Tin trong nước

Khởi sắc vùng hoa Đà Lạt: Nhờ điện

Thứ tư, 9/9/2015 | 09:29 GMT+7
Đà Lạt được nhắc đến như xứ sở của các loài hoa. Ai đã đến đây cũng phải một lần ngây ngất trước sắc màu hoa lộng lẫy khắp nơi. Hoa Đà Lạt đã có mặt rộng rãi trên thị trường và là thương hiệu hoa nổi tiếng trong cả nước. 

Thu hoạch hoa cúc ở Đà Lạt.
 
Không chỉ góp phần vào phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho người dân địa phương, hoa Đà Lạt còn trở thành biểu tượng đầy thơ mộng và hấp dẫn, thu hút hàng triệu lượt du khách đến tham quan vùng đất ngàn hoa này.  
 
Từ những năm đầu thập niên 90, nhờ sự phát triển công nghệ và chiến lược đầu tư cơ sở hạ tầng, cùng với nguồn điện lưới quốc gia được mở rộng khắp nhằm cung cấp đủ năng lượng cho việc sản xuất, những người trồng hoa Đà Lạt bắt đầu mạnh dạn tiếp cận với phương pháp trồng hoa công nghệ cao, từng bước đưa thương hiệu hoa Đà Lạt chinh phục thị trường hoa cao cấp trong nước và xuất khẩu ra thế giới.
 
Đến thăm làng hoa Thái Phiên - một làng hoa nổi tiếng của Đà lạt với truyền thống trồng hoa gần 60 năm, chúng tôi không khỏi choáng ngợp trước sự phát triển chuyên nghiệp của nơi này. Ðứng từ đỉnh Hòn Bồ nhìn xuống, làng hoa Thái Phiên tựa như một khu công nghiệp với hàng loạt nhà kính trồng hoa trải dài tít tắp... Cả làng hoa hiện có hơn 1.150 hộ dân trồng hoa, đa số đều đã áp dụng công nghệ mới trong nhà kính với hệ thống chiếu sáng và hệ thống tưới hoàn toàn tự động, cho sản lượng hoa hàng năm đạt hơn 300 triệu cành. 
 
Thái Phiên nổi bật về trồng hoa cúc. Đây là giống hoa ngắn ngày, có lượng tiêu thụ tốt và mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhưng cũng là giống hoa đòi hỏi điều kiện chăm sóc đặc biệt về ánh sáng. Ngoài điều kiện phải trồng trong nhà kính, từ lúc gieo cây con đến khi được một tháng, hoa cúc cần được chiếu sáng liên tục 8 tiếng mỗi đêm nhằm đảm bảo cho cây tăng trưởng đúng mức trước khi ra hoa. Nhờ có nguồn điện lưới cung cấp đầy đủ cộng thêm với việc sử dụng loại bóng đèn compact tiết kiệm điện và thiết kế hệ thống chiếu sáng có chóa đèn, nhiều nhà vườn đã thành công trong việc trồng hoa cúc cho tỷ lệ đạt tiêu chuẩn cao; mỗi sào thu hoạch có thể đem lại lợi nhuận hơn 100 triệu đồng, tạo đầu ra ổn định và phát triển nghề bền vững,
 
Ông Nguyễn Đức Dũng, một nông dân làng hoa Thái Phiên cho biết: “Trồng hoa thì phải thắp điện chiếu sáng cho đến khi cây đạt chiều cao tương đối mới ngắt điện được. Đôi lúc hơn 1 tháng mới ngắt điện, tùy theo mức độ phát triển của cây. Nếu không thắp điện chắc chắn cây hoa không có được chiều cao đạt yêu cầu. Thời gian ngắt điện chiếu sáng và cây ra nụ chỉ cách nhau hơn 1 tháng. Nếu chiếu sáng 1 sào  vườn hoa với khoảng 100 bóng đèn tiết kiệm điện thì chi phí tiền điện khoảng 1 triệu đồng. Nhưng thu nhập từ tiền bán hoa cao hơn nhiều lần.” 
 
Trước đây, khái niệm trồng hoa công nghệ cao chỉ hạn hẹp trong phạm vi vài doanh nghiệp và một số hộ nông dân. Đến năm 2004, khi tỉnh Lâm Đồng phát động triển khai chương trình nông nghiệp công nghệ cao thành trọng điểm phát triển, mô hình này mới thực sự phát triển mạnh mẽ. Nhiều nhà vườn bắt đầu đầu tư theo quy mô lớn, ứng dụng công nghệ hiện đại, tự xây dựng phòng lạnh để trữ củ giống nhập khẩu từ nước ngoài về sản xuất và phân phối cho các nhà vườn xung quanh, nâng cao hiệu quả kinh tế cho mảnh đất trồng hoa của mình. 
 
