Tin mới nhất

Khẳng định vai trò phụ nữ ngành điện trong xã hội

Thứ hai, 18/10/2010 | 13:36 GMT+7

Mặc dù chỉ chiếm khoảng hơn 20% tổng số CBCNV của EVN, nhưng các nữ CBCNV có mặt trên tất cả các lĩnh vực từ sản xuất, truyền tải, phân phối đến tư vấn thiết kế, cơ khí, viễn thông.... Các chị luôn là nhân tố hết sức quan trọng, đóng góp vào việc hoàn thành kế hoạch và tạo lập hình ảnh mới của EVN trong mắt các đối tác, khách hàng.

Nâng cao chất lượng sống cho phụ nữ

Đảm bảo việc làm và thu nhập cho chị em luôn là vấn đề trăn trở nhất của lãnh đạo Tập đoàn EVN. Đặc biệt, giai đoạn 2006 - 2010 là thời kỳ biến động mạnh về cơ cấu tổ chức nên không tránh khỏi tình trạng xáo trộn đội ngũ lao động. Thế nhưng các đơn vị rất chú ý sắp xếp củng cố lại lao động nữ phù hợp với năng lực, trình độ chuyên môn, sức khỏe. Chính vì thế nên năng suất lao động của lao động nữ đạt khoảng 5 triệu đồng/người/tháng. Một số đơn vị như Công ty CP Tư vấn xây dựng điện 2 đạt bình quân 9 triệu đồng/người/tháng, Tổng công ty Điện lực TP.HCM đạt bình quân hơn 8 triệu đồng/người/tháng. Trong tập đoàn không còn lao động nữ thuộc diện nghèo, kể cả các nhà máy điện tại các tỉnh vùng sâu, vùng xa.

Công tác đào tạo, nâng cao trình độ tạo điều kiện bình đẳng cho phụ nữ rất được chú trọng. Năm 2001, EVN có 1.198 lao động nữ chưa qua đào tạo, 5.951 người có trình độ sơ cấp, đến năm 2005 không có người nào chưa qua đào tạo và chỉ còn 3.041 người có trình độ sơ cấp, tăng thêm 25% lao động nữ trong toàn EVN được đào tạo tay nghề có chứng chỉ - tăng 22% so với kế hoạch đặt ra. Riêng Tổng công ty Điện lực Miền Nam, tỷ lệ lao động nữ có trình độ sau đại học năm 2009 đã tăng gấp hai lần so với năm 2006. Nhiều đơn vị còn khuyến khích lao động nữ tích cực nâng cao trình độ bằng các chính sách như: cho hưởng nguyên lương trong thời gian đi học, được tạo điều kiện về kinh phí cũng như thời gian học tập. Nhờ đó, các chị có điều kiện học tập nâng cao trình độ, làm chủ công việc và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Giai đoạn 2001 - 2005, tỷ lệ lãnh đạo nữ của EVN thường ở mức 5 – 7% tổng số cán bộ quản lý. Đến năm 2010, toàn tập đoàn đã có 386 chị là lãnh đạo, đạt tỷ lệ 10,76 %, hoàn thành vượt mức 0,76% so với kế hoạch đặt ra năm 2010 và tăng 2% so với năm 2005. Tuy nhiên, tỷ lệ cán bộ nữ làm quản lý cấp trưởng còn thấp. Các vị trí cấp trưởng như giám đốc các điện lực, xí nghiệp chỉ chiếm 4,2%.

Cải thiện đời sống và chăm sức khỏe cho lao động nữ là vấn đề được đặc biệt quan tâm ở EVN. Hàng năm, gần 100% lao động nữ được khám sức khoẻ định kỳ. Các chị nuôi con nhỏ từ 1 - 3 tuổi được hưởng các chế độ chính sách theo quy định của nhà nước về chế độ lương, thời gian làm việc thông qua các thỏa ước lao động tập thể. Một số đơn vị đã thực hiện các chế độ cao hơn luật cho lao động nữ sinh con như: trích từ Quỹ phúc lợi trợ cấp thêm cho 1 tháng lương theo cấp bậc cho các chị em (Công ty Nhiệt điện Thủ Đức...). Các ngày 8/3, 30/4 & 1/5, nữ CNVC có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt đều được quan tâm thăm hỏi. Nhiều đơn vị đã thực hiện tốt công tác chăm lo cho nữ CNVC như: Cơ quan Tập đoàn, TP.Hà Nội và Công ty Điện lực Hải Phòng. Tại Tổng công ty Điện lực TP.HCM, định kỳ 6 tháng một lần, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ phối hợp với Ban Nữ công đi cơ sở kiểm tra việc thực hiện chế độ chính sách đối với lao động nữ, kịp thời đề xuất các biện pháp giải quyết kiến nghị của chị em trong việc thực hiện Thỏa ước lao động tập thể, hợp đồng lao động, điều kiện làm việc, thu nhập, đào tạo. Hiện tại, tổng công ty đang hỗ trợ kinh phí đào tạo cho 47 nữ CBCNV, trong đó có 6 người được đào tạo trên đại học trong và ngoài nước

