Tin thế giới

IEA: Gió biển dự kiến trở thành ngành kinh doanh 1.000 tỉ USD vào năm 2040

Thứ hai, 28/10/2019 | 08:58 GMT+7
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết gió biển có thể trở thành ngành kinh doanh trị giá 1.000 tỉ USD vào năm 2040, với công suất toàn cầu dự kiến tăng gấp 15 lần.
106203673-1572003158324gettyimages-841378708
Ảnh minh họa.
 
Theo triển vọng gió biển 2019 của IEA, đầu tư vào lĩnh vực này đạt gần 20 tỉ USD trong năm ngoái, so với dưới 8 tỉ USD trong năm 2010.
 
Với các kế hoạch và chính sách đầu tư hiện nay, IEA cho biết thị trường gió biển sẽ tăng 13% mỗi năm, vượt qua mức bổ sung mỗi năm là 20 GW vào năm 2030. 
 
CNBC cho biết mức tăng trưởng này cần chi phí đầu tư là 840 tỉ USD trong hai thập kỉ tới.
 
Theo IEA, nếu các mục tiêu trên toàn thế giới liên quan đến khí hậu và tính bền vững được đáp ứng thì việc bổ sung công suất sẽ cần đến gần 40 GW mỗi năm trong những năm 2030, theo đó đưa tổng đầu tư lên tới hơn 1.200 tỉ USD.
 
Giảm chi phí, hỗ trợ từ chính phủ và đổi mới công nghệ sẽ giúp thúc đẩy tiến bộ, IEA cho biết.
 
Công suất gió biển toàn cầu hiện đang ở mức 23 GW, theo IEA, với 80% trong số này là tại châu Âu, một nhà lãnh đạo thế giới trong lĩnh vực này. 
 
Cơ quan quốc tế cũng cho biết thêm khoảng 150 dự án ngoài khơi mới được dự kiến hoàn thành trong 5 năm tới.
 
"Trong một thập kỉ qua, hai lĩnh vực chính của đổi mới công nghệ đã làm thay đổi cuộc chơi trong hệ thống năng lượng bằng cách giảm đáng kể chi phí là cuộc cách mạng đá phiến và sự trỗi dậy của quang điện", ông Fatih Birol, Giám đốc điều hành của IEA, cho biết trong một tuyên bố hôm 25/10. 
 
Ông nhận định gió biển có tiềm năng gia nhập đội ngũ trên về mặt giảm mạnh chi phí.
 
Châu Âu, Trung Quốc dẫn đầu trong lĩnh vực gió biển

Hiện tại, công suất tại Liên minh châu Âu (EU) là gần 20 GW và nếu chính sách hiện tại được duy trì, con số này có thể lên gần 130 GW vào năm 2040, IEA cho biết. Nếu đạt được các mục tiêu về carbon trung tính, công suất sẽ tăng hơn nữa, đạt khoảng 180 GW.
 
Trung Quốc có tiềm năng trở thành một người chơi chính trong lĩnh vực này. 
 
IEA cho biết công suất gió biển tại quốc gia châu Á sẽ đạt 110 GW vào năm 2040, tăng từ mức 4 GW hiện tại. 
 
Một lần nữa, nếu các chính sách được thay đổi để đáp ứng mục tiêu năng lượng bền vững toàn cầu, công suất có thể vượt quá 170 GW.
 
"Gió biển chỉ đang cung cấp 0,3% sản lượng điện toàn cầu, nhưng tiềm năng của nó là rất lớn", theo ông Birol của IEA.
 
"Tiềm năng đó ngày càng gần tầm tay, nhưng vẫn còn nhiều việc chính phủ và ngành phải thực hiện để nó trở thành trụ cột của sự chuyển đổi năng lượng sạch", ông nói thêm.
 
Những trang trại gió, tuabin lớn hơn

Vài năm gần đây đã ghi nhận một số dự án gió biển qui mô lớn được đưa vào hoạt động. 
 
Khi hoàn thành vào năm 2020, dự án Hornsea One sẽ tạo ra đủ năng lượng để cung cấp điện cho một triệu ngôi nhà, theo công ty năng lượng Đan Mạch Orsted. 
 
Nằm ngoài khơi bờ biển Yorkshire, dự án sẽ có tổng công suất 1,2 GW và sử dụng 174 tuabin gió.
 
Kích thước của tuabin cũng ngày càng lớn hơn. 
 
Tháng 9/2018, MHI Vestas Offshore Wind đã ra mắt tuabin hai chữ số thương mại đầu tiên, V164-10.0 MW. Cánh quạt của tuabin dài 80 m, nặng 35 tấn/cánh và tổng chiều cao của tuabin là khoảng 187 m.
 
GE Renewable Energy cũng đang phát triển một tuabin lớn, Haliade-X 12 MW. Nó sẽ có công suất 12 MW, chiều cao 260 m và chiều dài cánh quạt là 107 m. Công ty đã nhiều lần mô tả nó là tuabin gió biển lớn nhất thế giới.
Theo: Kinh tế & tiêu dùng