Làm gì khi nghi ngờ mạo danh điện lực?

Thứ tư, 7/7/2021 | 14:55 GMT+7
Hiện nay, không chỉ riêng tại TP Đà Nẵng mà khắp cả nước đều rộ lên tình trạng các tổ chức, cá nhân mạo danh ngành điện, giả danh nhân viên điện lực để lừa đảo, đánh cắp thông tin các nhân nhằm phục vụ mục đích xấu.

PC Đà Nẵng cảnh báo các số điện thoại mạo danh điện lực xảy ra mới đây.
 
Nếu có người lạ xưng danh là nhân viên điện lực đến nhà để bán hàng (dây điện, ổ khóa, nồi cơm điện…) hoặc đòi nợ tiền điện với lời lẽ đe đọa thì người dân cần hết sức bình tĩnh, không mua hàng, không thanh toán tiền cho người lạ. Trường hợp cảm thấy có dấu hiệu của hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thì nhanh chóng thông báo cho lực lượng công an để được hướng dẫn giải quyết kịp thời và an toàn. Hiện nay, ngoài nhiệm vụ mua bán điện, PC Đà Nẵng không bán bất kì sản phẩm nào khác.
 
Trường hợp người dân trên địa bàn TP Đà Nẵng nhận được cuộc gọi từ số máy lạ tự xưng cơ quan điện lực hoặc đơn vị liên kết điện lực thì hãy cảnh giác hỏi rõ họ tên, chức danh, địa bàn quản lý; sau đó cần kiểm chứng lại thông tin nhận được. Đồng thời, không nên cung cấp bất cứ thông tin cá nhân nào (tài khoản, địa chỉ nhà…) cho người lạ. Người dân thông báo ngay với PC Đà Nẵng, các điện lực trực thuộc hoặc tổng đài 19001909 để có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời.
 
Trước tình hình mạo danh ngành điện để lừa đảo, PC Đà Nẵng khuyến nghị nhân dân hết sức cảnh giác với các cuộc gọi từ số máy lạ, chỉ tiếp nhận thông tin từ các kênh công khai chính thống của điện lực như email, SMS, Zalo, tổng đài 19001909. Đặc biệt, không thanh toán tiền điện cho người lạ, không cung cấp thông tin cá nhân, không chuyển tiền vào các tài khoản khi bị đe dọa cắt điện hoặc đe dọa chuyển hồ sơ cho công an truy tố… để tránh bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
 
Để sử dụng dịch vụ điện an toàn, thuận tiện, PC Đà Nẵng khuyến nghị nhân dân truy cập địa chỉ https://cskh.cpc.vn đăng ký hoặc chỉ cần gọi tổng đài 19001909 và nên sử dụng các hình thức thanh toán tiền điện hiện đại, không dùng tiền mặt như thanh toán tự động qua ngân hàng hay qua các ví điện tử như momo, vnpay, viettelpay… 
 
Được biết, theo quy định của pháp luật, hành vi lừa đảo qua điện thoại có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm nếu lừa đảo số tiền từ 2 triệu đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính, đã phạm tội này và chưa được xóa án tích mà còn tái phạm… Ngoài ra, tội này còn quy định các khung hình phạt tăng nặng khác nếu phạm tội có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, chiếm đoạt tài sản có giá trị lớn hoặc lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để lừa đảo.
Lê Hải