Dưới đây là một số kinh nghiệm sử dụng quạt điều hòa đúng cách và tiết kiệm điện.
1. Đặt quạt nơi vị trí thoáng, nhiều gió
Quạt điều hòa có chức năng làm mát bằng cách cân bằng độ ẩm môi trường, khi sử dụng không cần đóng kín cửa như khi gắn điều hòa, bạn chỉ cần đặt quạt ở nơi thoáng khí, rộng rãi, quạt sẽ làm mát hiệu quả.
Mặt lấy gió (mặt sau lưng) của quạt nên đặt ở nơi rộng rãi, dễ hứng được nhiều gió, khoảng cách tối thiểu với vật cản là 20 cm.
Lưu ý: Không đặt các vật dụng làm cản trở quá trình lấy gió và luân chuyển không khí của quạt, nếu không sẽ giảm hiệu quả làm mát và gây tốn điện.
2. Chỉ sử dụng các chức năng tăng cường như tạo ion và ozon khi cần thiết
Quạt điều hòa ngoài chức năng làm mát còn có chức năng tạo ion và tạo ozon.
Chức năng tạo ion của quạt có tác dụng làm sạch không khí, do các hạt bụi trong không khí mang điện tích dương, khi gặp các ion âm sẽ bị hút và rơi xuống giúp bầu không khí trong lành hơn.
Chức năng tạo ozone của quạt có tác dụng diệt khuẩn, do đặc tính của ozone có tính oxi hóa mạnh khi vào không khí sẽ tiêu diệt các vi khuẩn có hại mà không làm ảnh hướng tới sức khỏe của người sử dụng.
Tuy có tác dụng như vậy nhưng nếu thường xuyên bật các chức năng này thì sẽ tiêu tốn 1 lượng điện năng không hề nhỏ. Do vậy, bạn chỉ nên sử dụng khi cần thiết, tốt nhất là khoảng 2-3 lần 1 tuần để lọc không khí và diệt khuẩn nơi ở.
3. Đổ lượng nước vừa đủ vào bình chứa
Nên đổ nước đầy tầm 1/2 bình trở lên, quạt hoạt động khi không có nước cũng sẽ ảnh hưởng tới độ bền của máy bơm và làm giảm tuổi thọ của quạt.
Đổ quá nhiều nước dễ gây tràn hay rỉ ra ngoài tăng nguy cơ chập cháy khi quạt điều hòa hoạt động.
Lưu ý: Không đổ nước hoa hay các loại nước thơm vào bình chứa để tạo hương thơm. Chúng có thể gây tắc ở tấm làm mát, ống/vòi dẫn nước hay thậm chí tắc máy bơm khiến quạt hư hại.
Nếu muốn tạo hương thơm cho căn phòng, bạn có thể đặt sáp thơm trước quạt để hương thơm theo luồng gió quạt lan tỏa vào không khí trong phòng.
4. Vệ sinh quạt điều hòa thường xuyên
Người dùng có thể tự vệ sinh quạt điều hòa mà không cần tới các kỹ thuật viên. Mỗi tháng, bạn nên vệ sinh màng chắn bụi, tấm làm mát và bình chứa nước 1 - 2 lần tùy môi trường sử dụng có nhiều bụi hay không, để chúng hoạt động trơn tru không bị cặn bẩn và gia tăng độ bền.
Một số trường hợp quạt điều hòa có mùi khó chịu có thể do quạt mới mua về có mùi keo kết dính các liên kết của tấm làm mát, sau lần đầu sử dụng sẽ hết. Nếu không, có thể tấm làm mát của quạt không được sấy khô, bạn có thể tắt chế độ làm mát (cool mode) khoảng 30 phút, quạt sẽ sấy khô tấm làm mát và mùi khó chịu sẽ biến mất.
5. Khởi động chế độ Cooler
Khi khởi động quạt nên chọn chế độ Cooler: Lấy nước lạnh bỏ vào bình chứa nước, cho thêm đá khô hoặc đá viên, chờ trong vòng 15 phút nhiệt độ phòng sẽ giảm và tăng hiệu quả làm mát tốt nhất.
Sau khi hứng trực tiếp gió tầm 15 - 20 phút thì chọn chế độ xoay cho quạt mát đều và thoáng cả phòng.
Bên cạnh việc tạo ẩm thủ công, nên kết hợp sử dụng chế độ Humidity Control để kiểm soát độ ẩm và chức năng tạo ion (nếu có) để làm sạch không khí.
6. Rút dây nguồn khi không sử dụng quạt
Đây là điều nhiều người không ngờ tới nhất. Bạn tưởng rằng sau khi ấn phím tắt là thiết bị của bạn sẽ hoàn toàn không sử dụng điện, tuy nhiên do vẫn được nối với nguồn điện nên các thiết bị điện vẫn tiêu thụ 1 lượng điện năng nhất định.
Do đó, nếu muốn tiết kiệm triệt để điện năng, bạn đừng quên rút dây nguồn của thiết bị khỏi ổ điện.