Tin thế giới

Khủng hoảng năng lượng đe dọa đà phục hồi toàn cầu

Chủ nhật, 3/10/2021 | 14:31 GMT+7
Châu Âu và Trung Quốc đang phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nguồn cung năng lượng. Cung không đủ cầu, khủng hoảng năng lượng đang lan nhanh.
 
Tại châu Âu, thiếu hụt năng lượng khiến giá điện tăng phi mã, kéo theo lạm phát trên toàn lục địa già lên mức cao nhất nhiều năm. (Ảnh minh họa - Ảnh: Energi Media)
 
Kinh tế toàn cầu hồi phục kéo theo "cơn khát" năng lượng, tuy nhiên giá khí đốt tăng phi mã, cao gấp 3 lần tại châu Âu, gấp 2 lần tại Mỹ và đang tăng nhanh tại châu Á. Trong khi đó, giá than nhiệt tại Trung Quốc cũng đang ở mức kỷ lục mới.
 
Các doanh nghiệp lao đao vì giá điện leo thang
 
Giá khí đốt, than nhiệt… - những nhiên liệu được sử dụng phổ biến để sản xuất điện năng đều đang tăng giá chóng mặt kể từ đầu năm đến nay. Hệ quả là một cuộc khủng hoảng thiếu điện trầm trọng đang lan rộng tại nhiều nền kinh tế lớn, vốn được coi là động lực tăng trưởng của kinh tế toàn cầu hậu COVID-19 như châu Âu và Trung Quốc, khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng lao đao.
 
Thiếu điện và phải cắt điện luân phiên đang lan rộng khắp 20/31 tỉnh và khu tự trị tại Trung Quốc. Các nhà chế tạo cảnh báo, khủng hoảng điện năng nếu kéo dài sẽ tác động mạnh đến hoạt động sản xuất tại Giang Tô, Chiết Giang và Quảng Đông - 3 tỉnh hiện đóng góp tới hơn 1/3 GDP Trung Quốc.
 
"Tình trạng cắt điện diễn ra sau Trung thu. Chúng tôi đã phải liên tục yêu cầu các nhà cung ứng làm thêm ca đêm hoặc sử dụng máy phát điện để sản xuất không bị đứt gãy. Nếu tình hình kéo dài thì các đơn hàng cần xuất phục vụ dịp Giáng sinh sẽ ảnh hưởng lớn", anh Sherman Chan, Phó Giám đốc Công ty sản xuất TV Express Luck, Quảng Đông, Trung Quốc, cho biết.
 
Nhiều nhà cung cấp quan trọng của Apple và Tesla đã phải tạm ngưng sản xuất tại Trung Quốc vì thiếu điện, đe dọa chuỗi cung ứng các sản phẩm điện tử toàn cầu.
 
Còn tại châu Âu, thiếu hụt năng lượng cũng khiến giá điện tăng phi mã, kéo theo lạm phát trên toàn lục địa già lên mức cao nhất nhiều năm.
 
Hiện giá điện bán lẻ đã cao gấp 3 lần tại Tây Ban Nha. Biên lợi nhuận và sức cạnh tranh của 60% số doanh nghiệp, chủ yếu là vừa và nhỏ, vì thế cũng giảm theo.
 
"Trung bình hóa đơn tiền điện chỉ chiếm 1/10 doanh thu. Còn năm nay tiền điện đã chiếm 1/3 doanh thu. Công suất của tiệm cũng mới chỉ đạt 40% do kinh tế vừa mở cửa trở lại", chị Mayra Maldonado, Chủ doanh nghiệp tại Madrid, Tây Ban Nha, chia sẻ.
 
Dự báo nhu cầu sử dụng điện sẽ tiếp tục tăng do sản xuất phục hồi mạnh và mùa đông đang tới gần. Do vậy, sớm giải quyết cơn khát năng lượng là điều cấp thiết lúc này.
 
Những khó khăn này đã tác động đáng kể đến triển vọng của các nền kinh tế. Công ty tài chính Nomura của Nhật Bản và cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch của Mỹ đã đồng loạt hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc trong năm nay, đồng thời cảnh báo việc hàng loạt doanh nghiệp sản xuất phải ngừng hoạt động do thiếu điện sẽ tác động nghiêm trọng tới chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là khi mùa Giáng sinh đang đến gần.
 
Tại châu Âu, tình trạng thiếu điện đang làm gia tăng áp lực lạm phát. Các số liệu thống kê cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 8 tại các nước Eurozone đã tăng 3%, mức cao nhất trong vòng 1 thập kỷ qua. Lạm phát gia tăng cùng việc nhiều doanh nghiệp gặp khó đang đe dọa nghiêm trọng đến đà phục hồi kinh tế của khu vực.
 
