Quang cảnh Nhà máy thủy điện Văn Phong ngày khánh thành. Ảnh: Văn Thuận.
Theo thiết kế, Dự án Nhà máy thủy điện Văn Phong nằm trên phía vai phải đập dâng Văn Phong - Hợp phần khu tưới Văn Phong, một hệ thống thủy lợi lấy nước thượng nguồn Sông Kôn từ Tây Nguyên xuống qua các huyện Tây Sơn, An Nhơn, Tuy Phước và đổ ra biển. Nhà máy đã tận dụng được lượng nước xả theo chế độ điều tiết của công trình thủy lợi đầu mối đập dâng Văn Phong để phát điện, phát huy hiệu quả tổng hợp của toàn bộ dự án.
Nhà máy Thủy điện Văn Phong được sử dụng công nghệ turbin Kapxun, kiểu bóng đèn, có thể phát điện với cột nước thấp, chỉ với cột nước dâng tối thiểu 3,2 mét có thể chạy được turbin phát điện, phù hợp với lưu lượng nước công trình thủy lợi đập dâng Văn Phong, thân thiện môi trường và tận dụng tối đa nguồn thủy năng. Công trình nhà máy thủy điện Văn Phong do Tập đoàn Tân Thế Kỷ Trùng Khánh - Trung Quốc cung cấp thiết bị và thi công lắp đặt máy. Tổng giá trị xây lắp dự án đã thực hiện 220 tỷ đồng, trong đó, phần thiết bị 89 tỷ đồng.
Qua vận hành, 3 tổ máy của thủy điện Văn Phong đã đạt tổng công suất thiết kế 6MW. Như vậy sản lượng điện hằng năm của thủy điện Văn Phong có thể đưa lên lưới điện quốc gia là 22,7 triệu kWh, góp phần cùng các nhà máy thủy điện Vĩnh Sơn, Định Bình, Trà Xom, An Khê-Kanak…trên địa bàn Bình Định hòa vào lưới điện quốc gia sản lượng điện đáng kể của khu vực.
Ông Nguyễn Văn Thắng- Phó Giám đốc Sở Công Thương Bình Định cho rằng: “Ngoài việc cung cấp điện năng, nhà máy thủy điện Văn Phong còn phối hợp với đập dâng Văn Phong trong chế độ điều tiết nước góp phần phục vụ nông nghiệp cho vùng hạ du các huyện Tây Sơn, An Nhơn và Tuy Phước. Đồng thời khu vực thủy điện Văn Phong đã tạo thêm một cảnh quan du lịch hấp dẫn mới cho Bình Định.
Văn Thuận/Icon.com.vn