Ảnh minh họa
Tập đoàn viễn thông khổng lồ NTT của Nhật Bản đã quyết định đầu tư 600 tỷ Yen, tương đương 5,6 tỷ USD, để biến 7.300 tòa nhà của tập đoàn này thành nơi đặt tấm pin năng lượng mặt trời nhằm cung cấp điện cho các nhà máy, bệnh viện, văn phòng, cơ sở quan trọng, bằng hệ thống lưới điện riêng của mình, nhất là trong tình trạng thiên tai.
Cơn bão Faxai và Hagibis đổ bộ vào Nhật Bản trong thời gian vừa qua, gây tình trạng mất điện với quy mô chưa từng có, đình trệ sản xuất trên quy mô lớn gây thiệt hại về kinh tế đến nay vẫn chưa thể thống kê hết. Nhu cầu về năng lượng dự phòng đang được đặt ra đối với doanh nghiệp sản xuất của Nhật Bản, nhất là khi có thiên tai như động đất, bão lũ.
Theo báo Nikkei, 7.300 tòa nhà, trạm phát sóng thuộc tập đoàn viễn thông NTT trên toàn quốc sẽ được lắp các tấm pin năng lượng mặt trời, hệ thống pin tích điện, để trả trở thành các cơ sở phát điện tái tạo. Tập đoàn NTT sẽ thiết kế hệ thống mạng lưới phân phối điện riêng cung cấp cho các nhà máy, bệnh viện, các tòa nhà văn phòng, ngay cả trong điều kiện bất thường như thảm họa, động đất, bão lũ khi các hệ thống phân phối của các tập đoàn điện lực bị tê liệt.
Trong điều kiện bình thường, NTT sẽ bán điện cho các cơ sở xung quanh 7.300 tòa nhà, trạm phát sóng này, bằng mạng lưới phân phối riêng. Do đây là mạng lưới phân phối trực tiếp, nên hao tổn điện năng thấp, hiệu quả sẽ tốt hơn từ 5 ~ 10% so với hệ thống phân phối điện hiện có của các tập đoàn điện lực. Nếu điện năng còn thừa sẽ tiếp tục được bán vào mạng lưới điện, như các cơ sở phát điện khác.
Theo phản ánh của báo Asahi, một công ty con của trập đoàn NTT là NTT Facilities sẽ điều hành dự án này, đầu tư liên tục trong 6 năm, từ năm 2020 đến 2025 với tổng công 600 tỷ Yen, tương đương 5,6 tỷ USD, nhằm nâng công xuất hiện tại từ 300 nghìn kw lên 4,5 triệu KW vào năm 2025.
Theo đánh giá của nhiều tờ báo, việc xuất hiện loại hình kinh doanh năng lượng mới tạm gọi "năng lượng dự phòng" với hệ thống phân phối độc lập cho thấy lỗ hổng trong ngành phân phối điện của Nhật Bản, đã xuống cấp kể từ thời kỳ đỉnh cao vào những năm 1970 của nước này.