Công nhân Cty Điện lực Hòa Bình hướng dẫn người dân sử dụng điện an toàn.
Đến nay, với nỗ lực của ngành điện, đã có 99,96% số hộ trên địa bàn tỉnh Hòa Bình được sinh hoạt trong ánh sáng của lưới điện quốc gia, từ đó góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Khó khăn từ lòng hồ
Hồ thuỷ điện Hòa Bình có chiều dài 70km, trải rộng trên địa bàn 17 xã thuộc 5 huyện, thành phố, được hình thành sau khi có công trình thuỷ điện Hoà Bình. Trong cuộc trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Lương Văn Phương - Phó GĐ Cty Điện lực Hòa Bình - chia sẻ, một trong những khó khăn trong việc ổn định cung cấp điện lưới tại tỉnh chính là ở khu vực lòng hồ. Tại đây, người dân chủ yếu là người dân tộc Mường, sinh sống theo tập tục, du canh du cư, di chuyển theo thời gian ngắn, việc đầu tư lưới điện rất tốn kém. “Đôi khi kéo một trạm biến áp dài 2-3km đường dây trung thế nhưng chỉ cấp được điện cho 30-40 hộ dân” - ông Phương trải lòng.
Không những vậy, việc tăng mức đầu tư và kinh doanh bán điện, đặc biệt ở khu vực lòng hồ rất khó khăn. Ông Phương cho hay, công tác thu tiền điện rất vất vả, bởi anh em phải thuê xuồng, thuê đò để đi vào lòng hồ, vào đến tận từng thôn bản xa xôi, chưa kể rất nhiều lần đến nhưng không gặp được bà con, tiền điện cũng không thu được. Điều này gián tiếp tạo nên khó khăn về công tác đầu tư kinh doanh bán điện.
Mặt khác, tại khu vực miền núi, việc di chuyển, thay thế, đầu tư, lắp đặt các thiết bị, đường dây và trạm biến áp cũng rất khó khăn. Bởi lẽ, anh em công nhân điện lực Hòa Bình phải di chuyển cột điện bằng thuyền hoặc xuồng để đưa cột điện tới các điểm hợp lý để nối dây. Cứ thế, khó khăn chồng chất khó khăn.
Niềm vui phát triển kinh tế
Đáp lại những nỗ lực bền bỉ trong thời gian qua, ngành điện Hòa Bình đã thu được nhiều “trái ngọt” cả về tốc độ tăng trưởng lẫn đầu tư phát triển. Nếu như năm 2010, toàn tỉnh mới chỉ có 3 trạm 110kV thì năm 2015 tăng lên 7 trạm, công suất cực đại tăng từ 60MW lên 120MW. Từ việc quản lý 1.000 máy biến áp trên địa bàn toàn tỉnh vào năm 2010, sau 5 năm, tăng lên 1.700 máy biến áp. Điều này đã trực tiếp góp phần cung cấp điện ổn định, giảm bán kính cấp điện phục vụ trên địa bàn, đáp ứng mức độ tăng trưởng phụ tải trên địa bàn toàn tỉnh.
Từ năm 2010 đến nay, công tác tiếp nhận lưới điện nông thôn đã tiếp nhận được 171 xã, với 1.658km đường dây hạ thế và 132.783 côngtơ các loại. Trước năm 2000, việc có điện lưới phủ khắp thôn bản còn rất hạn chế, nhưng đến năm 2013, tỉnh Hòa Bình đã có 99,96% số hộ có điện, đạt mục tiêu đề ra.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Ngợi - nông dân trú tại huyện Cao Phong, TP.Hòa Bình - phấn khởi: “Khi có điện lưới quốc gia, các thôn, bản, xóm, xã đã có rất nhiều thuận lợi trong việc kinh doanh, sinh hoạt. Trước đây muốn sử dụng máy xay xát thì người dân chúng tôi phải đi xa, nay nhờ có điện nên mỗi thôn xóm đầu tư trực tiếp”.
Ông Quách Công Trọng - Phó Chủ tịch UBND Xã Phú Cường, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình - cho biết: “100% người dân ở xã sống bằng sản xuất nông nghiệp. Từ khi có điện, bà con chuyển sang sử dụng máy móc để tăng gia sản xuất như dùng máy cày, máy kéo, máy bơm nước… Điện về, dân trí cũng được mở mang, người dân thay đổi cơ cấu cây trồng từ cây ngô địa phương sang trồng ngô lai và giống lúa mới cho năng suất cao hơn, mang lại hiệu quả kinh tế. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 8 triệu đồng/người/năm (2010) lên 14 triệu đồng/người/năm, giảm tỉ lệ hộ nghèo xuống còn 25%”.
Từ năm 2010 đến nay, Cty đã thực hiện đầu tư với tổng vốn là 1.198.908,4 triệu đồng. Trong thời gian tới, ngành điện Hòa Bình sẽ tiếp tục đầu tư và thực hiện công tác phục vụ điện cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, từ đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế vùng và địa phương.