Không lo thiếu điện trong mùa khô

Thứ tư, 14/4/2021 | 14:29 GMT+7
Hiện nay, thời tiết Nam bộ, trong đó có Đồng Nai đang trong cao điểm nắng nóng. 
Công nhân Điện lực Trị An đang phát quang hành lang chuẩn bị xây dựng đường điện trung thế về ấp 3, 4, xã Mã Đà (H.Vĩnh Cửu). Ảnh: Kim Liễu
 
Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai- Trương Đình Quốc đã có cuộc trao đổi về công tác cung ứng điện phục vụ nhu cầu sinh hoạt, tưới tiêu, sản xuất trên địa bàn trong mùa khô năm nay.

Để đảm bảo điện cung ứng trên địa bàn tỉnh, ngay từ đầu năm 2021, Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai (PC Đồng Nai) đã chủ động lên phương án cung cấp điện mùa khô cụ thể, rõ ràng nên từ nay đến hết mùa khô năm 2021, trên địa bàn tỉnh sẽ không xảy ra thiếu điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt.
 
PV: Tình hình thời tiết nắng nóng dự báo sẽ kéo dài đến hết tháng 5-2021, với sản lượng điện tiêu thụ như hiện nay PC Đồng Nai đã có những giải pháp gì để đảm bảo nguồn cung, thưa ông?
 
Ông Trương Đình Quốc: So với tháng 2-2021, sản lượng điện tiêu thụ trên địa bàn tỉnh trong tháng 3-2021 tăng 20%. Ngay từ cuối năm 2020, PC Đồng Nai đã xây dựng phương án cung cấp điện mùa khô năm 2021 trình UBND tỉnh phê duyệt. Trong đó có hoàn thành và đưa vào vận hành các công trình lưới điện phân phối, nâng cấp các trạm biến áp; đầu tư trang thiết bị, hệ thống điện, ứng dụng những thành tựu về công nghệ thông tin trong cung ứng điện, đảm bảo mục tiêu cung cấp điện an toàn, liên tục, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Song song đó, PC Đồng Nai đã có phương án rà soát, cân đối phụ tải phù hợp; đẩy nhanh tiến độ các công trình điện đang đầu tư; tuyên truyền để người dân thực hiện tiết kiệm, sử dụng điện hiệu quả, an toàn… Trên tinh thần đảm bảo nguồn cung cấp điện an toàn, liên tục cho an ninh quốc phòng, sinh hoạt của người dân và nhu cầu phát triển kinh tế của địa phương, do đó, không thể xảy ra tình trạng thiếu điện.
 
PV: Mùa nắng nóng, mức tiêu thụ điện năng trên toàn tỉnh có tăng cao hay không, thưa ông?
 
Ông Trương Đình Quốc: Mức tiêu thụ điện trên toàn tỉnh những ngày cuối tháng 2-2021 từ 42 triệu kWh/ngày đã tăng lên gần 46 triệu kWh/ngày cuối tháng 3-2021. Điện sinh hoạt bình quân mỗi ngày ở hóa đơn kỳ 3-2021 tăng 8,57% so với kỳ 2-2021, tăng 11,29% so với kỳ 1-2021.
 
PV: Thời tiết nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện tăng có phải là nguyên nhân tiền điện tháng 3-2021 của nhiều hộ dân tăng cao hay không? 
 
Ông Trương Đình Quốc: Hiện nay, do thời tiết nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện tăng nên hóa đơn tiền điện trong các tháng mùa khô có thể tăng vọt vì giá điện tính bằng phương thức lũy tiến với tiêu chí dùng càng nhiều, giá càng cao. Đây là hiện tượng có tính quy luật thời tiết, hằng năm ở nhiều khu vực, nhất là ở phía Nam khi thời tiết bắt đầu chuyển sang nắng nóng, điển hình như tháng 3 năm nay có một số ngày nắng nóng gay gắt và kéo dài với mức nhiệt trên 35 độ C. Khi vào mùa nắng nóng, các hộ khách hàng sử dụng nhiều thiết bị làm mát nên tiêu thụ nhiều điện, nhất là máy lạnh. Bản thân các thiết bị làm mát cũng phải hoạt động nhiều hơn khi có sự chênh lệch lớn giữa nhiệt độ ngoài trời và trong phòng, nên càng tốn nhiều điện hơn. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc điện năng tiêu thụ bình quân ngày ở hóa đơn kỳ 3-2021 tăng.
 
PV: Ông có lưu ý gì với khách hàng về việc sử dụng điện tiết kiệm trong mùa nắng nóng?
 
Ông Trương Đình Quốc: Do giá điện tính bằng phương thức lũy tiến với tiêu chí dùng càng nhiều, giá càng cao nên người dân cần theo dõi sản lượng, mức tiêu thụ của các thiết bị điện để hạn chế tối đa rơi vào các bậc thang giá cao. Nhằm sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, khách hàng nên tắt bớt các thiết bị không cần thiết. Đồng thời, không sử dụng cùng lúc nhiều thiết bị công suất lớn, sử dụng thiết bị điện hợp lý và áp dụng các giải pháp tiết kiệm điện trong sinh hoạt như: bật thiết bị điều hòa từ 26 độ C trở lên, thường xuyên vệ sinh máy điều hòa, tận dụng nguồn ánh sáng và gió tự nhiên, thay thế các thiết bị chiếu sáng bằng đèn led, sử dụng các thiết bị có dán nhãn tiết kiệm điện…
 
PV: Xin cảm ơn ông!

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, trong vòng 24 giờ kể từ khi tiếp nhận ý kiến của khách hàng về hóa đơn tiền điện, nhân viên điện lực sẽ phối hợp cùng khách hàng đối soát chỉ số đồng hồ, lượng điện tiêu thụ trong kỳ, hóa đơn tiền điện. Đặc biệt, với những hóa đơn tiền điện có mức tăng trên 30%, các Tổng công ty điện lực sẽ tiến hành phúc tra 100% chỉ số công tơ trước khi phát hành tới khách hàng. Việc phúc tra sẽ do bộ phận độc lập thực hiện.
Theo: Báo Đồng Nai