Diễn đàn năng lượng

Kinh nghiệm tiết kiệm năng lượng tại Công ty Điện thoại Tây TP. HCM

Thứ sáu, 22/3/2013 | 08:14 GMT+7
Với mục tiêu tiết kiệm chi phí năng lượng, giảm phát thải CO2 ra môi trường, nâng cao hiệu quả quản lý năng lượng tại công ty và tạo cho cán bộ công nhân viên (CBCNV) làm việc thân thiện với môi trường “xanh” góp phần hoàn thành chỉ tiêu SXKD, công ty Điện thoại Tây TP. Hồ Chí Minh thuộc chi nhánh Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) đã xây dựng hệ thống quản lý năng lượng (QLNL).

Thực trạng quản lý năng lượng trước khi xây dựng hệ thống QLNL

Về quản lý năng lượng: Trước khi có hệ thống quản lý năng lượng, Công ty Điện thoại Tây TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện quản lý năng lượng tiêu thụ điện hàng tháng. Một số máy điều hòa không khí (ĐHKK) công suất dưới 61Hp được thay bằng máy có công suất cao hơn. Các máy vi tính có màn hình CRT được thay dần bằng các màn hình LCD TK điện. Hệ thống chiếu sáng tại Công ty là loại đèn huỳnh quang T10/40W & T8/36W, đèn thuỷ ngân cao áp, đèn compact. Bảo trì, bảo dưỡng thiết bị được cán bộ của Công ty tự thực hiện. Tuy nhiên, chưa có đồng hồ đo điện năng tiêu thụ riêng cho từng khu vực, từng hệ thống (Hệ thống chiếu sáng, Hệ thống ĐHKK…) và chưa thành lập Ban quản lý năng lượng, cũng như chưa xây dựng mục tiêu, chính sách, quy trình, hệ thống quản lý năng lượng.

Về hệ thống chiếu sáng: Công ty sử dụng các bộ bóng đèn huỳnh quang loại T8, T10/1.2m, T10/0.6, đèn compact, đèn thuỷ ngân cao áp… Các bộ bóng đèn này được dùng cho chiếu sáng, văn phòng, hành lang, nhà vệ sinh, sân bãi. Các bộ bóng đèn huỳnh quang gồm có loại bóng đơn, bóng đôi, bóng ba…được lắp đặt treo trần, treo tường hay sử dụng máng đèn xương cá... Hiệu suất chiếu sáng của một số bóng đèn thấp, do một số bóng đèn được sử dụng trong thời gian dài nên tuổi thọ đèn giảm. Các bộ bóng đèn có lắp đặt công tắc riêng cho từng phòng, cụm đèn hay từng khu vực điều khiển theo nhu cầu sử dụng. Một số vị trí trong các phòng, hành lang… có cửa sổ lấy sáng nên có độ Lux chiếu sáng tương đối cao.

Về hệ thống ĐHKK: Theo bảng thống kê công ty có khoảng 69 máy ĐHKK trong đó gồm có: 27 máy ĐHKK 1,5 Hp; 35 máy ĐHKK 2 Hp và 7 máy ĐHKK 5 Hp là loại máy 2 cục - trong đó máy loại 1 cục gồm có: 2 cái (1,5 Hp) và 3 cái (2 Hp) - xuất xứ từ các hãng khác nhau (National, Trane, Toshiba, Daikin, Gold star, Sanyo, LG, Panasonic, Carrier, Mitsubishi, Reetech, General). Các máy ĐHKK được lắp đặt gồm có máy mới và máy cũ, nên có chỉ số đánh giá hiệu quả năng lượng trong quá trình sử dụng máy ĐHKK (COP) khác nhau (hệ số COP phụ thuộc vào hiệu suất làm lạnh của máy lạnh: hệ số COP càng cao tốc độ làm lạnh càng nhanh giúp giảm tổn hao điện năng tiêu thụ - hay giúp giảm công suất lắp đặt). Máy ĐHKK có loại cũ và mới, các dàn nóng máy điều hoà không khí được đặt dưới hành lang, ngoài ban công mặt tiền và trên mái nhà công ty.

