Sự kiện

Ký ức tháng Tư

Thứ hai, 24/4/2023 | 08:00 GMT+7
Trong những nghĩ suy về tháng Tư, những người con Việt Nam không thể quên những ký ức về sự kiện ngày 30-4-1975, một ngày đã đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam với đại thắng mùa xuân đã làm thất bại hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược và ách thống trị thực dân mới của đế quốc Mỹ ở miền Nam, giải phóng hoàn toàn miền Nam, kết thúc vẻ vang cuộc chiến tranh cứu nước lâu dài nhất, khó khăn nhất và vĩ đại nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của nhân dân ta. 

Những tổ máy phát Diesel một thời cung cấp điện cho tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn

Một ngày tháng Tư mà mọi người Việt Nam luôn nhớ và rất đỗi tự hào. Sau những gian khổ, hy sinh, nhân dân Việt Nam đã giành được độc lập, tự do trọn vẹn sau hơn 100 năm Pháp thuộc, 21 năm Mỹ thuộc. Đó là trang sử hào hùng gắn với những cuộc hành quân thần tốc, những chiến công đầy quả cảm của những người lính để giành được chiến thắng, để non sông đất nước được nối liền một dải.

Từ tháng Tư năm ấy, tôi luôn cảm nhận được một bức tranh chớm hạ bình yên, tháng tư khẽ khàng đẩy hồn tôi trôi triền miên trên mớ hồi ức về tháng tư đã xa…

Khi ấy, để chuẩn bị tiếp quản hệ thống điện miền Nam, lãnh đạo Bộ Điện và Than đã yêu cầu xem xét, đánh giá những gì liên quan đến điện lực miền nam dưới sự quản lý của chế độ Sài Gòn trên mọi phương diện: Cơ cấu, phương thức vận hành, khai thác và các thông số kỹ thuật cơ bản, công suất, hiệu suất, trình độ quản lý, kinh doanh và khuynh hướng phát triển…trên cơ sở phân tích khách quan, khoa học và biện chứng những dữ liệu nói trên để vạch ra đường hướng, lộ trình và phương thức “hòa đồng bộ” ngành Điện của một đất nước thống nhất, khắc phục chỗ yếu, phát huy chỗ mạnh của điện lực mỗi miền, phối hợp, bổ sung cho nhau một cách hiệu quả, làm sao để phục vụ tốt nhất cho phục hồi kinh tế, chữa lành những vết thương chiến tranh, san lấp hố sâu ngăn cách do nhiều năm đất nước bị chia cắt và những hệ lụy gây nên những khác biệt trong quan niệm, nguyên tắc quản lý, điều hành, tổ chức, trình độ khoa học – kỹ thuật, kể cả những khác biệt trong tư duy, thói quen, lối sống, cách hành xử và tay nghề…

 Các tổ máy tại trạm điện 230kV Thủ Đức chạy bù công suất hao hụt trên đường dây truyền tải từ nhà máy thủy điện Đa Nhim về Sài Gòn. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn

Các nguồn tư liệu, tài liệu liên quan đến tình hình và thực trạng điện lực dưới quyền quản lý của chế độ Sài Gòn, trước năm 1975, được tập hợp và đến tay những người có trách nhiệm trong Bộ Điện và Than.

Thực hiện chỉ thị của Trung ương Đảng về nhiệm vụ tiếp quản cơ sở vật chất của điện lực miền Nam ngay sau khi chính quyền Sài Gòn sụp đổ, Bộ Điện và Than đã cử các đoàn với trên 60 cán bộ tiếp quản lên đường. Ngày 1-5-1975, các đoàn đã có mặt, tiếp quản toàn bộ và nguyên vẹn cơ sở vật chất ngành Điện thuộc chế độ cũ, từ Sài Gòn đến tất cả các tỉnh phía Nam.

Tại thành phố Đà Nẵng, điện nước rất khó khăn, căng thẳng. Nhà máy điện đi-ê-zen thuộc Công ty SIPEA được yêu cầu tiếp tục phát điện nhưng lại trong tình trạng sắp hết dầu. Ở Huế, Nha Trang, vấn đề về cung cấp điện cũng căng thẳng như Đà Nẵng. 

Hệ thống điện miền Trung do Công ty SIPEA của Pháp hợp đồng với chế độ Sài Gòn khai thác trong 20 năm, đến cuối năm 1975 thì hết hạn. Mỗi tỉnh đều có một nhà máy điện đi-ê-zen tự cung cấp điện cho địa phương mình, không có lưới điện chung như ở miền Bắc và miền Nam.

Đường dây 230kV truyền tải từ nhà máy thủy điện Đa Nhim về Sài Gòn. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn

Tại miền Nam, từ ngày 30-4-1975, tất cả các cơ sở điện lực phía Nam hoàn toàn thuộc về Chính phủ, Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và được lệnh phải điều hành hệ thống điện do Công ty Điện lực Việt Nam quản lý trước đây, đảm bảo an toàn tuyệt đối. Không được để bất cứ một trục trặc nào do chủ quan làm mất điện, gây phức tạp thêm tình hình. Tất cả cán bộ, công nhân, viên chức ở bộ phận nào phải đảm bảo giữ nguyên, không được làm xáo trộn; trả lương đầy đủ và chăm lo nơi ăn chốn ở cho cán bộ, công nhân viên; lấy nhà để xe ở Nguyễn Siêu sửa sang lại cho sạch sẽ làm nơi ăn ca hàng ngày của công nhân viên chức; chuyển các xe ô tô đến địa điểm mới khác; khắc phục ngay đường ống thủy áp Đa Nhim và khẩn trương sửa chữa những đoạn đường dây 230kV Đa Nhim – Sài Gòn và đường dây Sài Gòn – Mỹ Tho…để có điện cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.

