Kiếm tiền triệu mỗi tháng khi dùng điện mặt trời áp mái

Thứ tư, 2/12/2020 | 16:07 GMT+7
Vào buổi sáng ngày cuối cùng của tháng 11, tại ngôi nhà nằm sâu trong ngõ nhỏ phố Khương Đình, Hà Nội, ông Trần Đình Sính kiểm tra hoạt động của các tấm pin năng lượng mặt trời lắp trên mái nhà thông qua chiếc điện thoại di động. 
Các tấm pin năng lượng mặt trời được lắp đặt trên mái nhà ông Sính.
 
Một chút nắng dù yếu nhưng vẫn rót dòng năng lượng xuống mái nhà (được qui ra số tiền là 11,8 nghìn đồng) bổ sung thêm vào tổng số 7,53 triệu đồng mà điện mặt trời đã gửi cho ông từ tháng 6/2020 đến nay.
 
Ngôi nhà 3 tầng của ông Trần Đình Sính có diện tích mái nhà hơn 60 mét vuông, được ông đầu tư 81 triệu đồng để lắp kín những tấm pin mặt trời, có tổng công suất là 7,1 KW.
 
Việc vận hành trạm phát điện này khá đơn giản. Một thiết bị thông minh sẽ tự động điều phối việc sử dụng, khi trời hết nắng hệ thống điện trong nhà sẽ chuyển sang dùng điện lưới thông thường. Còn ban ngày khi nắng nhiều, điện dùng không hết, sẽ tải ngược vào lưới điện để bán lại cho Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN).
 
Các chỉ số dễ dàng theo dõi thông qua một ứng dụng được cài vào điện thoại di động. Bất cứ lúc nào ông Sính cũng quan sát được các tấm pin đang sản xuất ra bao nhiêu điện, tương ứng với bao nhiêu tiền sẽ thu được về.
 
Trước khi lắp điện mặt trời, hóa đơn tiền điện trung bình của nhà ông Sính là 700 nghìn đồng/tháng. Sau khi lắp, ông Sính đồng thời sử dụng thêm điều hòa, nhưng số tiền ông nhận lại từ EVN sau khi trừ đi lượng điện đã tiêu thụ trung bình khoảng 800 nghìn đến 1 triệu đồng/tháng.
 
Ông Sính tính rằng khoảng 6, 7 năm sẽ thu hồi đủ vốn đầu tư, về kinh tế có lãi hơn gửi tiền tiết kiệm. Việc bảo trì, bảo dưỡng, theo ông cũng khá đơn giản, tổn phí khoảng 10% toàn bộ đầu tư hệ thống. Pin được bảo hành hiệu suất sử dụng còn 80% sau 25 năm, và vẫn còn có thể tiếp tục sử dụng. Theo tính toán thì bắt đầu từ năm thứ 8, ông Sính được hưởng lợi hoàn toàn từ mặt trời. Hợp đồng đã ký của ông với EVN, bảo đảm điện mặt trời mái nhà của ông được thu mua với giá ổn định trong 20 năm.
 
Lý do nào khiến điện mặt trời áp mái chưa phổ biến?
 
Hầu hết câu trả lời của những người chưa quyết định đầu tư là vì lý do kinh tế. Đối với một số người số tiền đầu tư đó khá lớn. Một số người khác tìm được cách đầu tư sinh lời tốt hơn lắp điện mặt trời. Một số người khác chưa ổn định chỗ ở. Lý do kỹ thuật cũng là điều hay được nhắc tới.
 
Những người ở chung cư hoặc có mái nhà bị che khuất không thể lắp đặt pin mặt trời. Một số người khác không đủ hiểu về kỹ thuật, vì những thuyết minh về điện mặt trời hiện nay khá khó hiểu đối với kiến thức phổ thông. Cuối cùng là một tâm lý e ngại chung, với một điều còn khá mới mẻ.
 
