Chính những lúc giao mùa này, rất nhiều khách hàng sẽ bị “sốc” khi nhận hóa đơn tiền điện. Những năm gần đây đã xảy ra không ít trường hợp khách hàng bức xúc vì hóa đơn tiền điện bỗng dưng “nhảy múa”, tăng đột biến khi mới vào đầu mùa nóng. Để tránh tình trạng trên, hiện nay, nhiều đơn vị điện lực đã khuyến nghị khách hàng về thời điểm có thể tăng đột biến tiền điện do nhu cầu sử dụng tăng vọt, nhất là thời điểm hiện nay khi bắt đầu nắng nóng. Theo tính toán, so với những ngày bình thường không sử dụng máy điều hòa (MĐH), một hộ gia đình nếu nắng nóng sử dụng thêm 1 - 3 máy điều hòa thì khả năng tiền điện tháng đó có thể tăng từ 1,63 – 2,95 lần.
Thực tế vừa qua, có gia đình sử dụng rất ít điện nhưng vẫn phải trả rất nhiều tiền điện. Sau khi ngành điện đến tận nơi cùng gia đình thì phát hiện đoạn dây sau đồng hồ đo điện bị dò, dẫn đến tổn thất điện. Hoặc có nguyên nhân không liên quan điện nhưng lại …tốn điện như đường ống nước trong nhà bị thủng, dò, dẫn tới nước trong bể thường xuyên bị cạn, khi phao điện xuống tới một mức nhất định làm máy bơm tự động kích hoạt nhiều lần trong ngày. Hay như mùa hè, người lớn đi làm vắng thì trẻ em, họ hàng sử dụng nhiều điện ban ngày… Việc cảnh báo, hướng dẫn cho khách hàng về khả năng tiền điện tăng trong những dịp nắng nóng, cũng như tư vấn cách sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, an toàn, chống chập, cháy nổ trong dịp này là hết sức cần thiết, đồng thời tránh được những bức xúc không cần thiết giữa khách hàng và ngành điện. Mọi thắc mắc về tiền điện của khách hàng cũng phải được giải đáp kịp thời, chính xác.
Việc cải tiến công tác ghi chỉ số đồng hồ đo điện (ĐHĐĐ); phúc tra chỉ số tiêu thụ điện đối với những hộ có mức tiêu thụ tăng đột biến; giám định ĐHĐĐ tại một cơ quan thứ ba có chức năng kiểm nghiệm để giám định độ chính xác khi có khiếu nại là một trong những giải pháp nhằm củng cố lòng tin của khách hàng, minh bạch hơn việc kinh doanh của ngành điện.
Các chuyên gia khuyến cáo, một trong những nguyên nhân khiến tiền điện tăng cao thường do các hộ sử dụng MĐH nhiều hơn vào những lúc nắng nóng. Do đó, các hộ dân cần chú ý việc sử dụng MĐH tiết kiệm và hiệu quả, bởi trời càng nóng thì hiệu quả năng lượng của máy càng giảm; nhiệt độ ngoài trời càng nóng thì tổn thất nhiệt từ ngoài môi trường vào trong phòng càng tăng, máy phải làm việc đầy tải và hết công suất nên tiêu tốn điện năng sẽ rất cao. Ví dụ, nếu nhiệt độ ngoài trời 30 độ C, nhiệt độ trong nhà đặt 25 độ C thì hiệu nhiệt độ lúc này là 5 độ C. Nếu nhiệt độ ngoài trời là 40 độ C thì hiệu nhiệt độ là 15 độ C và tổn thất nhiệt sẽ tăng lên gấp ba. Khi đó, MĐH phải vận hành gấp ba lần, lượng điện tiêu thụ cũng tăng gấp ba lần.
Thực tế thì có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng tiêu tốn điện năng MĐH. Ví dụ, phòng ở không cách nhiệt tốt, không kín khí hoặc sử dụng MĐH lâu năm, công nghệ cũ thì càng tốn nhiều điện hơn. Lắp đặt máy điều hòa không đúng cách cũng làm tiêu tốn nhiều điện năng, thậm chí làm cháy, hỏng máy. Hoặc dàn nóng ở bên ngoài lắp ở vị trí mà ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp hoặc có vật cản che phía trước, dàn lạnh trong phòng nếu lắp không đúng vị trí khiến không khí điều hoà không phân phối đồng đều trong phòng cũng gây tốn điện... Người sử dụng thường thích cài đặt nhiệt độ điều hòa xuống thấp nhất có thể. Việc làm đó không làm cho nhà mát nhanh hơn mà còn lãng phí điện năng không cần thiết. Cứ giảm xuống 1 độ thì MĐH đã tốn thêm 5-7% điện năng. Do đó, đặt nhiệt độ trong phòng càng gần nhiệt độ ngoài trời thì sẽ tiết kiệm điện. Hoặc nhiều người có thói quen chỉ tắt điều hòa bằng điều khiển từ xa. Trong trạng thái này, MĐH vẫn tiêu thụ khoảng 15 W điện chờ, tương đương hai bóng đèn nhỏ.
Các chuyên gia còn khuyến cáo cách sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả khác như: rút phích cắm điện ra khỏi ổ điện khi không sử dụng thiết bị; lắp đặt thiết bị điện khoa học, hợp lý, tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên; hạn chế sử dụng các thiết bị điện cùng một lúc vào giờ cao điểm. Sử dụng các sản phẩm tiết kiệm năng lượng đã được dán nhãn ngôi sao năng lượng của Bộ Công thương. MĐH là thiết bị sẽ tiêu tốn nhiều điện năng nhất nên để giảm tiền điện khi sử dụng điều hòa, khách hàng lưu ý: cứ giảm 1 độ C của điều hòa thì sản lượng điện tiêu thụ sẽ tăng ít nhất 7%. Vì vậy, ban ngày nên điều chỉnh nhiệt độ của điều hòa từ 25 độ C trở lên và ban đêm từ 27 – 28 độ C. tăng cường bảo dưỡng định kỳ. Ngoài ra, có thể sử dụng MĐH công nghệ biến tần có thể tiết kiệm từ 30 đến 35% điện năng tiêu thụ…
Rõ ràng, trong lúc nắng nóng, nếu chúng ta biết cách sử dụng điện hợp lý, hiệu quả thì sẽ tiết kiệm tiền điện rất nhiều.