Khác với làng hoa Thái Phiên nổi tiếng nhờ hoa cúc, làng hoa Vạn Thành sở hữu đặc sản là hoa hồng. Từ năm 1997 đến nay, nhờ ứng dụng công nghệ cao, sử dụng điện trong phương pháp tưới - bón phân bằng hệ thống phun tự động, trồng nhiều giống hoa cao cấp nhập khẩu với chủng loại đa dạng... sản phẩm hoa hồng nơi đây nhanh chóng làm thay đổi đời sống nhiều người dân Vạn Thành. Tính bình quân trên mỗi ha chuyên canh hoa hồng, trừ chi phí đầu tư, nhà vườn có thể thu lãi không dưới 40 triệu đồng/sào. 
 
Ông Phạm Xuân Diệp – nông dân làng hoa Vạn Thành cho biết: “Hồi trước gia đình tôi trồng cà phê nhưng chuyển sang trồng hoa hồng 6 năm nay. Trồng hoa hồng thu hoạch quanh năm, cách ngày phải cắt. So với trồng rau củ thì bông hồng cho lợi nhuận cao hơn. Từ khi sử dụng điện lưới, hiệu quả càng cao do giảm đáng kể chi phí mua dầu chạy máy phát, lại không tốn tiền mua máy phát. Nhờ có điện, công đoạn xịt thuốc cũng nhanh hơn, an toàn hơn cho người trồng. Ánh sáng điện cũng giúp canh bông nở đúng thời vụ. Có điện thì còn bao nhiêu đất cứ mở rộng ra hết để trồng thêm hoa.”  
 
Có thể nói, việc ứng dụng công nghệ cao đã tạo bước đột phá cho sản xuất nông nghiệp của tỉnh Lâm Đồng, đồng thời làm thay đổi lớn trong tư duy của những người làm nông tại địa phương. Nếu năm 2003, bình quân giá trị sản xuất nông nghiệp ở Lâm Ðồng chỉ đạt 27 triệu đồng/ha, thì hiện tại đã đạt 80 triệu đồng/ha. Toàn tỉnh hiện có hơn 11 nghìn ha canh tác ứng dụng công nghệ cao, trong đó có hơn 6.000 ha hoa, sản lượng đạt hơn 1,8 tỷ cành/năm. Diện tích nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chỉ chiếm 3%, nhưng đã đem lại từ 18% đến 20% tổng giá trị sản xuất. Tháng 12-2011, nhãn hiệu "Hoa Ðà Lạt" đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng chỉ độc quyền trên phạm vi toàn lãnh thổ Việt Nam.
 
Cùng với sự phát triển nhanh chóng của những làng hoa truyền thống, các yếu tố thuận lợi về khí hậu, thổ nhưỡng và nguồn năng lượng đủ đầy... đã trở thành ưu thế giúp Lâm Đồng thu hút nhiều doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Điển hình là Công ty Đà Lạt Hasfarm – được xem như một nông trại trồng hoa với quy mô lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á. Ra đời năm 1994, Công ty đã sớm trở thành một doanh nghiệp điển hình về phát triển trồng hoa theo công nghệ tiên tiến, làm nên cuộc “cách mạng” về giống, công nghệ, kỹ thuật canh tác hoa cao cấp. 
 
Khởi đầu chỉ với 2,5 ha diện tích trồng hoa, đến nay Đà lạt Hasfarm đã phát triển thành trang trại 300ha với hơn 40ha nhà kính trồng hoa công nghệ cao. Mọi quy trình sản xuất, kinh doanh ở Hasfarm đều là mô hình mơ ước cho lĩnh vực nông nghiệp Việt Nam. Ứng dụng công nghệ tiên tiến của nước ngoài từ khâu chăm sóc, tưới bón, bảo dưỡng cho đến quản lý bán hàng bằng phần mềm, tất cả đều được tự động hóa với tiêu chuẩn cao. Trong đó, không thể không nhấn mạnh đến vai trò mấu chốt của nguồn điện lưới cung cấp xuyên suốt từ đầu đến cuối quy trình sản xuất hoa theo công nghệ cao của Hasfarm. 
 
Bà Lê Thị Đoan Trang – Giám đốc nông trại hoa hồng Công ty Hasfarm cho biết: “Hiện nay tất cả các khâu sản xuất hoa đều cần đến điện, từ khâu ươm hoa trong kho lạnh đến khi đem ra vườn cần điện để thắp sáng và tưới cây, hoặc ngay cả thu hoạch hoa, hệ thống đóng gói cũng cần đến điện. Thời gian trước, nguồn điện không ổn định nhưng hiện nay, điện luôn được cung cấp liên tục với chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu sản xuất và xuất khẩu hoa của Công ty.
 
Chính cách đầu tư nghiêm ngặt về công nghệ và quy trình sản xuất này đã giúp những sản phẩm hoa của Hasfarm được đón nhận ở nhiều thị trường hoa khó tính trên thế giới như Nhật Bản, Úc, Singapore, Đài Loan, Indonesia... Năm 2014, công ty đạt sản lượng hoa trên 90 triệu cành các loại, với 65% được đưa đi xuất khẩu, đạt doanh thu 32 triệu USD và góp phần giải quyết việc làm cho gần 1.700 lao động tại địa phương. Không chỉ thế, những trang trại trồng hoa của Đà Lạt Hasfarm còn được xem là “mô hình điểm” để hỗ trợ nông dân Đà Lạt tiếp cận với kỹ thuật sản xuất hoa tiên tiến. 
 
