Tin trong nước

Lòng yêu nghề của thợ điện trên đảo Bích Đầm

Thứ năm, 17/9/2020 | 16:40 GMT+7
Đã công tác tại đảo Bích Đầm được 13 năm, anh Võ Kim Ban – công nhân bậc 4/5 muốn sống, làm việc và gắn bó với trạm điện trên đảo cho đến ngày về hưu. Điều ước giản đơn ấy đã thể hiện sự gắn bó, lòng yêu nghề tha thiết của người thợ điện ở nơi trùng khơi con nước.
 

Hệ thống lưới điện được sắp xếp gọn gàng, an toàn trên đảo.
 
Bích Đầm là một xã đảo xa nhất của thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa thuộc cụm đảo Hòn Tre. Nơi đây được biết đến là một làng chài yên bình, quanh năm nước xanh như ngọc, con người và thiên nhiên sống gần gũi, hiền hòa. Làng chài có khoảng 174 hộ dân, sinh sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản.
 
Từ năm 2009 đến nay, PC Khánh Hòa đã tiếp nhận quản lý vận hành cụm máy phát điện diezel công suất 165 kVA, cấp điện 4 giờ/ngày phục vụ người dân trên đảo vào buổi tối. Qua 10 năm hoạt động, công tác quản lý, vận hành hệ thống lưới điện trên đảo vẫn được đảm bảo thông suốt, phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất cho bà con làng chài trên đảo. Hiện tại, xã Bích Đầm có 168/168 khách hàng được PC Khánh Hòa hỗ trợ lắp đặt công tơ điện tử đọc chỉ số từ xa RF- Spider, với sản lượng điện tiêu thụ trung bình hàng tháng khoảng 6.000 kWh.
 
Dân cư trên đảo điều hiểu rằng, để có thể cấp điện vài giờ mỗi ngày, duy trì nguồn điện ổn định phục vụ sinh hoạt của bà con, thắp ánh sáng cho trẻ em học hành thì ngành điện Khánh Hòa đã phải nỗ lực không ngừng trong việc vận hành và bảo dưỡng hệ thống điện. Và đối với anh em công nhân trực quản lý trạm điện trên đảo thì ngoài trách nhiệm còn có cả sự hy sinh, phấn đấu quên mình vì công việc để hoàn thành nhiệm vụ được giao.  
 
Là thợ điện đa nghề gắn bó lâu năm trên đảo Bích Đầm, anh Võ Kim Ban đã quen với việc di chuyển bằng tàu để đến nơi công tác. Chỉ có duy nhất một chuyến tàu trong ngày nên anh phải sắp xếp thời gian hợp lý để có thể bắt kịp tàu ra đảo. Dù ngày nắng hay ngày mưa, trong hơn 10 năm đằng đẵng, vượt qua trăm ngàn con sóng, anh vẫn đều đặn có mặt trên đảo để làm tròn trách nhiệm của một người thợ điện.
 
Cuộc sống trên đảo vốn nhiều khó khăn. Trạm điện – nơi các anh làm việc và sinh hoạt rộng chỉ khoảng 40m2, phía trước là vườn rau vừa tạo không gian xanh vừa giúp cải thiện bữa ăn hằng ngày. Bữa ăn cũng chỉ đơn giản với vài món tự nấu như trứng chiên hay chút cá, mực được mua từ sáng sớm của ngư dân trên đảo. Do nước ngọt phải mua từ đất liền nên các anh chủ yếu dùng cho việc nấu bếp. Anh Ban là người lớn tuổi nhất của tổ trực luôn nhắc nhở anh em sử dụng nước ngọt một cách tiết kiệm.
 
Thợ điện trên đảo là thế: sống và làm việc trong điều kiện vật chất, tinh thần còn nhiều thiếu thốn.Ban ngày, trạm điện trở thành điểm đến quen thuộc của bà con lối xóm với tách trà nóng cùng đôi ba câu chuyện thời sự đài đưa tin đêm qua. Đêm đến, khi có điện, bà con ngư dân quây quần bên gia đình thì các anh lại tập trung cho việc kiểm tra, điều khiển, vận hành dầu máy để chạy máy phát điện phục vụ bà con. Đối với các anh, chiếc tivi cũ là người bạn đồng hành duy nhất nhưng cũng chỉ thỉnh thoảng mới sử dụng để tiết kiệm điện.
 
Tâm sự chuyện vui buồn khi làm việc trên đảo, anh Ban chia sẻ: "Bình thường thì không sao nhưng những ngày mưa gió, giông sét hay những lúc ốm đau thì khó khăn chồng chất. Được cái, tôi ở đây lâu rồi cũng thành quen. Tất cả lại trở nên thân thuộc, gần gũi. Giờ tự nhiên tôi lại thích cuộc sống và con người giản dị nơi đây. Cứ thế, tình cảm với nơi này cùng vị mặn của biển cả dường như đã thấm sâu vào trong tôi từ hồi nào không biết nữa".
 
