Tin thế giới

Indonesia xúc tiến lập tập đoàn năng lượng địa nhiệt lớn nhất thế giới

Thứ ba, 23/2/2021 | 11:53 GMT+7
PT PLN Gas & Geothermal và PGE đang tiến hành nghiên cứu chung về phát triển địa nhiệt tại Lahendong thuộc tỉnh Bắc Sulawesi và Ulu Belu thuộc tỉnh Lampung.
Bộ Doanh nghiệp nhà nước Indonesia (SOE) đang xúc tiến thành lập tập đoàn năng lượng địa nhiệt trong năm nay với quy mô lớn nhất thế giới.
 
Theo kế hoạch, tập đoàn này sẽ quản lý ba công ty PT Pertamina Geothermal Energy (PGE), PT Geo Dipa Energi, và PT PLN Gas & Geothermal.
 
Phát biểu với báo giới, Thứ trưởng SOE, ông Pahala Mansury cho biết: “Chúng tôi có kế hoạch kết hợp các tài sản địa nhiệt thuộc ba công ty trên. Tập đoàn này sẽ đặt dưới sự điều hành của công ty dầu khí Pertamina, công ty điện lực PLN và Chính phủ để có thể phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp."
 
Giám đốc PLN, ông Ikhsan Assaad cho hay các cuộc thảo luận vẫn đang tiếp tục. PT PLN Gas & Geothermal và PGE đang tiến hành nghiên cứu chung về phát triển địa nhiệt tại Lahendong thuộc tỉnh Bắc Sulawesi và Ulu Belu thuộc tỉnh Lampung.
 
Trong năm nay, hai công ty này dự kiến sẽ vận hành nhà máy điện Lahendong công suất 80 MW, nhà máy điện Ulumbu công suất 10 MW và nhà máy điện Mataloko công suất 2,5 MW.
 
Ngoài ra, PLN Gas & Geothermal cũng đang tiến hành một nghiên cứu chung với PGE và PT Geo Dipa Energi để phát triển một nhà máy điện chu kỳ nhị phân có tổng công suất 30 MW tại các nhà máy Lahendong, Ulubelu, và Dieng.
 
Người phát ngôn của PGE, ông Sentot Yulianugroho cho biết năm nay công ty sẽ tập trung duy trì hoạt động của các nhà máy điện địa nhiệt và thực hiện một nghiên cứu chung với PLN và PT Medco Power Indonesia theo một thỏa thuận đã được ký kết vào đầu năm.
 
Trong khi đó, PT Geo Dipa Energi có kế hoạch xây dựng nhà máy năng lượng địa nhiệt Patuha thứ hai tại Ciwidey thuộc tỉnh Tây Java. Nhà máy mới có công suất 55 MW và tổng vốn đầu tư 197 triệu USD này dự kiến hoàn thành vào năm 2023.
 
Patuha và Dieng ở tỉnh Trung Java có tiềm năng sản xuất 400 MW điện. Hiện hai dự án mới có công suất lắp đặt lần lượt là 60 MW. Chính phủ đặt mục tiêu sản xuất 150 MW điện từ hai khu vực này vào năm 2023.
 
Theo lộ trình phát triển năng lượng địa nhiệt do Bộ Năng lượng và Tài nguyên khoáng sản công bố, Indonesia có thể sản xuất 01 GW điện từ các dự án năng lượng địa nhiệt vào năm 2030. Quốc gia này có tiềm năng năng lượng địa nhiệt to lớn với tổng công suất 25.300 MW, song mới chỉ 2.130 MW được khai thác để sản xuất điện.

Link gốc
Theo: TTXVN