Về hệ thống thiết bị văn phòng: Theo thống kê công ty có khoảng 177 máy vi tính, trong đó có khoảng 147 máy vi tính loại màn hình LCD và 30 máy vi tính màn hình CRT được dùng cho các phòng ban công ty. Các màn hình máy tính LCD có công suất khoảng 30W và màn hình máy tính loại CRT có công suất khoảng 70W.

Giải pháp xây dựng hệ thống QLNL

Quản lý năng lượng có vai trò rất quan trọng trong việc tiết kiệm năng lượng, nếu quản lý tốt năng lượng tiêu thụ, hạn chế sự lãng phí thì có thể tiết kiệm từ  5% - 15% điện năng tiêu thụ mà không phải tốn chi phí đầu tư (hoặc tốn rất ít) như các giải pháp cải tạo hoặc thay thế khác.

Sơ đồ vận hành hệ thống quản lý năng lượng
Do vậy, để thực hiện triệt để việc tiết kiệm năng lượng và có hệ thống kiểm soát, quản lý chặt chẽ, công ty đã tiến hành các nội dung sau: Thành lập Ban quản lý năng lượng của Công ty: bao gồm các thành viên của các bộ phận: Đại diện Ban giám đốc, Phòng Hành chính tổng hợp, Phòng Kỹ thuật nghiệp vụ, Trung tâm CMTD& Ứng cứu thông tin, Phòng Kế toán Thống kê Tài chính…; Đưa nội dung trên vào hệ thống quản lý chất lượng của Công ty (ISO 9001-2008); Xây dựng hệ thống kiểm soát và đưa vào Thẻ điểm cân bằng (Balance Score Card - BSC) cho các đơn vị trực thuộc trong Công ty.

Các thành viên trong Ban quản lý năng lượng bên cạnh chức năng riêng của mình có trách nhiệm quản lý việc sử dụng năng lượng một cách hợp lý như một phần trong công tác chuyên môn hằng ngày. Ban Quản lý năng lượng có các nhiệm vụ:

- Xây dựng hệ thống quản lý năng lượng nhằm sử dụng năng lượng một cách hiệu quả nhất.

- Tham mưu cho Ban giám đốc trong việc chọn lựa sản phẩm tiết kiệm năng lượng, đưa ra các quy định về việc quản lý và sử dụng các thiết bị tiêu thụ điện: thời gian hoạt động của các thiết bị, kế hoạch bảo trì bảo dưỡng sửa chữa định kỳ...

- Báo cáo số liệu điện năng tiêu thụ trong từng thời kỳ (tháng, quý…) của từng khu vực, từng hệ thống (hệ thống chiếu sáng, hệ thống điều hòa không khí…).

- Để làm được điều này, cần lắp đồng hồ đo đếm điện cho từng khu vực, từng hệ thống, nhằm giúp quản lý được điện năng tiêu thụ một cách dễ dàng.

- Dựa trên số liệu điện của từng khu vực, từng hệ thống, các nhân viên phụ trách ghi nhận lại các số liệu và so sánh sự tăng giảm của lượng điện tiêu thụ theo từng thời kỳ, phân tích nguyên nhân điện tiêu thụ tăng giảm và đề xuất biện pháp khắc phục. Những số liệu này cần được ghi nhận và lưu trữ để làm cơ sở dữ liệu phục vụ cho công tác quản lý năng lượng. (nên thể hiện số liệu năng lượng thu thập hàng tháng bằng biểu đồ để tiện quản lý).

- Đề ra chính sách và mục tiêu tiết kiệm năng lượng trong hệ thống ISO 9001: 2008 trong từng giai đọan cho các đơn vị.

- Tuyên truyền đôn đốc cho toàn công ty nâng cao ý thức tiết kiệm.

- Thực hiện việc gắn các biển báo tiết kiệm điện - nước.

- Theo dõi lượng nước hàng tháng, tránh gây thất thoát lượng nước tiêu thụ.

