Một công trình điện năng lượng mặt trời tại Bình Thuận.
Tiềm năng lớn
Giám đốc Sở Công thương Bình Thuận Đỗ Minh Kính, cho biết quan điểm của tỉnh là ưu tiên phát triển các dự án điện tái tạo, trong đó có điện mặt trời. “Để hài hòa cùng các ngành kinh tế khác, chúng tôi chỉ chọn các khu vực sản xuất nông nghiệp, đất khô cằn, hoặc phát triển ngành nghề khác kém hiệu quả thì mới đặt dự án điện mặt trời”, ông Kính nói.
Cũng theo Sở Công thương Bình Thuận, hiện nay tỉnh đã có quyết định chấp thuận đầu tư chính thức cho 5 dự án (đặt tại H.Tuy Phong và Tánh Linh) với tổng công suất 340 MW, tổng vốn trên 7.000 tỉ đồng. Còn 2 dự án khác cũng đã được tỉnh đồng ý về nguyên tắc đầu tư với tổng công suất là 250 MW. Ngoài ra còn có tới 9 dự án khác (ở các huyện phía bắc của tỉnh) với tổng công suất lên đến 460 MW đã được Bộ Công thương bổ sung vào quy hoạch. Hiện nay còn trên 20 dự án khác đang trong giai đoạn khảo sát, đo nắng, lập quy hoạch trình Bộ Công thương bổ sung vào quy hoạch.
Trong số các dự án đã được Bộ Công thương phê duyệt bổ sung vào quy hoạch điện mặt trời, có dự án của Tập đoàn điện lực VN (EVN) lên đến 200 MW, kinh phí đầu tư tới 5.100 tỉ đồng (lớn nhất tại Bình Thuận tới thời điểm này). Thậm chí hiện nay ngay tại bãi xỉ than của các nhà máy nhiệt điện ở Vĩnh Tân cũng được một đơn vị của EVN thành lập một dự án nhà máy điện mặt trời với công suất 4,2 MW.
Theo ông Bùi Văn Thịnh, chủ đầu tư dự án điện mặt trời Phước Thể (H.Tuy Phong) thì Bình Thuận không chỉ có lợi thế về điện gió, mà còn thuận lợi để phát triển điện mặt trời do nhiệt độ và số giờ nắng của Bình Thuận cao nhất cả nước. “Hiện nay chúng tôi đang hoàn thành bản thiết kế chi tiết dự án đan xen điện mặt trời vào dự án điện gió Phú Lạc. Sự kết hợp giữa điện gió và điện mặt trời được nghiên cứu và xác định đặt đan xen nhau là rất tiết kiệm đất. Không chỉ vậy mà nó còn lợi chi phí rất nhiều cho nhà đầu tư”, ông Thịnh cho hay.
Ông Dương Tấn Long- Trưởng phòng Quản lý điện và năng lượng (Sở Công thương Bình Thuận), cho biết đến năm 2020, tổng công suất lắp đặt điện gió của tỉnh sẽ đạt 700 MW sản lượng điện đạt xấp xỉ là 1.500 triệu kWh (đến năm 2030 con số này lên tới 4.520 MW).
Nhà đầu tư gặp khó
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở Công thương Bình Thuận, hiện nay các dự án vẫn chưa nhúc nhích một phần là do các nhà đầu tư gặp khó trong việc thẩm định dự án để vay vốn từ ngân hàng.
“Các ngân hàng chưa có kinh nghiệm trong thẩm định các dự án mặt trời. Mặt khác, hiện nay nhiều dự án điện gió đang vướng do chồng lấn lên các dự án khai thác titan. UBND tỉnh Bình Thuận đã có kiến nghị Chính phủ giảm bớt quy hoạch khai thác titan để ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo. Một khó khăn nữa khiến các dự án chậm tiến độ là do các chủ đầu chưa có kinh nghiệm trong lựa chọn thiết bị, công nghệ, lắp ráp trong bối cảnh khí hậu của nước ta”, lãnh đạo Sở Công thương Bình Thuận phân tích.
Bình Thuận là nơi có rất nhiều thuận lợi để phát triển năng lượng tái tạo, điện gió và điện mặt trời. Các dự án điện gió và điện mặt trời được triển khai sẽ góp phần phát triển kinh tế, cung ứng nguồn năng lượng sạch và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phát triển bền vững- Giám đốc Sở Công thương Bình Thuận Đỗ Minh Kính. |
Theo: Thanh niên