Tin trong nước

Lý Sơn - Đảo ngọc thức giấc!

Thứ sáu, 10/6/2016 | 14:14 GMT+7
“Cứ ra sẽ thấy, Lý Sơn bây giờ đã khác nhiều rồi…”. Câu nói lấp lửng nhưng cũng không ít gợi mở đó của chị bạn đồng nghiệp ở Báo Quảng Ngãi, chia sẻ khi đang trên tàu từ cảng Sa Kỳ ra huyện đảo Lý Sơn, khiến nhóm chúng tôi thêm phấn khích, cảm giác lâng lâng say sóng như tan biến nhường cho sự háo hức, chờ đợi giây phút cập bờ…

Công nhân Điện lực Lý Sơn lắp đặt điện đến nhà dân.
 
Trong tối đầu tiên đến đảo, những người mà chúng tôi tiếp xúc đầu tiên là các cán bộ Phòng Văn hoá thông tin huyện đảo. Cuộc gặp rất tình cờ giữa chợ đêm Lý Sơn, khi các anh đang tiếp đãi một nhà giáo vừa lặn lội từ TP Hồ Chí Minh ra đảo thăm bạn, cũng là để thoả mong ước một lần đến với Lý Sơn. Trong “bữa tiệc” chỉ với một hai món đặc sản của biển, thêm chút thi vị bởi tiếng đàn ghi ta mộc mạc của anh Trưởng phòng Văn hoá thông tin, câu chuyện như sôi nổi hơn khi có “đại diện” cả 3 miền Bắc – Trung – Nam. Cụ Võ Hiển Đạt, người được đánh giá là “hiểu từng chân tơ kẽ tóc” về Lý Sơn cũng có mặt trong cuộc gặp, và chính lời bộc bạch của cụ cho chúng tôi cảm nhận về sự đổi thay của người dân nơi hải đảo tiền tiêu này.
 
Đảo ngọc bừng sáng
 
“Gắn bó với đảo bao năm nay, các anh bảo không vui sao được khi từng ngày nhìn thấy, cảm nhận thấy những đổi thay của đảo. Từ một hòn đảo hoang sơ, giao thông cách trở, nay Lý Sơn đã sôi động lắm, vui lắm, đường sá, trường học… đang liên tục được đầu tư. Phấn khởi nhất là từ ngày đảo có điện lưới quốc gia. Đây có lẽ là sự thoả ước ao lớn nhất từ bao đời nay của người dân huyện đảo. Điện đã làm thay đổi cuộc sống của dân đảo”, cụ Võ Hiển Đạt nói, trong ánh mắt không giấu được sự hân hoan.
 
Quả thật, “cứ ra sẽ thấy”. Như lời nhận xét của bạn đồng nghiệp, Lý Sơn đang “phát triển nóng”. Ngay từ cầu cảng nơi đầu tiên đặt chân lên đảo, cũng dễ dàng nhận thấy Lý Sơn đang là một “đại công trường”. Bao quanh đảo là con đường lớn đang được bê tông hoá, và những nhánh nhỏ chạy sâu vào trong đảo cũng đang được tải tạo, nâng cấp. Vẫn bề bộn máy móc, vật liệu. Con đường vành đai như ôm trọn Đảo Lớn, vừa là đường quốc phòng, vừa là đê chắn sóng, đồng thời cũng là “huyết mạch” để nuôi sống cư dân trên đảo. 
 
Chẳng rõ ai là người đầu tiên gán cho Lý Sơn cái tên “Đảo ngọc”, mà thực tế nghe qua cũng na ná những đảo ngọc khác từng được gọi ở nhiều nơi. Nhưng có đặt chân đến hòn đảo giữa muôn trùng sóng nước này mới cảm nhận được đầy đủ nét đẹp của “ngọc”. Có thể khẳng định, biển Lý Sơn, đặc biệt là ở Đảo Bé đẹp ngang ngửa Phú Quốc. Chẳng nói quá, chứ thậm chí có những khung cảnh cho du khách cảm giác như đang trên một hòn đảo nào đó ở Hawaii. Có lẽ cũng vì thế mà khi dạo thăm Đảo Bé, chúng tôi bắt gặp khá nhiều cặp uyên ương ra đây chụp ảnh cưới. 
 
