TTCK tháng 5: Điều chỉnh kỹ thuật
TTCK tháng 5 theo xu hướng điều chỉnh sau khi tiếp cận ngưỡng cản 490 - 500 điểm đối với VN - Index, 88 - 90 điểm đối với HNX-Index. Mức độ điều chỉnh toàn thị trường mạnh hơn dự kiến trước áp lực cung của khối ngoại với mục đích tái cơ cấu danh mục, cũng như từ diễn biến bất ổn của khu vực nợ công châu Âu. Về cuối tháng, diễn biến thị trường ổn định hơn khi tiến đến vùng hỗ trợ 410 - 430 điểm đối với VN-Index, 70 - 74 điểm đối với HNX-Index, tương đương mức thoái 50 - 38,2% của dải Fibonacci Retracement của đợt tăng giá từ đầu năm.
Chúng tôi cho rằng, có 3 nguyên nhân chủ yếu tác động đến đà giảm của thị trường:
- Thứ nhất, diễn biến điều chỉnh mang tính kỹ thuật. Vùng kháng cự 490 - 500 điểm của VN-Index và 88 - 90 điểm của HNX-Index theo mô hình tam giác đã tác động mạnh đến quyết định của NĐT (thị trường giảm sau hai lần kiểm định ngưỡng kháng cự không thành công).
- Thứ hai, NĐT thận trọng trước tình hình khó khăn của DN. Theo thống kê của chúng tôi, có 67% DN niêm yết đã công bố kết quả kinh doanh quý I/2012 có lợi nhuận thấp hơn cùng kỳ năm trước, trong đó có 18% DN có lợi nhuận quý I âm. Lãi suất thực tế vẫn duy trì ở mức cao (trung bình toàn hệ thống khoảng 17%/năm), thị trường tiêu thụ thu hẹp là yếu tố quan trọng tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN. Có nhiều biện pháp hỗ trợ tăng trưởng, tháo gỡ khó khăn cho DN, về cả chính sách tiền tệ và tài khóa đã được đưa ra. Tuy nhiên, độ trễ của chính sách khiến NĐT có xu hướng thận trọng chờ đợi tín hiệu cải thiện rõ rệt của yếu tố vĩ mô, đặc biệt là về tăng trưởng tín dụng, cũng như hàng tồn kho của DN - yếu tố cho thấy nền kinh tế có tín hiệu phục hồi.
- Thứ ba, áp lực cung từ khối NĐT nước ngoài trước động thái tái cơ cấu danh mục, cũng như tình hình bất ổn của khu vực châu Âu. Động thái bán ròng của khối ngoại tại những mã cổ phiếu blue-chip chiếm tỷ trọng lớn trong rổ tính Index, khiến thị trường có 9 phiên giảm mạnh liên tiếp.
Theo thống kê của Bloomberg, trong bối cảnh bất ổn tại khu vực EU có xu hướng gia tăng, khối ngoại có xu hướng rút vốn từ các thị trường mới nổi. Tính đến ngày 21/5, Việt Nam cũng là quốc gia bị rút vốn, tuy nhiên xét về giá trị chỉ 2,4 triệu USD, ở mức thấp so với tổng lượng vốn khoảng 5,7 tỷ USD mà NĐT nước ngoài sở hữu trên TTCK Việt Nam. Trên thực tế, khối ngoại vẫn mua ròng trên TTCK Việt Nam trong tháng 5, cho thấy Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư hấp dẫn của NĐT nước ngoài.
Về cuối tháng, thị trường dao động trong biên độ hẹp trên vùng hỗ trợ, với thanh khoản thấp. Diễn biến thị trường cho thấy, xu hướng tích lũy đang phổ biến, áp lực cung giá thấp không nhiều, trong khi phía cầu chưa mạnh dạn trong quyết định đẩy giá lên.
Dự báo TTCK tháng 6
Tính đến tháng 5, thị trường tiếp tục ghi nhận những động thái mạnh tay của cơ quan chức năng nhằm thúc đẩy tăng trưởng, tháo gỡ khó khăn cho DN. Quốc hội và Chính phủ kiên định mục tiêu tăng trưởng 6 - 6,5% trong năm 2012 nhờ dư địa khá rộng của cả chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa.
- Về phía chính sách tài khóa, trong 5 tháng đầu năm mới giải ngân được khoảng 66.000 tỷ đồng, trung bình 13.200 tỷ đồng/tháng. Tính toán theo quy mô ngân sách tài trợ hoạt động đầu tư công, lượng tiền có thể giải ngân trung bình hàng tháng trong 7 tháng cuối năm khoảng 25.000 tỷ đồng, gấp đôi lượng tiền giải ngân trong những tháng đầu năm.