Nguyên nhân khiến giá năng lượng leo thang tại châu Âu
 
Châu Âu và Trung Quốc đang phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nguồn cung năng lượng vào đúng thời điểm nhạy cảm khi mùa đông lạnh giá tới gần, kéo theo nhu cầu sử dụng năng lượng nhiều hơn.
 
Nguyên nhân đầu tiên là do giá khí hóa lỏng đã tăng từ nhiều tháng nay theo đà tăng giá dầu mỏ trên thế giới. Các công ty năng lượng đã chờ đợi giá xuống, nhưng tới nay họ đã không thể chịu đựng được nên buộc phải tăng giá bán lẻ. Ví dụ tại Pháp, từ ngày 1/10, giá khí đốt đã tăng 12%. Trong khi kinh tế đang phục hồi mạnh mẽ, cần nhiều năng lượng. Mùa đông tới, nhu cầu sưởi ấm tăng. Nước Nga giảm xuất khẩu khí đốt vào châu Âu cũng là một lý do. Một lý do nội tại khác là Liên minh châu Âu thu hẹp sản xuất điện từ than nâu nên các nhà máy điện buộc phải tăng dùng khí đốt. Thuế khí hậu áp lên các nguồn năng lượng hóa thạch cũng làm tăng giá khí và điện bán ra ở châu Âu.
 
Có thể thấy, cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu là hệ quả của nhiều yếu tố, từ nhu cầu tăng cao, nguồn cung hạn chế cho tới các chính sách năng lượng của chính phủ. Câu chuyện tại Trung Quốc cũng có nhiều nét tương đồng.
 
Nguyên nhân khủng hoảng năng lượng ở Trung Quốc
 
Trong 8 tháng đầu năm 2021, tiêu thụ điện năng ở Trung Quốc đã tăng vọt 13% so với cùng kỳ năm 2020. Phần lớn sự gia tăng này được đáp ứng bởi các nhà máy nhiệt điện than, tuy nhiên sản lượng khai thác than nội địa chỉ tăng 6% trong cùng thời kỳ. Kết quả là lượng than tồn kho trong các nhà máy nhiệt điện nhanh chóng cạn kiệt và tạo áp lực lớn lên giá thị trường.
 
Cùng với nhu cầu tiêu thụ điện năng gia tăng chóng mặt, từ năm 2016, Trung Quốc lại ban hành lệnh cấm khai thác các mỏ than đá mới, và lần lượt đóng cửa 1.000 mỏ than trên toàn quốc. Các chính sách nghiêm ngặt này đã khiến sản lượng khai thác than tăng chậm lại, không đáp ứng được nhu cầu sản xuất điện năng.
 
Trung Quốc nỗ lực giải quyết khủng hoảng năng lượng
 
Để giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng, giới chức Trung Quốc đang hướng tới nhiều giải pháp, trong đó có việc cho phép các nhà máy nhiệt điện than tăng giá bán điện, buộc các công ty điện lực quốc doanh tiếp tục cung cấp điện kể cả khi thua lỗ, tăng sản lượng than trong nước và cuối cùng là nhập khẩu nhiều than hơn. Việc Trung Quốc tăng nhập khẩu than được cho là có thể dẫn tới một cuộc cạnh tranh quyết liệt với các quốc gia khác, tạo thêm động lực cho đợt tăng giá toàn cầu.
 
Việc Trung Quốc tăng cường sử dụng than có thể coi là một điều chỉnh mang tính tình thế để Bắc Kinh bảo vệ nền kinh tế trước nguy cơ đình trệ chuỗi cung ứng. Còn trong dài hạn, nhiều chuyên gia tin rằng, Bắc Kinh vẫn sẽ tiếp tục giữ vững các cam kết đã đặt ra.
 
Châu Âu được biết đến là một trong những khu vực đi đầu về các cam kết bảo vệ môi trường. Để có thể vừa kiềm chế giá điện, nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu chung về cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính là rất khó, vì châu Âu vẫn phải dựa vào khí đốt để phát điện, dù tỷ trọng năng lượng hóa thạch đã giảm nhiều, tỷ trọng năng lượng tái tạo đã cao hơn.
 
Trước mắt, Ủy ban châu Âu đã tổ chức họp nhằm xác định mức giảm thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt áp cho điện năng, cũng như xác định mức độ trợ cấp cho doanh nghiệp và hộ gia đình.
 
