Hiện ngành điện ở các huyện thị đầu nguồn phải tổ chức lực lượng thợ điện xung kích trực 24/24, chuẩn bị đầy đủ vật tư dự phòng, dụng cụ, để chủ động ứng phó kịp thời khi có sự cố
Ngay từ đầu mùa mưa lũ, Đồng Tháp đã có các kế hoạch đảm bảo an toàn điện cho vùng bị ngập. Tuy nhiên, mùa lũ năm nay, con nước lớn hơn nhiều so với những năm trước nên việc chủ động sửa chữa, ứng phó với các sự cố trở nên khó khăn, áp lực gấp bội. Hiện tại, ngoài việc đảm bảo an toàn đê bao, bờ bao, tránh sạt lở bờ sông, kênh rạch, bảo vệ lúa thì việc giữ vững đường dây điện và cấp đủ điện cho người dân vùng ngập lũ đang chịu nhiều áp lực
Ở nhiều khu vực, nước ngập lên đến nóc nhà dân. Đường dây điện cũng bị nước bủa vây tứ phía
Trong tổng số 3.421 km đường dây trung áp và 4.633 km đường dây hạ áp của Đồng Tháp, hàng ngàn ki lô mét đường dây giăng khắp vùng ngập lũ thuộc các huyện Hồng Ngự, Tân Hồng, Thanh Bình và Tam Nông. 133 trụ điện đã được gia cố móng trụ, sửa chữa, xử lý nghiêng; gần 200 trụ điện khác được tăng cường chằng néo; 22 trụ điện bị rạn nứt được thay thế. Ngoài ra, 64 thùng CB trạm biến áp và 157 thùng điện kế có nguy cơ bị ngập cũng vừa được nâng cao để đề phòng sự cố tai nạn điện.
Hàng trăm công tơ điện được di dời lên cao hơn để tránh ngập
Lực lượng thợ điện xung kích trực 24/24 của huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp phải thường xuyên kiểm tra cũng như chuẩn bị đầy đủ vật tư dự phòng, dụng cụ, để chủ động ứng phó kịp thời khi có sự cố
Một trong những địa phương khó khăn nhất là huyện Hồng Ngự vì nằm đầu nguồn sông Tiền, tiếp giáp với Campuchia. Hiện ngành điện ở các huyện thị đầu nguồn phải tổ chức lực lượng thợ điện xung kích trực 24/24, chuẩn bị đầy đủ vật tư dự phòng, dụng cụ, để chủ động ứng phó kịp thời khi có sự cố.
Nước lũ sẽ còn lên cao nên ngoài việc gia cố đê bao, hệ thống đường dây điện giăng ngang các cánh đồng ngập lũ cũng được các huyện đầu nguồn tỉnh Đồng Tháp tăng cường bảo vệ
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, mực nước sông Cửu Long tiếp tục lên theo kỳ triều cường và có khả năng đạt mức cao nhất vào ngày 26 - 27.9, trên sông Tiền tại Tân Châu lên mức 4,1 m (trên báo động 2 0,1 m); trên sông Hậu tại Châu Đốc lên mức 3,7 m (trên báo động 2 0,2 m). Chắc chắn tình trạng nước lũ đổ về sẽ cô lập nhiều khu vực nguồn miền Tây như các huyện đầu nguồn của Đồng Tháp và An Giang; thậm chí gây ngập úng nặng ở vùng hạ nguồn như Kiên Giang, Cần Thơ và Hậu Giang.