Chuyển đổi số trong EVN

Khẳng định trụ cột trong chuyển đổi số của EVN

Thứ hai, 3/10/2022 | 09:20 GMT+7
EVNICT sẽ tập trung vào việc nâng cấp các hệ thống phần mềm dùng chung để đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu quả sản xuất của từng đơn vị trong Tập đoàn nói riêng và EVN nói chung trong bối cảnh mới.
 
Ông Đỗ Tùng Lâm, Trưởng phòng Giải pháp công nghệ (EVNICT).
 
Công ty Viễn thông Điện lực và Công nghệ thông tin (EVNICT) vừa được vinh danh TOP 10 Doanh nghiệp Công nghệ thông tin Việt Nam năm 2022 do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) tổ chức.
 
Cụ thể, EVNICT được vinh danh ở 2 lĩnh vực: TOP 10 Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, giải pháp chuyển đổi số và TOP 10 Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, giải pháp công nghệ thông tin.
 
Như vậy với 12 giải Sao Khuê đã đạt được từ năm 2006 đến nay, cùng các danh hiệu trong TOP 10 và TOP 50 Doanh nghiệp Công nghệ thông tin trong 5 năm (2022, 2021, 2020, 2018, 2017), EVNICT ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi số của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
 
Để làm rõ hơn các hệ thống, phần mềm EVNICT đã, đang và sẽ triển khai xây dựng, đem lại hiệu quả trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng quản trị nội bộ, viễn thông và công nghệ thông tin của EVN; những vướng mắc cần được tháo gỡ và giải pháp triển khai tiếp các hệ thống, phần mềm mới phục vụ sản xuất kinh doanh của ngành điện trong những năm tới, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Tùng Lâm, Trưởng phòng Giải pháp công nghệ (EVNICT) xung quanh các nội dung này.
 
Phóng viên (PV): Các hệ thống phần mềm: Quản lý kho dữ liệu đo đếm (KDLDD), Quản lý đầu tư xây dựng (IMIS); Quản lý kỹ thuật nguồn điện và lưới điện (PMIS), Hệ thống thông tin quản lý nguồn nhân lực (HRMS), Hệ thống văn phòng số (D-Office) do EVNICT xây dựng đã và đang triển khai trong toàn EVN. Vậy xin ông cho biết các hệ thống, phần mềm này đã phát huy hiệu quả ra sao trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng, viễn thông và công nghệ thông tin của EVN?
 
Ông Đỗ Tùng Lâm: Các hệ thống phần mềm nói trên đều là các hệ thống phần mềm dùng chung trong các hoạt động nghiệp vụ của EVN và các đơn vị, đáp ứng thống nhất các quy trình nghiệp vụ lõi, cung cấp đầy đủ các thông tin quản lý trong công tác sản xuất kinh doanh và quản trị điều hành.
 
Cụ thể như hệ thống KDLDD quản lý dữ liệu sản lượng giao nhận 3.000 điểm đo ranh giới, 500 điểm đo IPP, phục vụ công tác quyết toán điện năng giữa EVN và các Tổng Công ty; hệ thống PMIS quản lý kỹ thuật nhà máy điện/truyền tải, thu thập, quản lý thông tin thiết bị, vận hành, bảo dưỡng sửa chữa; hệ thống IMIS quản lý nghiệp vụ về đầu tư xây dựng cơ bản của EVN, 9 Tổng Công tyCT và các đơn vị hạch toán phụ thuộc; hệ thống D-Office phục vụ công tác văn phòng, theo hướng điện tử hóa toàn bộ quy trình nghiệp vụ văn phòng.
 
Các hệ thống này cũng như các hệ thống phần mềm dùng chung khác được xây dựng một cách xuyên suốt và tích hợp về các hoạt động sản xuất-kinh doanh và quản trị điều hành của Công ty mẹ - Tập đoàn và các đơn vị thành viên, xây dựng hệ thống cung cấp thông tin cho các đối tượng sử dụng khác nhau, hỗ trợ đắc lực cho việc ra quyết định của cấp quản lý các đơn vị thành viên.
 
PV: Vậy những vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai các hệ thống, phần mềm này như thế nào? Ông có đề xuất biện pháp tháo gỡ?
 
Ông Đỗ Tùng Lâm: Theo tôi, các vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai là mô hình kiến trúc tổng thể hệ thống hạ tầng và ứng dụng công nghệ thông tin còn phân tán, chưa thống nhất nên dẫn đến việc khai thác sử dụng chưa phát huy được hết khả năng, năng lực của hệ thống công nghệ thông tin.
 
Bên cạnh đó, tính tích hợp và liên thông giữa các hệ thống phần mềm dùng chung còn chưa cao. Các hệ thống thông tin phục vụ trực tuyến cho lãnh đạo quản lý các cấp còn ít và không được cập nhật thông tin.
 
