thuế carbon. Việc mở rộng sử dụng “hydro xanh” sẽ không thể thực hiện nếu không áp dụng thuế carbon trong nền kinh tế. Bloomberg NEF nhận định, mức thuế carbon cần được áp dụng đối với một số ngành như: ngành thép - 50 USD/tấn CO2, ngành xi măng - 78 USD/tấn CO2, hóa chất - 78 USD/tấn CO2. Với chi phí giảm còn 1 USD/kg, “hydro xanh” sẽ hoàn toàn cạnh tranh được với các nhiên liệu đầu vào cho các ngành sản xuất công nghiệp.
Phát triển mạnh mẽ năng lượng tái tạo. Theo Bloomberg NEF, để nhiên liệu “hydro xanh” đáp ứng 24% nhu cầu năng lượng toàn cầu vào năm 2050, thế giới cần thêm 60.000 tỷ kWh điện tái tạo mỗi năm. Đây là một mục tiêu khó khăn vì sản lượng điện toàn cầu hiện nay mới chỉ đạt khoảng 30.000 tỷ kWh/năm.
Theo: Năng lượng Quốc tế