Vận hành tổ máy phát điện ở Nhà máy thủy điện Hưng Khánh (Yên Bái).
Có mạng lưới sông suối đa dạng, địa hình cao nhiều thác ghềnh, ngoài sông Hồng và sông Chảy có lượng nước mặt hằng năm gần 25 tỷ m3, Yên Bái còn có 83 suối cấp 1 đều có khả năng làm thủy điện nhỏ. Theo đó, có 88 điểm quy hoạch phát triển thủy điện nhỏ, tổng công suất gần 300 MW, nếu phát huy hết tiềm năng sẽ tạo ra một bước đột phá lớn về phát triển công nghiệp trên địa bàn một tỉnh miền núi. Nhưng có một thực tế là các dự án xây dựng thủy điện nhỏ đang như "rùa bò", thậm chí, gây lãng phí tài nguyên và ảnh hưởng lớn đến tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Phó Giám đốc Sở Công nghiệp tỉnh Yên Bái Nguyễn Anh Quân cho biết: Ðến nay tỉnh đã quyết định chứng nhận đầu tư cho 13 dự án thủy điện nhỏ tổng vốn đầu tư hơn 2.100 tỷ đồng, tổng công suất lắp máy 115 MW. Nếu đạt tiến độ xây dựng theo cam kết của các chủ đầu tư, khi các dự án thủy điện hoàn thành đi vào khai thác, tổng giá trị sản xuất công nghiệp đến năm 2010 của tỉnh sẽ đạt 3.000 tỷ đồng, đưa Yên Bái ra khỏi tình trạng tỉnh nghèo, trở thành tỉnh phát triển trong khu vực Tây Bắc. Nhưng đến nay, duy nhất mới có một dự án thủy điện Hưng Khánh do công ty TNHH Thanh Bình làm chủ đầu tư đi vào khai thác, còn lại đều chậm tiến độ.
Ðiển hình là dự án thủy điện Văn Chấn, công suất 36 MW (dự kiến tăng lên 50 MW), tổng vốn đầu tư 596 tỷ đồng, do công ty cổ phần thủy điện Văn Chấn làm chủ đầu tư. Dù đã khởi công từ tháng 5-2004, nhưng đến nay vẫn dậm chân tại chỗ, các hạng mục chính của dự án hầu như không triển khai thực hiện, mà theo cam kết đăng ký với Tổng công ty Ðiện lực Việt Nam đến cuối năm 2008 sẽ phát điện lên lưới điện quốc gia. Ðây là dự án thủy điện lớn nhất trên địa bàn tỉnh, điều kiện thi công khá thuận lợi, qua nắm bắt tình hình của đơn vị đến nay chưa phê duyệt dự án đầu tư, chưa ký được hợp đồng vay vốn (dù có hợp đồng ghi nhớ vay Ngân hàng Ðầu tư Bắc Hà Nội 200 tỷ đồng; Chi nhánh ngân hàng Ðầu tư Yên Bái 130 tỷ đồng; Ngân hàng Phát triển Yên Bái về hỗ trợ lãi suất sau đầu tư).
Lý giải về sự chậm trễ, lãnh đạo đơn vị đưa ra lý do phải thay đổi quy mô dự án lên thêm 14 MW so với dự kiến ban đầu; phải khảo sát lại địa chất và đập dâng nước... Theo quan điểm của UBND tỉnh Yên Bái, nếu sau 18 tháng đối với dự án nhóm A; 12 tháng đối với dự án nhóm B, C kể từ ngày dự án được phép chuẩn bị đầu tư, chủ đầu tư không hoàn thành lập và phê duyệt dự án đầu tư, thì tỉnh sẽ ra quyết định thu hồi giấy phép đầu tư dự án này.