Lý Sơn là đảo tiền tiêu có ý nghĩa đặc biệt về quốc phòng, nhưng cũng được mệnh danh là “đảo ngọc” với những trầm tích văn hóa hiếm có. Chỉ chừng mươi cây số vuông, nhưng trên đảo phân bổ dày đặc các di tích, trong đó có 4 di tích cấp quốc gia, 10 di tích cấp tỉnh, nhiều ngôi nhà cổ, đình cổ còn khá nguyên vẹn với những nét văn hóa đa dạng, đặc sắc. Lý Sơn cũng là đảo núi lửa duy nhất ở Việt Nam, với hệ thống vách đá như một bảo tàng địa chất, là cuốn từ điển về lịch sử vỏ trái đất. Đây được coi là điểm nhấn để thu hút các chuyên gia, khách du lịch trên thế giới đến nghiên cứu, tham quan... 
 
Trước kia khi chưa có điện, hạ tầng còn yếu kém, chỉ riêng việc chịu cảnh nóng bức thôi đã khiến cho có rất ít người dám lặn lội vượt biển đến vùng đất này. Nhưng nay đã khác, dọc từ cầu cảng vào sâu trong đảo đã mọc đầy khách sạn, nhà nghỉ, quán ăn. Trong ngày nhóm chúng tôi đến đảo, Mường Thanh Lý Sơn - khách sạn 4 sao đầu tiên nơi trùng khơi này cũng được khai trương. Chật kín khách! Dân đảo coi đây là một sự kiện lớn, đánh dấu thêm một bước phát triển. Ai cũng mừng vì du khách đang kéo nhau ra đảo. Lý Sơn đang phát triển mạnh về dịch vụ, du lịch. Mà hưởng lợi đâu chỉ riêng cho đảo, đó còn là cơ hội cho cả TP Quảng Ngãi với các dịch vụ lưu trú, du lịch, vận tải…
 
Trò chuyện với nhóm phóng viên, anh Nguyễn Văn Lành, cư dân sống ở Đảo Bé (xã An Bình, Lý Sơn), cho biết: Từ ngày có điện về, bà con làm dịch vụ du lịch. Khách đến với An Bình đông hơn nhiều, giúp cho tiềm năng du lịch có cơ hội thức tỉnh, đồng thời góp phần ổn định kinh tế, xóa đói giảm nghèo tại xã đảo.
 
Đổi thay từ nguồn điện
 
Anh Bùi Huệ, một người khuyết tật từng “nổi tiếng” với chiếc xe chó kéo, sinh sống ở Đảo Bé, chia sẻ khi đang chở chúng tôi thăm các danh thắng của đảo trên chiếc xe 3 bánh của mình: Trước đây, chưa có điện lưới thì bà con sống tại xã đảo An Bình rất khó khăn. Với thời tiết và khí hậu khắc nghiệt, về đêm phải thắp đèn dầu, thiếu thốn về năng lượng chiếu sáng. Từ khi có điện cuộc sống bà con hoàn toàn thay đổi, các nhu cầu, phương tiện phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt ở đây được phong phú thêm. Ban đêm điện được thắp sáng cho các cháu học hành. Tuy rằng hiện nay điện ở xã đảo An Bình chỉ có 9 giờ mỗi ngày nhưng cũng giúp cuộc sống sinh hoạt dễ dàng hơn rất nhiều.
 
“Từ khi điện quốc gia về đảo, khách du lịch đến đông hơn. Mình cũng được chính quyền hỗ trợ chiếc xe 3 bánh gắn máy và tham gia vào việc đưa đón khách thăm đảo. Vừa là niềm vui, cũng thêm điều kiện kiếm sống”, anh Huệ chẳng ngại ngần bộc bạch.
 
Thực tế, huyện đảo Lý Sơn được cấp điện lưới quốc gia qua cáp ngầm biển từ ngày 28/9/2014 (Đảo Lớn), và đến ngày 21/1 năm nay thì điện phủ hết Đảo Bé. Theo ông Lê Thanh Tùng, Giám đốc Điện lực Lý Sơn thì đến nay hệ thống cấp điện cho đảo vận hành ổn định. Có thể đánh giá sau khi có điện lưới thì đời sống sinh hoạt của nhân dân được nâng lên rõ rệt, đặc biệt là du lịch phát triển vượt bậc. Có điện, nhiều nhà hàng, khách sạn mọc lên, nhiều dự án được tập trung đầu tư tại huyện đảo. 
 
