Tin thế giới

Khủng hoảng điện ở Trung Quốc là nhất thời hay dài hạn?

Thứ ba, 30/8/2022 | 14:44 GMT+7
Trung Quốc đang đối mặt với tình trạng thiếu điện do hạn hán và nắng nóng, ảnh hưởng đến lưu vực sông Dương Tử, nơi có nhiều nhà máy và đông đảo dân số.
Trung Quốc nắng nóng kỷ lục trong những tuần gần đây, gây ra cuộc khủng hoảng điện ở các vùng phía nam. Ảnh: AFP
 
Điều gì đang xảy ra với nguồn cung điện của Trung Quốc?
 
Theo SCMP, kể từ giữa tháng 7, phụ tải điện của Trung Quốc đã tăng đột biến do nhu cầu điều hòa không khí trong cao điểm mùa hè.
 
Vào tháng 7, tiêu thụ điện đã tăng 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó tiêu thụ điện dân dụng tăng 26,8% - theo Cơ quan Quản lý Năng lượng Quốc gia.
 
Tổng cộng 19 lưới điện cấp tỉnh đã phá kỷ lục về phụ tải điện. Trong khi đó, tiêu thụ tiếp tục tăng trong tháng 8, theo Hội đồng Điện lực Trung Quốc.
 
Do đó, các hạn chế về điện đã được áp dụng đối với các trung tâm kinh tế và sản xuất khác nhau dọc theo sông Dương Tử.
 
Tại sao Trung Quốc đối mặt với khủng hoảng điện?
 
Trung Quốc đã phải hứng chịu đợt nắng nóng tồi tệ nhất kể từ khi dữ liệu bắt đầu được ghi vào năm 1961. Nắng nóng khắc nghiệt đã dẫn đến tình trạng hạn hán ở các khu vực miền nam Trung Quốc, khiến mực nước trong các hồ chứa thủy điện xuống thấp.
 
Sông Dương Tử và hai hồ nước ngọt lớn nhất của Trung Quốc trong lưu vực là Động Đình và Bà Dương đang ở mức nước thấp trong lịch sử, dự kiến tiếp tục cạn kiệt. Hàng chục con sông và hồ chứa trong khu vực đã khô cạn.
 
Tại sao Tứ Xuyên thiệt hại nặng nhất?
 
Tứ Xuyên chắc chắn là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi tình trạng thiếu điện. Nguyên nhân không chỉ vì tỉnh này đã phải chịu thời tiết khắc nghiệt, mà còn bởi thủy điện chiếm tới 80% điện năng của Tứ Xuyên.
 
Năm 2021, Tứ Xuyên đứng thứ sáu ở Trung Quốc về tổng sản lượng điện. Tứ Xuyên là tỉnh số 1 về sản xuất thủy điện, tiếp theo là Vân Nam.
 
Vào tháng 8, hạn hán đã làm giảm 50% công suất phát điện của Tứ Xuyên.
 
Sản lượng thủy điện giảm ở Tứ Xuyên cũng ảnh hưởng đến nguồn cung điện chung của quốc gia, vì Tứ Xuyên là một trong những tỉnh xuất khẩu điện lớn của Trung Quốc.
 
Điện sản xuất trong tỉnh được gửi đến trung và hạ lưu sông Dương Tử như một phần của “dự án truyền tải điện Tây-Đông”. Nó được xuất khẩu sang Giang Tô, Chiết Giang, Thượng Hải và thành phố Trùng Khánh lân cận, những nơi cũng đang phải vật lộn với tình trạng thiếu điện.
 
Cơ sở hạ tầng điện của Tứ Xuyên không đủ để nhập khẩu khối lượng lớn từ các khu vực khác.
 
Tác động kinh tế của cuộc khủng hoảng điện là gì?
 
Nhiều lĩnh vực sản xuất khác nhau đã bị ảnh hưởng bởi các hạn chế về điện.
 
Tứ Xuyên ban hành lệnh ngừng sản xuất lớn nhất vào ngày 15.8. Trung tâm sản xuất phía tây nam này có số lượng lớn các nhà máy sản xuất các sản phẩm hóa chất, linh kiện điện tử, pin lithium, polysilicon và nhôm.
 