Về dài hạn, châu Âu tiếp tục khuyến khích đầu tư sản xuất điện gió, điện mặt trời, điện thủy triều... Điều đáng lưu ý, không phải do giá điện tăng vọt mà châu Âu giảm bớt mục tiêu cắt giảm khí thải, chính sách đó không thay đổi trong tình hình bất thường hiện nay.
 
Nhiều chuyên gia trong ngành năng lượng tin rằng, với nỗ lực kiềm chế của chính phủ các nước, thời kỳ giá năng lượng cao sẽ qua đi và mọi thứ sẽ sớm trở lại bình thường.
 
Tuy nhiên, việc giá khí đốt tại châu Âu hay than tại Trung Quốc tăng cao như hiện nay cũng là một sự nhắc nhở rằng thế giới vẫn còn phụ thuộc rất lớn vào nhiên liệu hóa thạch và sẽ gặp nhiều thách thức trong quá trình loại bỏ nguồn nhiên liệu truyền thống này.
 
Những thách thức trong quá trình chuyển đổi năng lượng
 
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), trong vòng 10 năm trở lại đây, xu hướng đầu tư cho hoạt động sản xuất điện bằng năng lượng tái tạo liên tục gia tăng, trong khi nhiên liệu hóa thạch lại ghi nhận xu hướng giảm dần. Chỉ riêng trong năm 2021, năng lượng sạch đã chiếm gần 70% nguồn vốn đầu tư cho công suất phát điện mới trên toàn cầu.
 
"Điện gió, điện mặt trời đang thâm nhập vào các hệ thống năng lượng trên khắp thế giới khá nhanh và giá thành của chúng cũng đang giảm dần. Chúng sẽ là những lựa chọn rất hứa hẹn để giúp nền kinh tế giảm khí thải carbon", Tiến sĩ Ajay Gambhir, Viện Nghiên cứu Grantham về Biến đổi Khí hậu và Môi trường, nhận định.
 
Tuy nhiên, năng lượng tái tạo hiện mới chỉ chiếm 29% sản lượng điện toàn cầu, đồng nghĩa với việc thế giới vẫn phụ thuộc nhiều vào nguồn năng lượng truyền thống, vốn đang khó gia tăng sản lượng do thiếu vốn đầu tư. Điều này khiến nguy cơ thiếu hụt là rất dễ xảy ra mỗi khi thị trường có biến động.
 
"Khí đốt, than, dầu, kim loại, khai mỏ là những thứ thuộc nền kinh tế cũ đang thiếu đầu tư trầm trọng. Chúng tôi gọi vấn đề đang diễn ra là sự trả đòn của nền kinh tế cũ", ông Jeff Currie, Trưởng nhóm nghiên cứu hàng hóa toàn cầu tại Goldman Sachs, cho hay.
 
Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cũng cảnh báo, việc ngừng đầu tư mới vào nhiên liệu hóa thạch là không phù hợp vì nhu cầu đối với các sản phẩm này vẫn sẽ tăng trong những năm tới. Nhiều ý kiến lo ngại, cuộc khủng hoảng hiện nay sẽ là thách thức lớn đối với mục tiêu khí hậu và môi trường của nhiều quốc gia.
 
"Tình trạng thiếu điện hiện tại sẽ có tác động đến các mục tiêu về khí hậu và môi trường của Trung Quốc. Tôi có thể dự đoán rằng, rất nhiều tập đoàn công nghiệp sẽ tận dụng tình trạng thiếu điện này để cản trở các mục tiêu về khí hậu", ông Li Shuo, Cố vấn chính sách cấp cao, Tổ chức Hòa Bình Xanh khu vực Đông Á, nhấn mạnh.
 
Theo các chuyên gia, sự chuyển hướng sang năng lượng xanh sẽ là xu thế không thể đảo ngược của thế giới. Tuy nhiên, con đường này sẽ không dễ dàng, bởi chỉ một sai lầm nhỏ như việc không có những lựa chọn dự phòng đủ mạnh, cũng có thể khiến cả hệ thống phải đối mặt với khủng hoảng.
 
Những gì đang diễn ra tại Trung Quốc và châu Âu sẽ là kinh nghiệm hữu ích cho phần còn lại của thế giới. Đảm bảo sự cân bằng giữa nhu cầu năng lượng của nền kinh tế và mức độ đầu tư vào nguồn năng lượng tái tạo sẽ là bài toán mà mọi quốc gia đều phải giải quyết trên con đường chuyển dịch năng lượng xanh, hướng tới một tương lai phát triển bền vững.
Theo: VTV