Anh Ngô Văn Nghĩa, Trưởng phòng Văn hoá thông tin huyện, đánh giá: Điện không chỉ làm thay đổi chất lượng sống hàng ngày mà còn giúp cho hoạt động sản xuất hiệu quả hơn. Trên các cánh đồng trồng hành, tỏi hay trong sinh hoạt, người dân được dùng máy bơm nước động cơ điện thay thế cho động cơ diezel chạy dầu, giúp chi phí thấp hơn. Với nghề cá, các ngư dân cũng đã dùng điện trong sửa chữa tàu thuyền, và các nhà máy làm đá cung cấp cho ngư dân cũng mọc lên nhiều hơn.
 

Người dân dùng bơm điện phục vụ tưới tiêu, canh tác.
 
Về giáo dục, thầy Hiệu trưởng trường Tiểu học An Hải cho biết, từ khi có điện, ở trường các em học sinh được trang bị quạt và được tiếp cận các thiết bị công nghệ thông tin, máy tính. Từ đó, việc học tập của các em đạt kết quả tốt hơn, đã có nhiều em thi đậu đại học hơn so với các năm trước đây.
 
Ông Lê Thanh Tùng, Giám đốc Điện lực Lý Sơn cho biết thêm, về công nghệ quản lý hiện nay, Điện lực Lý Sơn đang dùng công tơ điện tử hiện đại. Toàn bộ hệ thống được đưa lên mạng internet, khách hàng muốn kiểm tra sản lượng điện và tiền điện có thể dùng máy tính, điện thoại thông minh có internet truy cập vào hệ thống để kiểm tra, bất cứ thời điểm nào. Việc sử dụng công tơ thông minh có độ chính xác cao. Từ ngày lắp đặt đến nay không có sự phàn nàn của khách hàng về việc công tơ chạy nhanh hay sản lượng điện tăng bất thường.
 
Ông Tùng cũng cho biết, với Đảo Bé (xã An Bình), Công ty Điện lực Quảng Ngãi đã cấp điện từ tháng 1/2016, tạm thời đang sử dụng 2 nguồn máy diezel. Tuy hiện nay mới chỉ cấp 9 tiếng mỗi ngày, nhưng đã đáp ứng cho hoạt động của nhà máy lọc nước tại đây để phục vụ người dân có nước ngọt. 
 
Nói về quá trình vận hành khai thác hệ thống lưới điện ra đảo, ông Tùng khẳng định, công ty cũng gặp nhiều khó khăn do địa hình xung quanh là biển làm ảnh hưởng lớn đến các thiết bị điện, dễ bị ăn mòn. Vào mùa mưa bão, việc vận chuyển vật tư không hề dễ dàng. Cũng may, do luôn coi trọng việc chuẩn bị thiết bị, vật liệu để sẵn sàng thay thế khi có sự cố xảy ra nên từ khi vận hành đến nay, lưới điện chỉ có 3 lần gặp sự cố do sét đánh và đều được xử lý kịp thời. Công suất điện hiện nay của huyện đảo khoảng 2,3MW, 100% hộ gia đình trên đảo có điện và giá thành được bán theo chủ trương chung của Chính phủ, bằng với giá trong đất liền. 
 
Du lịch phát triển, hạ tầng được cải thiện, đời sống đang ngày càng vui hơn chính là tín hiệu cho thấy cuộc sống người dân huyện đảo Lý Sơn đang thay đổi. Bà Phạm Thị Hương, Phó chủ tịch huyện đảo, nhận định: Có điện lưới quốc gia là tiền đề quan trọng để địa phương phát triển kinh tế. Lý Sơn có nhiều cơ hội bứt phá phát triển nguồn lợi biển đảo, thu hút các dự án du lịch, hậu cần nghề cá, tạo điều kiện cho ngư dân bám biển dài ngày. Theo bà Phạm Thị Hương, đây cũng là điều kiện quan trọng để xây dựng hoàn đảo tiền tiêu này mạnh về kinh tế, vững về quốc phòng...   
Theo: Hà Nội mới