- Theo dõi và sửa chữa các vòi nước, bồn chứa nước tránh gây thất thoát.

- Báo cáo định kỳ tình trạng hoạt động của các thiết bị tiêu thụ điện, nước và có đề xuất phù hợp với tiêu chí tiết kiệm năng lượng.

- Nâng cao vai trò quản lý năng lượng để phù hợp với sự phát triển của Công ty.

- Nâng cao nhận thức của các nhân viên trong Công ty thông qua hình thức tuyên truyền, nhắc nhở và đưa chương trình tiết kiệm năng lượng vào chương trình thi đua khen thưởng hàng quý.

Công ty đã tiến hành lên phương án xây dựng hệ thống quản lý năng lượng trong thời gian 2 tháng (60 ngày) bằng các bước như: Lập kế hoạch nhân sự, xác định tiêu chí, phạm vi cần thực hiện (10 ngày); Chuẩn bị mẫu thu thập số liệu thực tế (thống kê các thiết bị sử dụng điện) (15 ngày); Phân tích dữ liệu tiêu thụ năng lượng của đối tượng cần kiểm toán năng lượng (25 ngày); Viết báo cáo (10 ngày).

Đánh giá lợi ích thu được khi áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng

Theo Bảng thống kê tình hình sử dụng năng lượng  tại toà nhà số 2 Hùng Vương nơi công ty đóng trụ sở: Thời gian từ tháng 1/2010 đến tháng 6/2011. (Số liệu điện năng tiêu thụ được lấy từ nguồn cung cấp của điện lực, theo mã KH: PE02000088417).



Bảng thống kê tình hình sử dụng năng lượng từ tháng 1/2010 đến tháng 6/2011

Bảng số liệu cho thấy năm 2010 toàn công ty đã sử dụng lượng điện năng tiêu thụ trung bình là 23.331.269 kWh/năm. Khi áp dụng giải pháp hệ thống quản lý năng lượng, Công ty đã tiết kiệm khoảng 10% lượng điện tiêu thụ/năm, tương đương 2.333.130 kWh/năm, giảm được 1.003.246 kg khí CO2 thải ra môi trường, đồng thời tương ứng với số tiền tiết kiệm được là 3.707.848.273 đồng/năm.




Bảng thống kê tình hình sử dụng năng lượng trong năm 2010 toàn công ty

Năm 2010 toàn công ty đã sử dụng lượng điện năng tiêu thụ trung bình là 23.331.269 kWh/năm, công ty áp dụng giải pháp xây dựng hệ thống quản lý năng lượng với mục tiêu tiết kiệm 10% lượng điện tiêu thụ/năm , ước tính công ty tiết kiệm lượng điện tiêu thụ khoản 2.333.130 kWh/năm, giảm được 1.003.246 kg khí CO2 thải ra môi trường, đồng thời tương ứng với số tiền tiết kiệm là 3.707.848.273 đồng/năm.

Kết luận

Giải pháp hệ thống quản lý năng lượng được Công ty Điện thoại Tây TP. Hồ Chí Minh xây dựng đã đạt giải Nhất trong cuộc thi “sáng tạo VNPT” năm 2011 do VNPT TP. HCM tổ chức và có khả năng áp dụng cho tất cả các mặt bằng, tòa nhà trực thuộc Viễn thông TP. Hồ Chí Minh hoặc trong toàn hệ thống Tập đoàn VNPT.

Lợi ích của việc xây dựng hệ thống trên là rất lớn góp phần vào việc hoàn thành chỉ tiêu tiết giảm chi phí, nhất là chi phí năng lượng của đơn vị. Công ty Điện thoại Tây TP. HCM cũng góp phần trong công tác tiết kiệm điện năm 2012 của TP. Hồ Chí Minh, địa phương đã tiết kiệm cho xã hội chi phí mua điện 730 tỷ đồng, góp phần giảm 201.425 tấn CO2 phát thải ra môi trường, đứng đầu cả nước về tiết kiệm điện.
Theo: Liên chi hội Nhà báo & TT truyền thông