Phấn đấu vượt lên chính mình

Để khẳng định vai trò người phụ nữ trong xã hội, đội ngũ nữ CNVC EVN đã vượt lên khó khăn của chính mình, phấn đấu vươn lên, sắp xếp cuộc sống gia đình, thời gian để học tập, nâng cao trình độ, tạo được sự tin tưởng của lãnh đạo khi giao việc. Những đề tài, sáng kiến do phụ nữ chủ trì, tham gia ngày càng tăng. 5 năm qua, có trên 60.000 lượt chị đạt danh hiệu lao động tiên tiến và danh hiệu hai giỏi; 400 lượt chị đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua các cấp; trên 400 lượt chị được tặng bằng khen cấp Bộ, ngành Trung ương và Tổng liên đoàn. Nhiều chị vinh dự nhận được giải thưởng về khoa học công nghệ. Điển hình là chị Nguyễn Thị Minh Nguyệt, kỹ sư Công ty CP Thiết bị điện Đông Anh đã được nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới. Hiện nay, chị Nguyệt đang thiết kế máy biến áp 500 kV đầu tiên ở Việt Nam và cũng là sản phẩm đầu tiên của khu vực Đông Nam Á. Bên cạnh việc tham gia các lớp học tập ngắn hạn, dài hạn, bồi dưỡng nghiệp vụ, nhiều chị đã cố gắng sắp xếp thời gian hợp lý để tham dự các lớp học ngoài giờ, học từ xa để nâng cao trình độ. Chị Nguyễn Thị Phước Hai - Chủ tịch Công đoàn Điện lực Thuận An (Công ty Điện Lực Bình Dương) chồng mất gần 20 năm nay, một mình nuôi bố mẹ chồng già yếu và 2 con nhỏ nhưng chị vẫn vươn lên học tập và đã tốt nghiệp đại học tại chức chuyên ngành quản trị kinh doanh. Từ một thu ngân viên lưu động chị đã trở thành thu ngân viên chính thức, làm văn thư, kế toán. Chị còn được mọi người tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Công đoàn nhiệm kỳ 2007 – 2010. Đây chỉ là một trong rất nhiều tấm gương vượt khó trong đội ngũ nữ CBCNV-LĐ của EVN.

Đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ

Theo đánh giá của lãnh đạo EVN, Hoạt động của Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tập đoàn và các đơn vị thành viên đã có những sáng tạo trong việc đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động, góp phần thực hiện hiệu quả kế hoạch sản xuất kinh doanh của tập đoàn. Nhiều đơn vị đã mời báo cáo viên về nói chuyện, tổ chức tọa đàm, thảo luận, biểu diễn văn nghệ, hội thi để tuyên truyền về giới. Những hoạt động đó đã tạo ra sự đoàn kết, phát huy sức mạnh, nội lực của CBCNV, nhận thức về bình đẳng giới được nâng lên, phụ nữ được tôn trọng, địa vị của người phụ nữ trong cơ quan, trong mỗi gia đình của ngành điện được cải thiện. Có thể nói, hình thức hoạt động Ban ngày càng đa dạng, phong phú về nội dung, chất lượng được nâng cao. Thông qua các phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, giỏi việc nước - đảm việc nhà, chị em đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; tích cực học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; tham gia công tác quản lý; tổ chức tốt cuộc sống gia đình, nuôi dạy con ngoan học giỏi, thực hiện tốt chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình. Mục tiêu của Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ EVN đến năm 2015 là sẽ thực hiện tốt quyền bình đẳng của phụ nữ trong lĩnh vực lao động việc làm, tăng tỷ lệ lao động nữ trong toàn Tập đoàn lên 21-22%, nâng cao thu nhập của CBCNV và lao động nữ. Phấn đấu đến 2015 tăng tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy Đảng, công đoàn, nữ công từ 16% lên đến 20 %.

Theo: CôngThương