Điện về Cư San.
Đó là những năm tháng tôi kiêm nhiệm thêm “nghiệp cầm bút”, làm công tác truyền thông và cùng anh em các đơn vị rong ruổi trên những nẻo đường xa xôi của mảnh đất bazan nắng, gió này.
Chị ơi, nhà mình có điện rồi!
Còn nhớ, vào năm 2008, tôi lần đầu được tham gia một lễ đóng điện, được chứng kiến những niềm vui ban sơ của người dân trong giây phút thiêng liêng được thoát khỏi cảnh đèn dầu, thoát khỏi những đêm tối vô định và mở ra một tương lai thật tươi sáng cho những người dân của xã vùng xa thôn Mdhah3, xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn sau 12 năm dài chờ đợi. Đây là thôn đầu tiên của tỉnh Đắk Lắk thuộc Dự án Cấp điện cho các thôn, buôn chưa có điện của 5 tỉnh Tây Nguyên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 646/TTg-CN ngày 26/4/2006 với quy mô cấp điện cho trên 1.200 thôn buôn được đóng điện. Tại tỉnh Đắk Lắk, thôn Mdhah 3 là một trong 315 thôn, buôn thuộc 11 huyện được thụ hưởng. Lễ đóng điện được tổ chức ngay trong dịp lễ kỷ niệm 63 năm Quốc khánh 02/9 và có lẽ vì thế nó trở thành một mốc son quý giá trong lòng người dân nơi đây cũng như in dấu sâu đậm trong tâm trí những người được tham dự bởi niềm xúc động, sự thiêng liêng trong thời khắc “lịch sử” đối với người dân mảnh đất này.
Anh Thái Văn Chát – thôn Mdhah 3, xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn mừng vui đón điện với tivi, đầu DVD mới sắm.
Tôi vẫn còn nhớ rõ khuôn mặt xúc động của anh Thái Văn Chát – người dân đầu tiên của Thôn được có điện. Đã nhiều năm trôi qua, có lẽ anh Chát nay đã “lên chức” ông nội, ông ngoại và không rõ anh có còn nhớ khoảnh khắc ngày hôm đó – lúc giọng anh đứt quãng, run run kể về niềm vui sắp được toại nguyện sau 12 năm đợi chờ để được dùng tivi, đầu DVD, nồi cơm điện không? Anh có còn nhớ lúc vợ chồng anh lần lượt bật tất cả công tắc điện trong nhà trong niềm hân hoan? Có còn nhớ giọng nói vỡ òa của cháu gái con anh lúc gọi điện thoại cho chị, mừng vui thông báo “Chị ơi, nhà mình có điện rồi” hay không? Còn tôi, mỗi giây phút của lễ đóng điện đầu tiên ấy in đậm trong lòng mà mỗi lần nhớ lại niềm vui vẫn còn chảy rần trong mạch máu.
Khoảnh khắc tại TBA T47 hôm ấy là dây phút khép lại những ngày phải vượt quãng đường 7 cây số mỗi tuần để xạc bình ắc quy 12V dùng thắp sáng ban đêm; khép lại những ngày tưới cho cà phê, cho tiêu bằng dầu với chi phí mỗi mùa tưới gần chục triệu đồng; cũng là giây phút ngôi nhà mới xây với đầy đủ thiết bị điện lần đầu được vận hành trong tiếng máy ro ro và niềm hạnh phúc lan tỏa. Tình cảm của những con người hồn hậu, những câu chuyện góp nhặt trên mỗi chặng đường đi đó là “tài sản” mà tôi nâng niu, gìn giữ nhiều năm nay bỗng ùa về. Dòng điện đã thắp sáng biết bao trái tim, biết bao mái nhà, biết bao nẻo đường với những câu chuyện kể thật khó để gặp trong ngày hôm nay – khi điện lưới đã phủ hết 184/184 xã, phường của tỉnh, người dân cũng dễ dàng tiếp cận với thông tin, với văn minh hơn những năm tháng ấy…
Đổi thay Cư San
Cũng trong những trang ghi chép cũ, tôi gặp lại mình trong một chuyến công tác về Cư San – một xã vùng sâu, vùng xa của huyện xa nhất của huyện M’Đrắk, nơi vốn “nổi tiếng” với sự khô cằn, cái nắng nóng ảnh hưởng bởi vùng duyên hải nằm phía xa dưới chân đèo Phượng Hoàng cộng với cái gay gắt của thổ nhưỡng của Tây Nguyên. Nơi đây được hưởng niềm vui có điện vào ngày 01/12/2007 – ngay trước dịp năm mới với thật nhiều kỷ niệm khó quên.