Cùng với Đà Lạt Hasfarm, Công ty rừng hoa Đà Lạt là 1 trong 2 doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ “Doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao”. Được thành lập năm 2003 chỉ với 8 nhân viên và vài chục m2 đất làm nơi sản xuất, sau khi ứng dụng thành công sản xuất theo công nghệ cao, đến nay Công ty đã có hơn 300 nhân viên lành nghề. Khác với Hasfarm, ngay từ đầu, Công ty rừng hoa Đà Lạt không đầu tư vào sản xuất hoa thành phẩm mà chọn cho mình hướng đi riêng khi ứng dụng công nghệ cao vào 3 mũi nhọn: Nuôi cấy mô, liên kết với doanh nghiệp nước ngoài để lấy giống hoa về nhân giống và áp dụng công nghệ bảo quản hoa khô sau thu hoạch để tạo nên giá trị gia tăng cho sản phẩm. Công ty đã mạnh dạn đầu tư các phòng thí nghiệm, phòng nuôi cấy mô, phòng ấm, vườn ươm... theo tiêu chuẩn tiên tiến với quy mô 4.000m2, đồng thời đầu tư hệ thống đèn chiếu sáng kỹ thuật mới nhằm đảm bảo điều kiện ánh sáng, nhiệt độ phù hợp cho từng giống cây phát triển tốt nhất. Đến nay, Công ty đã có hơn 800 giống cây cảnh và hoa đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, trở thành doanh nghiệp nghiên cứu sản xuất giống cấy mô lớn nhất cả nước và là doanh nghiệp đầu tiên xuất khẩu cây giống sang châu Âu, thành công “đem chuông đi đánh xứ người” ở các vương quốc hoa như Hà Lan, Bỉ.  
 
Bà Trần Nguyễn Phương Quỳnh - Trưởng Phòng thí nghiệm Công ty rừng hoa Đà Lạt chia sẻ: “Đối với từng loại, từng giống cây sẽ có yêu cầu ánh sáng riêng, nhiệt độ riêng, do đó phải sắp xếp sao cho môi trường có điều kiện ánh sáng phù hợp với sự phát triển của cây. Yêu cầu chung của các loại cây cần khoảng 16giờ chiếu sáng/ngày. Tùy thời gian phân bố, chia khoảng sao cho thích hợp. Nhiệt độ khoảng 22 độ C - 24 độ C tùy loại cây. Ngành nuôi cấy mô là một mô hình nuôi trồng trong điều kiện nhân tạo, nên ánh sáng là điều kiện bắt buộc phải đảm bảo để phục vụ phát triển cho cây do đó điện năng đóng vai trò quan trọng với ngành này.” 
 
Cùng với thành công trong lĩnh vực nuôi cấy mô, Công ty rừng hoa Đà Lạt còn ấp ủ mục tiêu nâng tầm hoa Việt bằng cách đầu tư khai thác vẻ đẹp lâu bền của hoa bằng công nghệ sấy hoa khô. Qua quá trình nghiên cứu thử nghiệm, đầu tư xây dựng nhà xưởng, Công ty đã biến những bông hoa tươi thu hoạch tại địa phương với giá vài ngàn đồng thành sản phẩm hoa sấy khô với sắc màu không khác hoa thật mấy, cho độ bền từ 3-5 năm và giá trị cao gấp hàng chục lần hoa tươi. Với công nghệ mới này, từ các loài hoa như lyly, dã quỳ, cẩm chướng, hoa hồng… cho đến cùng các phụ liệu khác như lá rừng, dây leo, rễ cây cổ thụ... đều giữ được vẻ đẹp trinh nguyên sống động. Dưới bàn tay của các nghệ nhân, những bông hoa không chỉ được tăng thêm giá trị ở vẻ đẹp lâu bền, mà còn được thăng hoa trong các bức tranh nghệ thuật, trở thành những tác phẩm sống động làm say lòng người thưởng thức...
 
Cùng với sự nỗ lực sáng tạo không ngừng nghỉ của những bàn tay lao động, sắc hoa Đà Lạt ngày càng trở nên lung linh rạng rỡ hơn, không chỉ mang đến vẻ đẹp rực rỡ để ngắm nhìn mà còn góp phần tích cực làm thay đổi đời sống kinh tế, văn hóa, du lịch của cả vùng đất cao nguyên này. Và đằng sau vẻ rực rỡ đó có sự đóng góp âm thầm của ngành Điện với nguồn năng lượng như một sứ mệnh cao cả, góp phần tạo dựng và phát triển những vùng đất với diện mạo mới ngày càng hoàn thiện, văn minh và tươi đẹp hơn. 
Minh Thu