Chưa đầy 4 tháng, đường ống thủy áp Nhà máy Thủy điện Đa Nhim và đường dây 230kV Đa Nhim – Sài Gòn đã được khắc phục xong. Điện đã được cấp về Sài Gòn. Bốn tháng sau, Bộ Điện và Than quyết định thành lập Công ty và hoàn thiện công tác bổ nhiệm nhân sự cho các Nhà máy điện và Sở Điện lực, chấm dứt thời kỳ quân quản. Ngành Điện miền Nam được điều hành theo bộ máy tổ chức mới.

Một góc trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân, nguồn điện quan trọng cho phát triển kinh tế xã hội các tỉnh phía Nam. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn

Từ đó đến này, ngành Điện đã đi qua bao đoạn trường khó khăn, ngược xuôi trên hành trình vạn dặm, nhưng ký ức tháng Tư vẫn vẹn nguyên như mới hôm qua. 

Những góc nhớ thân thương, ngọt ngào như hoa, như nắng, như gió, như mây… hòa quyện cùng nhau để tạo thành tháng Tư chan chứa thương yêu với công cuộc “hòa đồng bộ” ngành Điện toàn quốc sau năm 1975.

Tôi bỗng nhớ về hình ảnh những người thợ điện khi máy bay Mỹ sử dụng không lực leo thang mở rộng chiến tranh ở miền Bắc ném bom xuống tàn phá các nhà máy điện, họ vẫn “chắc tay búa, vững tay súng” bằng mọi giá bám lò, bám máy, giặc đến là đánh, giặc đi lại sản xuất với phương châm “Tổ quốc cần điện như cơ thể cần máu” chàng trai, cô gái tuổi mười tám đôi mươi đã xếp bút nghiên lên đường chiến đấu. Hình ảnh tìm kiếm thi thể đồng đội dưới hàng trăm tấn bê tông đổ nát. Ký ức về những năm tháng đau thương nhưng hào hùng khi mà bom đạn của máy bay Mỹ ném xuống tàn phá nhà máy điện, cướp đi sinh mạng của những người thợ điện, nhưng dòng điện vẫn sáng lên như ý chí, lòng yêu nước của người Việt Nam. Những người thợ điện anh dũng đã nằm xuống để đất nước được độc lập…  còn nhiều, rất nhiều những hình ảnh khác nữa - những hình ảnh về những người thợ điện kiên cường, bất khuất góp phần làm nên một ngày tháng Tư lịch sử Việt Nam và cơ đồ ngành Điện ngày hôm nay.

Đường dây 22kV vượt biển cấp điện cho các hộ dân trên đảo Hòn Tre (Kiên Giang). Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn

Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đã mở ra vận hội mới cho non sông. Nhưng cũng chính lúc đó, Việt Nam phải đối mặt với những thách thức vô cũng khốc liệt. Một lần nữa, ngành Điện cùng quân dân cả nước lao vào cuộc trường chinh thứ ba sau hai cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đó là cuộc trường chinh khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh, đối phó với những âm mưu hiểm độc, bao vây, cấm vận của các thế lực thù địch và phản động quốc tế. Rồi những cuộc xung đột biên giới Tây Nam, chiến sự ở biên giới phía Bắc.

Một trạm biến áp cũ ở Sài Gòn. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn

Ngành Điện đã vượt qua mọi thử thách, tiếp tục sáng tạo trong sản xuất, nhìn thẳng vào sự thật, khắc phục yếu kém, bất cập, trì trệ, những hệ lụy của bệnh duy ý chí, đoàn kết vượt qua khủng hoảng kinh tế, tiến lên theo hiệu lệnh: Đổi mới – mở cửa – hội nhập.

Căn bếp của một hộ dân vùng bưng biền tỉnh Cà Mau được thắp sáng bởi điện lưới quốc gia. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn

Lưới điện truyền tải đã trải rộng khắp đất nước với tốc độ nhanh chóng. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn

Một ca vận hành sản xuất điện tại Công ty Nhiệt điện Thái Bình. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn

Nhà máy thủy điện Đa Nhim. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn

Từ năm 2014 lưới điện quốc gia đã vượt biển ra đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi bằng hệ thống cáp ngầm Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn.

Cuộc suy thoái toàn cầu đã hiện hữu, nhiệm vụ của ngành Điện Việt Nam nặng nề và khó khăn hơn, đòi hỏi mỗi CBCNV phải sẵn sàng đối điện với khó khăn, chinh phục mọi thử thách, tiếp tục viết lên những trang sử vẻ vang của ngành Điện trong lao động sáng tạo, vinh quang và đầy chông gai phía trước.

Thanh Mai