Ảnh minh họa.
IEA khẳng định các khuyến nghị trên sẽ giúp đảm bảo quỹ phục hồi kinh tế, trị giá 750 tỷ euro do Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất, sẽ thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, cũng như ngăn chặn khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính liên tục tăng lại sau đại dịch. Theo tổ chức này, EC cần đặt ưu tiên hàng đầu cho các khoản đầu tư khuyến khích tiết kiệm năng lượng, trong bối cảnh EU đặt mục tiêu hướng tới việc cắt giảm toàn bộ lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2050.
Theo IEA, đề xuất của cơ quan này về việc cải tiến phương pháp xây dựng giúp giảm thiểu lượng khí carbon thải ra môi trường sẽ giúp 513 triệu người tiêu dùng tiết kiệm chi phí năng lượng. IEA cũng cho rằng giá xăng dầu giảm do tác động của COVID-19 là cơ hội để EU xóa bỏ trợ cấp nhiên liệu hóa thạch và cải cách thuế để hỗ trợ phát triển các nguồn năng lượng ít phát thải carbon. Trong bối cảnh đầu tư cho năng lượng tái tạo ở châu Âu trong năm nay dự kiến sẽ giảm 33% so với năm 2019, IEA đề xuất EU và Ngân hàng Đầu tư châu Âu dành ngân sách để bù đắp cho mức sụt giảm "lịch sử" này.
Trước đó, EC khẳng định các khoản đầu tư phục hồi hậu đại dịch của EU sẽ không ảnh hưởng đến mục tiêu cắt giảm lượng khí phát thải gây hiệu tứng nhà kính từ hơn 4 tỷ tấn CO2 hiện nay xuống bằng 0 vào năm 2050.
Năng lượng tái tạo hiện đóng góp 32% tổng sản lượng điện của EU. Tuy nhiên, IEA cho rằng ngoài ngành điện, quá trình chuyển đổi năng lượng của EU chỉ mới bắt đầu. Do đó, tổ chức này đề xuất EU siết chặt các quy định tiết kiệm năng lượng trong ngành công nghiệp - lĩnh vực tiêu thụ năng lượng lớn nhất trong khối.
Link gốc
Theo: Tin tức/TTXVN