Với thực tế ngành xây dựng - ngành chịu tác động mạnh nhất từ khoản chi đầu tư công, có hệ số lan tỏa cao nhất đến toàn nền kinh tế, có lý do để kỳ vọng chi tiêu Chính phủ sẽ tác động tích cực đến tổng cầu, cũng như tác động thúc đẩy các ngành nghề có liên quan. Tuy nhiên, với độ trễ chính sách, cần thời gian để chính sách tài khóa có tác động lan tỏa thực sự đến nền kinh tế.
- Về phía chính sách tiền tệ, NHNN đã 3 lần giảm các loại lãi suất chủ chốt kể từ đầu năm, cũng như giới hạn trần lãi suất cho vay đối với nhóm ngành nghề ưu tiên. Lãi suất dự kiến tiếp tục được điều chỉnh giảm trong thời gian tới, với mức đáy lãi suất huy động khoảng 9%/năm, trong bối cảnh CPI duy trì ở mức thấp. Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ thu hẹp, cũng như DN không đáp ứng được yêu cầu cấp tín dụng của ngân hàng là hai yếu tố quan trọng khiến tác động hỗ trợ tăng trưởng từ động thái nới lỏng chính sách tiền tệ còn hạn chế.
Điểm tích cực là tăng trưởng tín dụng đã có sự cải thiện đáng kể trong 2 tháng đầu quý II và dự báo tiếp tục cải thiện khi nửa cuối năm thường là thời gian cao điểm sản xuất - kinh doanh và đầu tư xây dựng cơ bản.
Nhằm tháo gỡ nút thắt nợ xấu đối với ngân hàng và DN, NHNN dự kiến thành lập công ty mua bán nợ, với tổng số nợ mua khoảng 100.000 tỷ đồng, tương đương giá trị khoản nợ xấu toàn hệ thống theo thống kê của NHNN. Nếu đề xuất này được triển khai, chúng tôi kỳ vọng các ngân hàng sẽ nới lỏng hơn trong tiêu chuẩn cấp tín dụng đối với DN khi áp lực nợ xấu giảm.
Với hạn mức tăng trưởng tín dụng năm 2012 khoảng 15 - 17%, dư địa chính sách tiền tệ những tháng cuối năm còn rất lớn. Tuy nhiên, với thực tế ngân hàng cũng là DN, với quy tắc hoạt động cẩn trọng, tiêu chuẩn tín dụng của các ngân hàng dự báo sẽ không có sự điều chỉnh lớn. Chỉ có thể kỳ vọng diễn biến giảm dần của lãi suất nhờ việc hạ giá vốn, cũng như tác động từ chính sách tài khóa giúp cải thiện lực cầu sẽ tạo điều kiện khơi thông dòng tín dụng.
Thực trạng vĩ mô trên cho thấy, kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn khó khăn, nhưng có triển vọng tích cực, nhờ những động thái mạnh mẽ và đồng bộ của cơ quan chức năng, cũng như những sức ép vĩ mô về lạm phát, tỷ giá đang ổn định trở lại. Thực tế, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng trưởng tốt kể từ đầu năm, cho thấy vấn đề bất ổn tại châu Âu không tác động nhiều đến DN xuất khẩu, khi phần lớn hàng hoá là hàng tiêu dùng thiết yếu. Do vậy, chúng tôi duy trì quan điểm về xu hướng tăng điểm trung dài hạn của TTCK. Trong ngắn hạn, khi những yếu tố vĩ mô chưa có nhiều cải thiện, NĐT sẽ quan tâm nhiều hơn đến yếu tố kỹ thuật khi quyết định giao dịch.
- Về phía yếu tố kỹ thuật, thị trường đã có hai tuần dao động tích lũy với thanh khoản thấp khi tiếp cận vùng hỗ trợ khoảng 410 - 430 điểm đối với VN-Index, 70 - 73 điểm đối với HNX-Index. Diễn biến thị trường dao động hẹp với thanh khoản thấp cho thấy tâm lý giằng co đang phổ biến. Có 2 kịch bản có thể xảy ra ở thời điểm hiện tại: 1) Thị trường tiếp tục dao động tích lũy trong biên độ hẹp, khoảng 410 - 440 điểm đối với VN-Index, 70 - 77 điểm đối với HNX-Index; 2) Thị trường giảm điểm xuống mốc hỗ trợ hấp dẫn hơn, khoảng 380 điểm đối với VN-Index, 68 điểm đối với HNX-Index trước khi tăng điểm trở lại, khi lực cầu yếu khiến phía cung mất kiên nhẫn.
Với nhận định tích cực về nền tảng vĩ mô, chúng tôi đánh giá cao kịch bản thị trường tích lũy trong tháng 6, trước khi tăng điểm trở lại nhờ những tín hiệu cải thiện của yếu tố vĩ mô, khi chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa phát huy tác động đến nền kinh tế. Trong giai đoạn NĐT quan tâm nhiều đến yếu tố kỹ thuật, thanh khoản là yếu tố quan trọng để dự báo xu hướng thị trường.