Ông Nguyễn Thế Thắng, làm việc tại Greenhome Solar, một công ty cung ứng dịch vụ điện mặt trời cho biết, công ty ông chỉ tư vấn lắp đặt cho các hộ gia đình ở miền Bắc đang có lượng tiêu thụ điện cao, hóa đơn tiền điện mỗi tháng từ khoảng 2 triệu đồng trở lên. Những hộ gia đình đó đang phải trả tiền điện theo giá lũy tiến, khi đầu tư điện mặt trời sẽ giảm chi phí rất hiệu quả. Đối với các hộ gia đình ở phía Nam thì thuận lợi hơn do trời nắng quanh năm, thời gian thu hồi vốn đầu tư nhanh hơn.
 
Đầu tư vào điện mặt trời hiện nay chưa phù hợp với các gia đình có thu nhập thấp. Cũng giống như các doanh nghiệp cung ứng điện mặt trời khác, ông Thắng hy vọng vào các chính sách thuận lợi hơn hỗ trợ điện mặt trời phát triển đến các hộ dân.
 
Bên cạnh những băn khoăn về kinh tế hay về kỹ thuật, thì còn những hoài nghi về việc điện mặt trời có thực sự sạch, hay lại là hiểm họa môi trường mới trong tương lai?
 
Sự lo ngại về việc xử lý những tấm pin sau khi hết hạn sử dụng đã dấy lên trong thời gian gần đây. Những phân tích của IRENA - Cơ quan Năng lượng Tái tạo quốc tế, sẽ là cơ sở tham khảo khá đầy đủ cho việc giải quyết vấn đề này.
 
Tuy cồng kềnh, nhưng cấu trúc của tấm pin năng lượng mặt trời chỉ có một màng mỏng khoảng 0,2mm chứa tế bào quang điện, là lớp có thể chứa chất gây hại môi trường, cần thu hồi xử lý theo qui trình xử lý rác điện tử. Toàn bộ phần còn lại là kính, nhựa, nhôm… đều là rác thải thông thường và là những vật liệu có thể tái chế.
 
Điều đó có thể làm nhiều quốc gia, kể cả các quốc gia phát triển như Nhật Bản, chỉ xử lý pin mặt trời hết hạn theo qui trình xử lý chất thải rắn có sẵn. Cũng theo IRENA, phần lớn các quốc gia chưa có qui trình xử lý tấm pin sau khi sử dụng. Đức là quốc gia có qui trình xử lý và có nhà máy tái chế pin mặt trời đầu tiên, với công suất 4000 tấn/năm, đủ nhu cầu tái chế cho khu vực châu Âu hiện nay.
 
Việt Nam hiện chưa có qui trình xử lý pin mặt trời sau sử dụng, nhưng theo qui hoạch điện VIII, nếu phát triển điện mặt trời đúng dự tính, đạt công suất 53GW vào năm 2045, thì số lượng tích lũy tấm pin thải vào năm 2045 sẽ vào khoảng 1,9 triệu tấn, chỉ bằng 11% so với lượng tro sỉ của nhiệt điện than hiện nay.
 
Vấn đề đặt ra hiện nay là cần sớm có qui trình và những qui định bắt buộc về việc thu hồi, bóc tách các lớp cấu tạo pin, xử lý và tái chế tốt, mặt khác thúc đẩy những nghiên cứu công nghệ để giảm chi phí của việc tái chế.
 
Tại châu Âu, Đức là nước đi đầu trong cuộc cách mạng chuyển dịch sang năng lượng tái tạo khi đặt mục tiêu đến năm 2050, quá trình chuyển dịch hoàn thành 100%. Toàn bộ các chính sách về năng lượng của Đức đều hỗ trợ cho sự chuyển dịch này.
 
Năng lượng tái tạo cũng ngày càng được ưu tiên trong chính sách của nhiều quốc gia, và Việt Nam cũng đang trên con đường của lộ trình này. Hiện tại, mô hình nhà máy điện mini trên mái nhà của ông Sính mới chỉ là mô hình thành công của những cá nhân có khả năng đầu tư, những cá nhân có kiến thức công nghệ và môi trường, sẵn sàng chấp nhận lợi nhuận thấp để hướng tới một xu thế tích cực về năng lượng.
 
Làm thế nào để mô hình này trở thành phổ biến, được ứng dụng rộng rãi trên từng mái nhà, từng gia đình…thì cần một lộ trình cụ thể, và hơn hết là những chính sách hỗ trợ về mua điện, cho vay đầu tư…
Theo: Báo Thời đại