Công ty cổ phần đầu tư và phát triển thủy điện Miền Bắc III được triển khai thực hiện đầu tư ba dự án: thủy điện Nậm Ðông III + IV; thủy điện Hồ Bốn; thủy điện Nậm Ðông II với tổng vốn đầu tư 832 tỷ đồng; tổng công suất hơn 45 MW. Tại xã Túc Ðán huyện Trạm Tấu, dự án thủy điện Nậm Ðông III + IV đã được khởi công xây dựng từ tháng 4-2004, hiện tại mới triển khai được tuyến đường dây 35 KV, một trạm biến áp và đường dây hạ thế cấp điện lưới quốc gia cho, văn phòng điều hành. Ðây cũng chính là điểm đấu nối lên lưới điện quốc gia khi nhà máy đi vào hoạt động, còn các hạng mục chính như: kênh dẫn dòng, bể áp lực, đập đầu mối, đường ống áp lực vẫn ngổn ngang đang xây dựng, không biết đến quý II-2008 có phát điện được tổ máy số một hay không, câu trả lời vẫn để ngỏ cho nhà đầu tư. Như vậy, tiến độ thực hiện các dự án thủy điện của Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển điện Miền Bắc III rất chậm so với tiến độ đăng ký ban đầu. Nguyên nhân chủ yếu là do đơn vị "ôm" nhiều công trình có quy mô lớn cùng một lúc; vốn và nguồn nhân lực hạn chế không đáp ứng yêu cầu thi công, trong khi có nhiều phát sinh ngoài ý muốn mà chủ đầu tư chưa lường hết được. Ðến nay, dự án thủy điện Nậm Ðông III + IV chậm so với kế hoạch một năm; thủy điện Nậm Ðông II chưa triển khai thi công; thủy điện Hồ Bốn mới bắt đầu khởi động (đã triển khai giải phóng mặt bằng, làm được đường tránh quốc lộ 32 bị ngập, xây dựng trạm biến áp và đường dây 35 KV phục vụ thi công...).
Tỉnh Yên Bái tổ chức nhiều cuộc họp giữa các ngành chức năng như: kế hoạch - đầu tư, tài nguyên - môi trường, công nghiệp... với chủ đầu tư để tìm các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, như ưu tiên hỗ trợ lãi suất sau đầu tư cho một số dự án; giải quyết thông thoáng các thủ tục hành chính về cấp giấy phép, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng thi công; vận dụng thêm nguồn vốn khác để phát triển cơ sở hạ tầng ngoài hàng rào các nhà máy thủy điện,... Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn Hoàng Trung Năng, cho hay: Những dự án thủy điện triển khai trên địa bàn huyện đều ở vùng dân cư thưa và ít các công trình công cộng, chúng tôi đã vận dụng tốt chính sách đền bù, tạo điều kiện trong việc giao mặt bằng "sạch" cho nhà đầu tư; giao cho cơ quan chức năng làm tốt việc bảo đảm an ninh trật tự trong khu vực thi công; do vậy không có khiếu kiện hay tranh chấp giữa người dân sở tại với đơn vị thi công.
Nhà máy thủy điện Hưng Khánh do công ty TNHH Thanh Bình làm chủ đầu tư (đã hòa lưới điện quốc gia trong đầu tháng 8-2007), là dự án thủy điện nhỏ, vốn đầu tư thấp, bước đầu có hiệu quả rõ nét. Ðược biết, Công ty TNHH Thanh Bình đang triển khai thêm ba dự án thủy điện: Nà Hẩu; Nậm Tăng; Thác Song với tổng công suất hơn 10 MW; tổng mức đầu tư hơn 200 tỷ đồng. Là doanh nghiệp tư nhân lớn của tỉnh có được các ưu tiên nhất định, nhưng do thi công nhiều dự án cùng một thời điểm, nên công ty không thoát khỏi tình trạng chậm tiến độ thi công, và không tránh khỏi khó khăn về vốn.
Thấy rõ vấn đề này, qua kiểm tra tiến độ đầu tư các dự án thủy điện trên địa bàn, Sở Công nghiệp Yên Bái đã trình UBND tỉnh kết quả kiểm tra đối với các dự án, đồng thời kiến nghị thu hồi giấy phép đầu tư đối với các dự án không bảo đảm tiến độ cam kết, giao hoặc tổ chức đấu thầu dự án thu hồi cho các chủ đầu tư có năng lực để triển khai theo kế hoạch.