Các tỉnh Chiết Giang, An Huy và Giang Tô cũng áp dụng các biện pháp cắt giảm điện, ảnh hưởng đến thép, kim loại màu, polyester, dệt may và các nhà sản xuất điện tử.
 
Mặc dù tác động kinh tế tổng thể của các hạn chế được cho là không lớn, nhưng Tứ Xuyên và Trùng Khánh là những trung tâm sản xuất quan trọng đối với pin xe điện, linh kiện điện tử cho chất bán dẫn, tấm pin mặt trời và máy tính.
 
Ngành chăn nuôi ở Tứ Xuyên cũng bị ảnh hưởng, chủ yếu do các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi đóng cửa và động vật chết sau khi điều hòa không khí ở các trang trại bị tắt.
 
Thiếu điện là vấn đề ngắn hạn hay dài hạn của Trung Quốc?
 
Mặc dù thời tiết khắc nghiệt là nguyên nhân trực tiếp gây ra tình trạng thiếu điện, nhưng Trung Quốc phải đối mặt với những thách thức lâu dài.
 
Lượng khí thải carbon của Trung Quốc tiếp tục tăng với tư cách là trung tâm kinh tế và sản xuất hàng đầu với dân số 1,4 tỉ người. Trung Quốc được cho là nước gây ô nhiễm lớn nhất thế giới, gây khó khăn cho các mục tiêu khí hậu toàn cầu.
 
Đồng thời, Trung Quốc rất dễ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, đặc biệt là gió mùa. Khi nhiệt độ tiếp tục tăng trên toàn cầu, điều tồi tệ nhất về thời tiết khắc nghiệt có thể vẫn chưa xảy ra.
 
Ngành điện của Trung Quốc cũng phải đối mặt với các vấn đề về cơ cấu. Đầu tư đang tụt hậu so với tăng trưởng tiêu thụ điện.
 
Năm 2021, tốc độ tăng trưởng kép của đầu tư vào cơ sở hạ tầng điện của Trung Quốc giảm 2,7% so với năm 2018, trong khi mức tiêu thụ điện tăng tới 6,7% - theo công ty tài chính Trung Quốc Essence Securities. 
 
Trong khi nhiên liệu hóa thạch - đặc biệt là điện than - vẫn chiếm phần lớn trong cơ cấu năng lượng của Trung Quốc, đầu tư đang chuyển nhanh sang các loại năng lượng tái tạo như điện mặt trời và điện gió. Việc chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch sẽ giúp Trung Quốc đáp ứng các mục tiêu về biến đổi khí hậu, nhưng năng lượng tái tạo có nguồn cung không ổn định, gây khó khăn cho việc cung cấp năng lượng cơ bản cho phụ tải.
 
Trung Quốc sẽ đối phó như thế nào?
 
Năm ngoái, Trung Quốc đã phải hứng chịu cuộc khủng hoảng điện nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ, với hơn một nửa 31 khu vực pháp lý cấp tỉnh phải phân phối điện.
 
Bắc Kinh khẳng định sẽ không lặp lại cuộc khủng hoảng điện làm rung chuyển đất nước năm ngoái. Chủ tịch Tập Cận Bình cam kết Trung Quốc “sẽ không bao giờ để một sự cố lớn như cắt điện quy mô lớn tái diễn”.
 
Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng cam kết “nỗ lực kiên quyết” để ngăn chặn tình trạng cắt điện trong chuyến công du đến tỉnh Vân Nam, tây nam vào tháng 5.
 
Đầu tháng này, Phó Thủ tướng Hàn Chính cho biết Trung Quốc sẽ đẩy mạnh hỗ trợ các nhà máy nhiệt điện than và các công ty khai thác để đảm bảo cung cấp điện ổn định.
 
Do đó, các dự án điện than ở Trung Quốc - quốc gia tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch lớn nhất thế giới - tiếp tục mở rộng, làm suy yếu các nỗ lực đối phó với biến đổi khí hậu.
 
Trong quý 4.2021, công suất nhiệt điện than mới được phê duyệt tăng 36,3% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi quý 1 năm nay đã tăng 103,1%, theo Essence Securities.
 
Theo: Lao động