Tin thế giới

Khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ đầu tư 1.000 tỷ USD vào năng lượng tái tạo vào năm 2030

Thứ hai, 26/10/2020 | 08:45 GMT+7
Nghiên cứu mới được Công ty tư vấn và nghiên cứu Wood Mackenzie (Vương quốc Anh) vừa công bố, dự kiến đến năm 2030, các quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ đầu tư tới 1.000 tỷ USD vào năng lượng mặt trời và năng lượng gió.
Năng lượng tái tạo dự kiến sẽ "chiếm lĩnh" cơ cấu nguồn điện năng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2030.

Dự báo, các lĩnh vực năng lượng mặt trời và năng lượng gió sẽ chiếm 66%, tương đương cơ hội đầu tư 1 nghìn tỷ USD, trong khi nhiên liệu hóa thạch, chủ yếu là than và khí đốt, chiếm 500 tỷ USD còn lại.
 
Cũng theo nghiên cứu này, các khoản đầu tư vào năng lượng tái tạo đã vượt qua năng lượng nhiên liệu hóa thạch kể từ năm 2013 và theo dự báo ​​sẽ tiếp tục tăng tỷ trọng trong các khoản đầu tư tương lai. Dự kiến, khoản đầu tư vào các dự án năng lượng nhiệt điện than ​​sẽ giảm từ 57 tỷ USD năm 2013 xuống còn 18 tỷ USD vào năm 2030.
 
Trong khi đó, tỉ trọng điện gió và điện mặt trời trong cơ cấu các nguồn điện năng tại châu Á - Thái Bình Dương sẽ tăng gấp 2 lần lên 17% vào năm 2030, trong đó hơn 51/81 quốc gia ghi nhận tỷ trọng này đạt trên 10%.
 
Cũng theo Wood Mackenzie, khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ bổ sung hơn 170 GW công suất điện mới mỗi năm trong vòng 10 năm tới. Khả năng lưu trữ năng lượng cũng được dự báo tăng gấp 2 lần do công suất lưu trữ điện năng bằng hệ thống pin điện đang phát triển mạnh.
 
Ông Alex Whitworth - đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, "Sau năm 2030, chúng tôi kỳ vọng đầu tư vào năng lượng tái tạo sẽ tăng tốc mạnh nhờ cải tiến công nghệ, chi phí thấp hơn và chính sách rõ ràng".
Theo: TKNL