Tư vấn sử dụng điện

Kiểm soát thời gian sử dụng thiết bị - chìa khóa cho tiết kiệm điện

Thứ sáu, 13/7/2018 | 08:00 GMT+7
Thời tiết nắng nóng, nhu cầu sử dụng các thiết bị điện làm mát tăng cao, việc sử dụng điều hòa nhiệt độ liên tục trong ngày khiến nhiều hộ gia đình, tiền điện tăng đột biến, có hộ tăng gấp 2 lần. 
Tắt thiết bị điện khi không sử dụng.
 
Và đây cũng chính là nguyên nhân gây quá tải cục bộ nhiều trạm biến áp công cộng dẫn tới “nhảy” áp tô mát và làm mất điện. 

Sản lượng điện tăng cao cùng với cách tính giá điện bậc thang dẫn đến tiền điện phải trả tăng vọt. Vì vậy, muốn giảm chi phí tiền điện hàng tháng, các hộ tiêu thụ điện cần phải sử dụng điện thật tiết kiệm.
 
Cách tính tiền điện như sau:
 
Tiền điện phải trả hàng tháng (T) được tính:        T = A x g.
 
Trong đó:

A: là điện năng sử dụng (số kwh điện hay "số điện" hàng tháng đo được trên công tơ điện);

g: là giá điện (theo quy định)
 
=>  Vì vậy, muốn tiết kiệm thì chỉ có cách giảm A, tức là giảm lượng điện năng tiêu thụ trong gia đình

Công thức tính A:      A = P x t.
 
Trong đó: 

P: là công suất của một thiết bị (nhà sản xuất đã ghi rõ trên thiết bị);

t: là thời gian sử dụng của một thiết bị.
 
=>  Như vậy, muốn tiết kiệm điện, ta phải kiểm soát chặt chẽ "t" - THỜI GIAN SỬ DỤNG. Đây chính là chìa khóa để tiết kiệm điện.
 
Kiểm soát thời gian sử dụng thiết bị là việc không để thiết bị hoạt động một cách lãng phí và vượt quá nhu cầu cần thiết, đặc biệt là các thiết bị điện có công suất lớn như điều hòa nhiệt độ, bình nóng lạnh, bàn là, bếp điện… Các thiết bị điện có công suất lớn nên hạn chế sử dụng đồng thời hoặc sử dụng vào giờ cao điểm bởi sẽ làm giảm hiệu suất sử dụng dẫn tới tiêu tốn năng lượng. 
 
Khi sử dụng điều hòa nhiệt độ, chỉ nên để ở mức 26 độ trở lên và có thể phối hợp với quạt (quạt trần hoặc quạt phun sương) để tăng hiệu quả làm mát. Không nên bật điều hoà liên tục, nhất là vào ban đêm nên hẹn giờ tắt vì lúc này nhiệt độ ngoài trời đã dịu mát, chỉ cần tận dụng hơi mát trong phòng với quạt điện là đủ.
Khi sử dụng bàn là, cần phải chuẩn bị trước dụng cụ và quần áo cần phải là trước khi cắm điện. Rút phíc cắm điện khi bàn là vừa tự ngắt và tận dụng nhiệt lượng dư thừa để là các loại quần áo mỏng…
 
Đối với bình nóng lạnh, chỉ nên bật trước khi sử dụng khoảng 15 phút và tắt điện khi bắt đầu sử dụng để tiết kiệm điện và đảm bảo an toàn.
 
Kiểm soát chặt chẽ thời gian sử dụng điện, chắc chắn các hộ tiêu thụ điện sẽ bất ngờ về hiệu quả của nó mang lại bởi đây là nguyên nhân chính gây lãng phí điện năng dẫn tới tăng tiền điện hàng tháng. Song, để thực hiện triệt để tiết kiệm thì các hộ gia đình cần phải biết sử dụng điện một cách hiệu quả. Tính hiệu quả thể hiện ở chỗ biết khai thác hiệu suất làm việc của thiết bị điện ở mức tối ưu nhất. Vì vậy, người sử dụng cần phải biết rõ tính năng tác dụng, quy trình vận hành của thiết bị thông qua “catalogue” giới thiệu sản phẩm. Trong quá trình sử dụng cần kiểm tra bảo dưỡng thường xuyên để thiết bị điện luôn ở chế độ làm việc tốt nhất. Khi sửa chữa mua sắm thiết bị mới phải lựa chọn các thiết bị được sản xuất theo công nghệ tiết kiệm điện…
 
Lợi ích của việc tiết kiệm điện, chắc chắn rằng ai cũng biết, đó là vì lợi ích của chính hộ tiêu thụ điện, của đất nước và để tiết kiệm nguồn năng lượng cho thế hệ mai sau. Mỗi người chúng ta cần tự rèn luyện ý thức và điều chỉnh thói quen trong sinh hoạt hàng ngày để kiểm soát tốt thời gian sử dụng của các thiết bị điện. Đó chính là chìa khóa để thực hành tiết kiệm điện.
Theo: NPC