Tin thế giới

Lào – Nguồn điện của châu Á

Thứ sáu, 28/12/2007 | 09:27 GMT+7

Hôm 20/12, dự án thủy điện Sekaman-3, dự án thủy điện đầu tiên của Việt Nam ở Lào đã chính thức làm lễ ngăn sông.

Dự án nhà máy thủy điện Sekaman-3 là một trong 5 dự án thủy điện được thoả thuận giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào, xây dựng trên địa bàn huyện Dakchung, tỉnh Sekong. Đây là dự án nằm trong chương trình hợp tác phát triển năng lượng Lào-Việt Nam với mục tiêu 3.000 MW. Đến nay, 5 dự án thủy điện Lào ký với Việt Nam đã có tổng công suất 2.500 MW; sản lượng điện dự kiến đạt 6.689 triệu kWh/năm.

Dự án nhà máy thủy điện Sekaman-3 có công suất 250 MW, được thực hiện theo phương thức BOT; trong đó Công ty CP điện Việt-Lào góp 85%, Chính phủ Lào góp 15% trong tổng vốn đầu tư 273 triệu USD. Thời gian thực hiện dự án là 30 năm. Dự án được khởi công tháng 4/2006; đến nay đã hoàn thành được 30% công việc và hôm nay, nhà đầu tư Việt Nam đã hoàn thành việc ngăn sông thắng lợi.

Việc phát triển các nhà máy thủy điện được coi là một ưu tiên và thế mạnh hiện nay của Lào. Hiện tại giá trị xuất khẩu nguồn điện của Lào sang các nước láng giềng như Thái Lan, Việt Nam và Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Lào.

Theo hướng ưu tiên này, Chính phủ Lào đang ráo riết thực hiện chương trình xây dựng từ 50-60 nhà máy thủy điện, hướng tới mục tiêu trở thành nước xuất khẩu điện lớn trong khu vực và châu Á mà có người đã nói là muốn biến Lào thành “Battery của châu Á”.

Là nước có nhiều điều kiện thuận lợi phát triển các nhà máy thủy điện cócông suất nhỏ (20-200 MW) đến công suất lớn 1000-1500 MW, mấy năm gần đây Lào đã và đang ưu tiên cho ngành kinh tế được coi là mũi nhọn này. Các nước cận kề như Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan hoặc cả một số nước khu vực châu Âu đang là các chủ đầu tư của nhiều dự án nhà máy thủy điện ở Lào.

Mới đây, Công ty điện Nam Theun-Hinboun của Lào đang chuẩn bị cho dự án mở rộng ở tỉnh Khammouan vào giữa năm 2008, dự kiến năm 1012 sản xuất được từ 280-290 MW (hiện nay sản xuất chỉ ở mức 210 MW). Chính phủ Lào cúng đang có kế hoạch xây dựng một trạm truyền tải điện lớn tại huyện Saythani thuộc Viêng Chăn; đây là nơi nhận điện từ 4 nhà máy điện Nam Theun 1 (500 MW), Nam Ngep (260 MW), Nam Ngum 2 (600 MW), Nam Ngum 3 (450 MW) để xuất khẩu điện sang Thái Lan.Hiện tại, tổng công suất điện của Lào sản xuất được mớiở con số 600 MW. Theo tính toán, sau khi hoàn thành từ 50-60 dự ánthủy điện, Lào sẽ có trong tay 17.000-18.000 MW; phấn đấu đếnnăm 2020, hoàn thành 29 dự án trong kế hoạch. Một số dự án thủy điện có công suất lớn mới đây đã được ký: nhà máy thủy điện Luang Prabang, công suất gần 1.400MW được ký với Việt Nam; nhà máy thủy điện Nam U có công suất 600 MW với Trung Quốc; nhà máy thủy điện ở Sayabouly, công suất 1.400 MW đang được nhà đầu tư Trung Quốc khảo sát...

Trong bối cảnh các nguồn năng lượng dựa vào nhiên liệu hóa thạch đang tăng giá do nguồn dự trữ đang cạn dần, việc khai thác tiềm năng lớn về thủy điện của Lào được coi là khâu đột phá để phát triển kinh tế toàn diện, là một hướng đi đúng./.

Theo Kinh tế-Đầu tư