Khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà

Thứ ba, 27/8/2019 | 15:31 GMT+7
Hiện nay, Chính phủ đang triển khai Chương trình thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam giai đoạn 2019 - 2025 với mục tiêu là đến cuối năm 2025 có 100.000 hệ thống điện mặt trời mái nhà, tương đương 1.000 MWp sẽ được lắp đặt và vận hành trên toàn quốc. 

Ảnh minh họa.

Theo đó các hộ dân có đủ điều kiện lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái sẽ được hỗ trợ khi triển khai thực hiện.
 
Cụ thể, các hộ gia đình lắp điện mặt trời áp mái sẽ được hỗ trợ khoảng 3 triệu đồng/1 kWp. Theo khảo sát, trung bình mỗi hộ có đủ điều kiện lắp đặt khoảng 2 - tối đa 3 kWp, do đó mức hỗ trợ dự kiến cho mỗi hộ khoảng từ 6 - 9 triệu đồng, tương ứng khoảng 15% chi phí lắp đặt. Chương trình kéo dài từ năm 2019 đến năm 2021.

Theo đó, EVN sẽ thiết lập một hệ thống phần mềm, đảm bảo tất cả người dân, khi lắp đặt hệ thống điện mặt trời, ký kết xong hợp đồng mua bán điện sẽ được xuất hóa đơn, thông qua đó nhận tiền hỗ trợ. Tất cả sẽ được công khai, minh bạch và áp dụng đối với tất cả các hộ dân, hộ gia đình lắp đặt điện mặt trời áp mái. Khi hệ thống đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật để hòa lưới, EVN sẽ hỗ trợ kiểm tra lại hệ thống và lắp đặt công tơ hai chiều miễn phí cho các hộ gia đình.
 
Để có thể hiểu rõ hơn về hiệu quả cũng như các điều kiện cần có để các hộ gia đình có thể áp dụng hệ thống điện mặt trời áp mái xin mời quý vị và các bạn cùng lắng nghe những tư vấn của TS Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm Năng lượng tái tạo, Viện Năng lượng Bộ Công thương.
 
Theo TS Nguyễn Anh Tuấn, việc sử dụng điện năng lượng mặt trời áp mái là một trong những hướng phát triển mà chúng ta cần thúc đẩy vì nó đem lại rất nhiều cái lợi ích về kinh tế. Thứ nhất là nó là nguồn phát tại chỗ và nó không truyền tải đi đâu cả, nó sẽ làm giảm tổn thất về truyền tải điện. Và đồng thời với cơ chế khuyến khích điện mặt trời áp mái như Chính phủ bây giờ thì nó sẽ là một nguồn thu nhập dù không lớn nhưng đều và ổn định cho hộ gia đình đang lắp đặt trong vòng 20 năm tới.
 
Chính vì thế người dân cần có ý thức chủ động tăng cường sự tuyên truyền hỗ trợ cho người dân để người dân hiểu được là điện mặt trời áp mái sẽ đem lại rất nhiều lợi ích cho xã hội và cho bản thân hộ gia đình đó. Cho xã hội là giúp làm giảm tải vấn đề điện năng cũng như truyền tải, còn với hộ gia đình là nguồn thu nhập tương đối.
 
Các hộ gia đình có nhu cầu sử dụng hệ thống điện mặt trời áp mái trước hết mái nhà phải không có bóng râm thứ hai là nó phải có khả năng chịu được thêm một tải trọng để tránh nó gây ảnh hướng đến tải trọng của cái nhà. Những vấn đề như: số giờ nắng, hướng nắng và có bị che khuất hay không là vấn đề mà chúng ta cần quan tâm để khi mà chúng ta lắp như vậy thì đảm bảo được có lợi ích đáng kể.
 
Một số yếu tố cần xem xét, cân nhắc khi lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái:
 
- Vị trí mái nhà có bị che bóng bởi nhà cao tầng, bóng cây, cột đèn, cột điện...
 
- Mái lắp đặt ở các vùng miền khác nhau đem lại hiệu quả kinh tế khác nhau do cường độ bức xạ mặt trời khác nhau;
 
- Thiết kế hệ thống điện áp mái phù hợp;
 
- Biểu đồ tiêu thụ điện của gia đình, doanh nghiệp;
 
- Lượng điện tiêu thụ hàng tháng của gia đình, doanh nghiệp;
 
- Chất lượng thiết kế, lắp đặt, chất lượng thiết bị...
 
Để hệ thống điện mặt trời áp mái hoạt động tốt, người dân cần thường xuyên theo dõi mọi hoạt động của hệ thống và lau chùi pin năng lượng mặt trời định kỳ để giúp pin mặt trời hấp thụ bức xạ tốt hơn.
Theo: ANTV