Đường vào Cư San trong những ngày thi công Dự án cấp điện cho 53 thôn, buôn thuộc vùng sâu, vùng xa, khu căn cứ cách mạng của tỉnh Đắk Lắk.
Cư San là một trong hai xã cuối cùng thuộc Dự án cấp điện cho 53 thôn, buôn thuộc vùng sâu, vùng xa, khu căn cứ cách mạng của tỉnh Đắk Lắk. Dự án được giao cho Ban Quản lý năng lượng nông thôn khu vực miền Trung làm chủ đầu tư. Vùng đất rộng hơn 20.800 ha với 4.400 nhân khẩu lúc bấy giờ vốn chìm trong bóng tối của sự lạc hậu, sự thiếu thốn phương tiện nghe nhìn, thiếu cả vật chất và thiếu cả tinh thần ấy bỗng được đầu tư xây dựng lưới điện, điện được kéo đến ngôi nhà nằm sâu trong núi, cheo leo giữa rừng với hun hút vực sâu như một phép màu...
Nay nhớ lại, anh Hoàng Việt Tùng – Giám đốc Điện lực Ea Kar còn kể với tôi về những gian nan của công trình này khi thi công vào mùa mưa, trên những rẻo nhỏ toàn sình lầy, mỗi ngày thuê một chuyến xe chở vật tư giá hơn một triệu rưỡi mà chủ xe còn ái ngại. Hay khi triển khai lắp đặt, muốn trao đổi gì với người dân địa phương đều phải thuê người phiên dịch vì người nơi đây không ai biết tiếng Kinh. Rồi những ngày thi công không kể thứ bảy, chủ nhật để 500 hộ đồng bào của Cư San có điện thật sớm. Tôi còn nhớ rõ, trong chuyến công tác ấy, người duy nhất tôi nói chuyện ở thôn là anh Giàng Seo Pao – một người biết tiếng Kinh hiếm hoi của xã, tôi tỏ ý ái ngại, không biết việc ghi số, trả tiền điện… mai này được thực hiện thế nào?
Ấy vậy mà chỉ sau đó một năm, tôi có dịp trở lại mảnh đất này, những đổi thay của nó sau ngày có điện khiến tôi không khỏi ngỡ ngàng. Cả xã có 512 hộ thì đã có đến 121 hộ đã sắm được tivi để giải trí, theo dõi tin tức; 29 hộ có tủ lạnh; gần 300 hộ có nồi cơm điện và 352 hộ có mô – tơ bơm nước phục vụ cuộc sống sinh hoạt hằng ngày. Tại trung tâm xã, 17 cửa hàng kinh doanh các mặt hàng thiết yếu đã được mở, trong đó, có hai cơ sở thu mua, chế biến nông sản giúp bà con tiêu thụ sản phẩm, không bị thương lái ép giá như trước. Thế mới thấy, điện về, đời sống ở vùng sâu hẻo lánh nhất tỉnh cũng đã có cơ hội trở mình, phát triển văn minh hơn, hay ít nhất là không bị quá lạc hậu so với cuộc sống ở phía ngoài “đường lớn”, nơi không bị che khuất bởi những ngọn đồi trập trùng và ánh sáng của điện đã về sớm hơn nơi đây nhiều năm trước đó.
Những chuyến đi với những câu chuyện chân tình như thế đã là nguồn cảm hứng cho các bài viết của tôi trong những năm tháng sôi nổi nhất của “nghề truyền thông”. Hơn một thập kỷ đã trôi qua, nhìn lại một chặng đường với những kỷ niệm theo dấu từng bước chân, từng công trình tôi mới thấy trân trọng hơn phút giây hiện tại. Để có được phát triển hôm nay của lưới điện, của những hạnh phúc vỡ òa ngày ánh điện bừng lên trên mỗi căn nhà là biết bao mồ hôi, nước mắt và cả những đợi mong.