Dự án điện gió Monsoon tại tỉnh Sekong và Attapeu, Lào.
Khu vực nghiên cứu của dự án điện gió tại khu vực trọng điểm Lako, huyện Xepon, tỉnh Savannakhet có tổng diện tích 28.513 ha với công suất lắp đặt 1.200MW và chi phí xây dựng ước tính khoảng 2,16 tỷ USD, báo chí Lào đưa tin. Công trình dự kiến hoàn thành và bắt đầu đi vào sản xuất vào cuối năm 2025 phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, đặc biệt là sang Việt Nam.
Các nhà phát triển dự án đã bắt đầu nghiên cứu thông tin sơ bộ về dự án điện gió từ giữa năm 2021 và nhận thấy dự án này có nhiều tiềm năng phát triển kinh doanh năng lượng. Do đó, đơn vị phát triển dự án đã đề xuất với chính phủ Lào việc nghiên cứu khả thi để phát triển dự án bằng cách nghiên cứu và thảo luận với các bộ ngành liên quan từ đầu năm 2022. Sau khi trao đổi với các bên liên quan, chính phủ Lào đã đồng ý và thông qua chủ trương nghiên cứu khả năng phát triển dự án điện gió lớn nhất tại Lào.
Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào và Công ty TNHH Năng lượng tái tạo Savan Vayu.
Vừa qua, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào - Tiến sĩ Sthabandith Insisienmay và Giám đốc điều hành Công ty TNHH Năng lượng tái tạo Savan Vayu - ông Sengsack Xayarath, đã ký Biên bản ghi nhớ nghiên cứu khả thi (FS) phát triển dự án điện gió này trước sự chứng kiến của Thứ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Lào - Tiến sĩ Sinava Souphanouvong, đại diện Công ty TNHH LMT Lào cùng các đối tác liên quan.
Theo báo chí Lào, ngày 5/10/2016, một biên bản ghi nhớ trong lĩnh vực năng lượng giữa Lào và Việt Nam về hợp tác phát triển các dự án điện tại Lào, hệ thống đấu nối đường dây tải điện và kinh doanh năng lượng giữa hai nước giai đoạn 2020-2030, đã được ký kết.
Tính đến nay, Lào đã ký hợp đồng mua bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tại 23 dự án, tổng công suất lắp đặt 2.180 MW. Trong đó có 3 dự án đã bắt đầu xuất khẩu, gồm có Sekaman 1, Sekamansanse và Sekaman 3 với tổng công suất lắp đặt 572 MW. Trong giai đoạn 2022 - 2025 sẽ hoàn thành nốt các dự án còn lại và xuất khẩu điện sang Việt Nam với tổng công suất lắp đặt 1.608 MW.
Ngoài ra còn có 8 dự án hai bên đã ký bản ghi nhớ về giá mua bán điện với tổng công suất lắp đặt 1.814 MW; 6 dự án đã thống nhất về nguyên tắc mua điện từ Việt Nam với tổng công suất lắp đặt 2.485 MW; 8 dự án EVN đã ký bản ghi nhớ với tập đoàn thiết kế và xây dựng cầu đường Phongsupthavi với tổng công suất lắp đặt 1.669,5 MW.
Theo thỏa thuận đã được ký kết giữa hai Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào, đến năm 2025 Việt Nam sẽ nhập khẩu điện từ Lào khoảng 3.000 MW và dự kiến đến năm 2030 đạt 8.148,5 MW.
Về truyền tải điện, để phục vụ việc nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam, đến thời điểm hiện nay, dự án đường dây 220 kV Nậm Mô – Tương Dương đã hoàn thành 140/145 vị trí móng cột, lắp dựng cột được 135/145 vị trí, kéo rải dây được 98/145 khoảng cột. Dự kiến hoàn thành và đóng điện toàn tuyến trong quý III/2022. Theo EVN, đây là công trình cấp bách, được xây dựng với mục tiêu truyền tải điện từ Lào (cụm nhà máy thủy điện Nậm Mô) về Việt Nam. Đây là dự án truyền tải điện thứ 2 sau đường dây 220kV Xekaman 1 – Pleiku 2.
Link gốc