Đối với phần mềm phục vụ quản lý, ra quyết định của lãnh đạo các cấp, dữ liệu được chiết xuất từ nhiều nguồn khác nhau và không được cập nhật, không có đầu mối chịu trách nhiệm về dữ liệu đưa vào phần mềm, dẫn tới việc vô hiệu hóa các tính năng cần thiết của phần mềm.
 
Ngoài việc chưa có chuẩn chung về cấu trúc cơ sở dữ liệu, các dữ liệu được tổ chức và lưu trữ độc lập theo từng ứng dụng chưa có sự quy hoạch dữ liệu trong kiến trúc tổng thể của toàn EVN; Chưa có giải pháp tích hợp, nguyên tắc chia sẻ dữ liệu giữa EVN và các đơn vị, việc bổ sung, hiệu chỉnh các yêu cầu nghiệp vụ, quản lý, điều hành cũng như các tiện ích hỗ trợ cho người sử dụng đôi khi chưa được kịp thời, làm giảm hiệu quả sử dụng chương trình phần mềm.
 
Trước những vướng mắc này, ban lãnh đạo EVNICT đã đề xuất các biện pháp tháo gỡ. Theo đó, tập trung hóa và chuyên nghiệp hóa các bộ phận sản xuất phần mềm về tổ chức, chính sách thực hiện, con người, quy trình, môi trường làm việc; Ưu tiên phát triển và cung cấp các sản phẩm, dịch vụ theo hướng xử lý tính toán tập trung và đa nền tảng; Lấy yếu tố người dùng làm trung tâm; Liên kết và chia sẻ thông tin tối đa.
 
Cùng với việc tăng cường đầu tư, hợp tác phát triển các nguồn nhân lực chất lượng cao, chúng tôi cũng tập trung đầu tư nghiên cứu, tìm hiểu các bài toán nghiệp vụ kết hợp với các công nghệ mới để áp dụng phù hợp với nhu cầu, điều kiện của EVN và các đơn vị trong lĩnh vực điện, thay đổi quy trình sản xuất kinh doanh theo hướng tối ưu hóa, nâng cao năng suất lao động.
 
Mặt khác, tăng cường đầu tư, hợp tác để chuyển giao các công nghệ và các tài nguyên phục vụ cho sản xuất phần mềm; Duy trì mối liên kết với các đơn vị công nghệ thông tin của các Tổng công ty, đảm bảo phân giao trách nhiệm và lợi ích rõ ràng để kết hợp tối đa các nguồn lực công nghệ thông tin trong ngành.
 
Ngoài ra, tăng cường công tác truyền thông và giới thiệu sản phẩm, dịch vụ phần mềm, đánh giá mức độ hài lòng của khách hàng.
 
PV: Trên cơ sở các hệ thống, phần mềm đang được EVNICT xây dựng và triển khai, thời gian tới, theo ông, EVNICT sẽ nâng cấp các hệ thống, phần mềm nào để đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của từng đơn vị trong Tập đoàn nói riêng và EVN nói chung trong bối cảnh mới như thiên tai, dịch bệnh... và sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư?
 
Ông Đỗ Tùng Lâm: Trong thời gian tới, phục vụ cho công tác Chuyển đổi số theo lộ trình triển khai của EVN, EVNICT sẽ tập trung vào việc nâng cấp các hệ thống phần mềm dùng chung để đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của từng đơn vị trong Tập đoàn nói riêng và EVN nói chung trong bối cảnh mới.
 
Cụ thể bao gồm các hệ thống phần mềm Hệ thống quản trị nguồn lực doanh nghiệp (ERP), Hệ thống thông tin quản lý khách hàng dùng điện (CMIS), Phần mềm Quản lý đầu tư- xây dựng (IMIS), Phần mềm quản lý kỹ thuật nguồn điện, lưới điện (PMIS), Hệ thống quản lý nguồn nhân lực (HRMS), Hệ thống văn phòng số (Digital Office), Ứng dụng phục vụ người lao động trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam (Smart EVN), Báo cáo Quản trị điều hành (BI), Phần mềm thu thập dữ liệu đo đếm (EVNHES), Thanh toán điện tử, Hóa đơn điện tử…
 
Nội dung nâng cấp các hệ thống phần mềm được tập trung vào vấn đề số hóa, liên thông các quy trình nghiệp vụ chính trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh và điều hành quản trị của EVN gồm Kỹ thuật sản xuất, Kinh doanh và Dịch vụ khách hàng, Đầu tư xây dựng, Tài chính và Quản trị nội bộ; áp dụng các giải pháp công nghệ phù hợp để giải quyết các bài toán nghiệp vụ và điều hành ví dụ như: Business Intelligent, AI, Datawarehouse cho lưu trữ, phân tích dữ liệu, Mobile cho các ứng dụng hiện trường, Hợp đồng điện tử áp dụng chữ kí số.
 
PV: Xin cảm ơn ông!
Mai Phương