Lễ cắt bằng khánh thành nhà máy xử lý chất thải rắn (rác sinh hoạt) phát điện. Ảnh: Thanh Liêm/BNEWS/TTXVN
Ngày 8/12, tại xã Trường Xuân, huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ, Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ và Tập đoàn China Everbright Quốc tế tổ chức khánh thành nhà máy xử lý chất thải rắn (rác sinh hoạt) phát điện.
Khi đi vào hoạt động, dự án này sẽ giúp giải quyết vấn đề ô nhiễm từ rác thải sinh hoạt mà thành phố Cần Thơ phải đối mặt trong thời gian qua.
Nhà máy xử lý chất thải rắn phát điện Cần Thơ được khởi công vào ngày 30/6/2017. Đến ngày 15/10/2018, nhà máy bắt đầu tiếp nhận rác để vận hành thử nghiệm. Dự án nằm trên diện tích 5,3 ha, với tổng mức đầu tư 1.050 tỉ đồng (tương đương 47 triệu USD), sử dụng công nghệ đốt rác để phát điện.
Mỗi ngày, nhà máy có thể xử lý 400 tấn rác thải sinh hoạt và phát điện khoảng 150.000 Kwh (tương đương 60 triệu kWh/năm). Thời gian hoạt động của nhà máy là 20 năm.
Theo Công ty Năng lượng Môi trường EB Cần Thơ – pháp nhân tại Việt Nam của Tập đoàn China Everbright Quốc tế, đơn vị quản lý vận hành nhà máy, khi hoạt động chính thức, công suất đốt rác của nhà máy sẽ vượt trên 400 tấn rác/ngày, có thể xử lý đến 500 tấn rác/ngày.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Lý Hữu Bằng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn China Everbright Quốc tế cho biết, kể từ khi ký kết thỏa thuận và nhận quyết định chủ trương đầu tư vào tháng 12/2016, Everbright Quốc tế luôn thực hiện theo mục tiêu xây dựng dự án với tiêu chuẩn xanh – sạch – đẹp cho Đồng bằng sông Cửu Long, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật Việt Nam, phát huy hiệu quả các tiềm lực để đẩy nhanh các hạng mục xây dựng dự án. Đến nay, sau gần 2 năm xây dựng, dự án đã đi vào hoạt động như đúng cam kết.
Nhà máy xử lý chất thải rắn phát điện Cần Thơ. Ảnh: Thanh Liêm/BNEWS/TTXVN
Theo ông Thiệu Khải Siêu, Tổng Giám đốc Công ty Năng lượng môi trường EB Cần Thơ, các thiết bị được sử dụng tại nhà máy rác như lò đốt, thiết bị xử lý nước rỉ rác, hệ thống xử lý khói… là do Tập đoàn China Everbright Quốc tế nghiên cứu. Đối với rác thải sinh hoạt của thành phố Cần Thơ cũng như rác thải sinh hoạt ở Đông Nam Á nói chung thì toàn bộ đều có thể đưa vào lò đốt.
Cũng theo ông Thiệu Khải Siêu, hệ thống xử lý khói của nhà máy đạt tiêu chuẩn châu Âu 2010 và lò đốt có thể đốt triệt để (rác thải sinh hoạt) mà không cần dùng một giọt dầu nào.
Ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ cho biết, Nhà máy xử lý chất thải rắn Cần Thơ là dự án đầu tiên tại địa phương này đưa công nghệ tiên tiến vào giải quyết vấn đề rác thải sinh hoạt, tạo ra nguồn năng lượng mới thân thiện với môi trường. Đồng thời, dự án cũng góp phần giúp thành phố Cần Thơ tiếp cận với công nghệ xử lý hiệu quả nhằm giảm thiểu ô nhiễm và cải thiện môi trường sống, đảm bảo phát triển bền vững, phù hợp với quy hoạch chung về xử lý chất thải rắn sinh hoạt của thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ cũng đề nghị Công ty Trách nhiệm hữu hạn Năng lượng Môi trường EB Cần Thơ tổ chức vận hành nhà máy đúng quy định, bảo trì, bảo dưỡng định kỳ, đảm bảo hiệu quả, an toàn, đúng quy định của pháp luật về môi trường.
Đối với các cơ quan chức năng của thành phố Cần Thơ và các quận, huyện liên quan, ông Dũng đề nghị tiếp tục phối hợp, hỗ trợ chủ đầu tư trong thời gian tới để dự án vận hành hiệu quả, đảm bảo đúng quy định pháp luật.
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ cũng bày tỏ sự tin tưởng với năng lực, kinh nghiệm của chủ đầu tư, Nhà máy xử lý chất thải rắn phát điện Cần Thơ sẽ phát huy hiệu quả, trở thành một trong những mô hình ứng dụng công nghệ tiên tiến, phù hợp với điều kiện thực tiễn của đô thị Cần Thơ và có thể nhân rộng ra các tỉnh, thành khác như một giải pháp xử lý rác thải sinh hoạt bền vững, hiệu quả./.