Khó khăn là vậy nhưng  anh Ban và cả anh em tổ trực đều muốn gắn bó lâu dài với công việc trên đảo Bích Đầm. Anh cho biết: Tôi và hai anh em công nhân nữa đều có thời gian làm việc trên đảo hơn 10 năm, chiếm khoảng nửa tổng thời gian chúng tôi công tác trong ngành điện. Chính vì vậy, nơi đây như là ngôi nhà thứ hai của chúng tôi. Đơn giản là vì chúng tôi đã quen với cuộc sống yên bình, đậm tình người, quen với những ngư dân chân chất, mộc mạc trên đảo. Nhưng có lẽ, hơn hết, các anh đã thật sự yêu và gắn bó với công việc mà mình đã chọn – nghề của những người thợ điện.
 
Anh em trạm điện trên đảo trồng thêm rau xanh để cải thiện bữa ăn.
 
Không chỉ biết về một công việc chuyên môn nhất định, thợ điện trên đảo còn biết nhiều nghề khác nhau. Ngoài nhiệm vụ vận hành máy phát điện từ 17 giờ đến 21 giờ hay từ 18 giờ đến 22 giờ hằng ngày tùy theo thời tiết mùa nắng hay mùa mưa, anh Ban cùng các anh em trong tổ trực còn đảm nhận nhiều công tác khác cũng quan trọng không kém như: vệ sinh máy, kiểm tra lưới điện, lắp đặt công tơ mới, thay thế công tơ đứng cháy hỏng, sữa chữa điện, khắc phục sự cố điện, tuyên truyền tiết kiệm điện và thu tiền điện…
Kiểm tra dầu máy phát điện trở thành thói quen hằng ngày của anh em thợ điện trên đảo.
 
Đảm nhiệm nhiều vai trò khác nhau như thế, tuy khá vất vả nhưng với anh Ban công việc đa nghề này đã giúp anh có nhiều niềm vui. Anh Ban biết mọi ngõ ngách của làng chài này và thuộc vanh vách tên từng nhà, từng hộ gia đình sử dụng điện. Bởi thế nên giữa nơi trùng khơi xa xôi này, những người thợ điện đảo Bích Đầm luôn được bà con trên đảo quý mến như người thân trong gia đình.
 
Một điều đặc biệt, xung quanh là bốn bề biển nước nên các thiết bị điện trong gia đình trên đảo không có tủ lạnh mà chỉ có một số vật dụng thiết yếu như tivi, máy quạt… Mỗi khi điện trong gia đình trục trặc, thiết bị sử dụng điện trong nhà bị hỏng, bà con trên đảo cũng đều gọi điện hoặc trực tiếp mang tới trạm điện nhờ các anh em tổ trực điện đảo xem và sửa giúp. Sửa xong, các anh còn tận tình hướng dẫn bà con cách thức sử dụng và bảo quản thiết bị được lâu bền cũng như an toàn trong môi trường biển đảo.
 
Sau ca trực vào lại đất liền, anh Ban còn được bà con tin tưởng nhờ mua hộ linh kiện, thiết bị điện tử hay các đồ dùng phục vụ cuộc sống trên đảo… Đôi khi, anh còn đảm nhận vai trò người hướng dẫn, chỉ đường giúp bà con khi họ có công việc vào đất liền. Cứ thế, năm tháng trôi đi, anh Ban và những người công nhân điện đảo Bích Đầm đã cùng bà con trên đảo đã trở nên thân thiết, gần gũi, yêu thương. Cứ đến ngày giỗ chạp, lễ tết, các anh đều được bà con mời đến nhà chung vui như một thành viên trong gia đình của họ vậy.
 
Trả lời câu hỏi: “Vì sao anh quyết định gắn bó công tác lâu dài trên xã đảo?”, anh Ban mỉm cười cho biết: Trước khi về Bích Đầm công tác, tôi cũng đã nhận nhiệm vụ làm việc trên đảo Vũng Ngán cũng thuộc cụm đảo Hòn Tre này. Do đó, làm thợ điện trên đảo là cơ duyên của tôi. Ở đây, xung quanh là mênh mông biển nước, tuy vật chất còn nhiều thiếu thốn nhưng tình người thì lại đong đầy. Bấy nhiêu đó cũng đã khiến tôi muốn gắn bó lâu dài với nơi này. Và vợ con ở nhà cũng luôn ủng hộ quyết định đó của tôi. Tất cả những điều đó đã tạo cho tôi sức mạnh vượt qua mọi khó khăn gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ và làm việc trên làng chài này cho đến ngày tôi về nghỉ hưu".
 
Với những nỗ lực không ngừng nghỉ của mình, anh công nhân Võ Kim Ban đã được lãnh đạo đơn vị, Công ty ghi nhận, đánh giá cao. Sáu năm liền, từ năm 2013 đến năm 2018, anh được vinh dự nhận Giấy khen của Tổng giám đốc Công ty vì thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Anh chính là hình ảnh tiêu biểu của những người công nhân điện giản dị, gần gũi  đang miệt mài lao động, đóng góp công sức của mình để “thắp sáng niềm tin” nơi đảo xa.
Theo: CPC