Tin thế giới

Vòng xoáy chiến lược

Thứ sáu, 19/2/2021 | 09:59 GMT+7
Năm ngoái, Trung Quốc thông báo rằng đến năm 2060 sẽ giảm thải khí carbon đến gần 60%, nguồn năng lượng từ than đá sẽ được thay thế dần bằng nguồn năng lượng tái tạo. 
 
Thoạt nhìn, mục tiêu trên có vẻ bất khả thi nhưng Cơ quan Năng lượng quốc tế thẩm định khoảng một nửa số dự án của Trung Quốc là dựa vào những công nghệ cho phép phát triển một cách bền vững. Trong lĩnh vực này, Trung Quốc dường như đang dần bỏ xa Mỹ, châu Âu và thống lĩnh thế giới trong những thập niên tới. Vậy, vì sao Trung Quốc đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo? Dịch Covid-19 để lại những vết hằn tâm lý trong người dân Trung Quốc, nhất là giới trẻ và họ ngày càng tỏ ra quan tâm đến vấn đề môi trường. Bắc Kinh muốn xóa nhòa những cáo buộc chậm trễ trong việc xử lý dịch bệnh bằng cách tấn công vấn nạn ô nhiễm môi trường.
 
Trên phương diện kinh tế, trong số 200 Gigawatt bổ sung vào nguồn điện gió và điện mặt trời trên thế giới trong năm 2020, có đến 120 Gigawatt tại Trung Quốc. Được con số trên là do Bắc Kinh có nhiều biện pháp để đạt bằng được mục tiêu đề ra hồi năm 2009: giảm giá thành điện Mặt trời đến 90%, biến điện Mặt trời thành nguồn năng lượng với giá rẻ nhất. Có được điều này do Trung Quốc kiểm soát 65%-90% nguồn silicon đa tinh thể và kính quang điện, 2 điểm tối quan trọng trong lĩnh vực năng lượng mặt trời. 
 
Cuối cùng, không kém phần quan trọng, Trung Quốc dường như đã đi trước châu Âu và Mỹ khi hiểu rõ rằng kiểm soát những nguồn năng lượng mới sẽ mang lại lợi thế địa chính trị quan trọng trong thế kỷ 21 tương tự như khi làm chủ được nguồn năng lượng hóa thạch ở thế kỷ 20. Thế nên, Bắc Kinh đã dốc toàn sức xây dựng thế “tam độc quyền”: kiểm soát các nguồn nguyên nhiên liệu thiết yếu như lithium hay cobalt; tổ chức thị trường thế giới dư thừa sản lượng điện trong tương lai, qua việc phát triển mạng lưới điện toàn cầu; làm chủ các ngành công nghệ chủ đạo như pin sạc điện, nhằm đuổi kịp các đối thủ cạnh tranh Samsung và LG (Hàn Quốc) hay Panasonic (Nhật Bản).
 
Theo giới quan sát, trong các cuộc thương lượng về thỏa thuận đầu tư toàn diện với Liên minh châu Âu, Bắc Kinh đã đòi mở rộng đến 5% các thị trường nội địa trong lĩnh vực năng lượng tái tạo cho các nhà đầu tư Trung Quốc. Như vậy, vòng xoáy chiến lược phát triển khép kín đã định hình và rất rõ ràng.
Theo: SGGP