Tin trong nước

Mang dòng điện thắp sáng Cao nguyên đá Đồng Văn

Thứ ba, 6/1/2015 | 10:26 GMT+7
Theo ông Hoàng Văn Thiện, Giám đốc Công ty Điện lực Hà Giang: Trong giai đoạn từ năm 2015-2020, cán bộ công nhân viên chức, người lao động Công ty Điện lực Hà Giang phấn đấu thực hiện hiệu quả mục tiêu 100% thôn bản và 94,4% số hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Hà Giang được sử dụng điện lưới Quốc gia. 

Công nhân Công ty Điện lực Lai Châu đấu nối, kéo điện cho bà con nhân dân xã Nậm Hàng, huyện Nậm Nhùn trong chương trình dự án "Cấp điện cho thôn bản tỉnh Lai Châu". Ảnh minh họa.
 
Công ty Điện lực Hà Giang hoạt động trên địa bàn một tỉnh miền núi, biên giới cực Bắc của Tổ quốc, địa hình chia cắt mạnh, chủ yếu là đồi núi cao, địa chất không ổn định; đất canh tác ít, đồng bào dân tộc thiểu số ở phân tán, thưa thớt; tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao… Cũng như nhiều tỉnh miền núi biên giới khác, đồng bào các dân tộc thiểu số Hà Giang sinh sống ở các thôn bản vùng sâu, vùng xa, biên giới luôn mong ước một giấc mơ là “núi rừng có điện thay sao”. 
 
Được sự lãnh đạo, chỉ đạo, quan tâm đầu tư của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh Hà Giang, trong những năm qua Công ty Điện lực Hà Giang đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao. Tranh thủ sự đầu tư của ngành, cùng với việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút nguồn vốn đầu tư từ các nguồn vốn vay ưu đãi như DEP 1, DEP 2, ADB, KFW... để xây dựng lưới điện. Đến nay, 100% số xã trên địa bàn tỉnh Hà Giang có điện lưới Quốc gia, góp phần làm thay đổi cuộc sống của người dân ở các vùng nông thôn Hà Giang. 
 
Công ty Điện lực Hà Giang đang quản lý 1.209 trạm biến áp với tổng dung lượng 215.190 KVA; quản lý 2.474 đường dây trung áp; trên 2.500 km đường dây hạ áp. Lưới điện Quốc gia đang vươn xa đến các thôn bản, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng cao biên giới của Hà Giang. Mạng lưới điện thường xuyên được nâng cấp, đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội. Tính đến hết năm 2014, Công ty Điện lực Hà Giang đã cung cấp điện cho gần 128.000 hộ dân trên địa bàn, đạt 83,3%. Toàn tỉnh đã có 1.615/2.057 thôn có điện lưới Quốc gia, đạt 78,51% (hiện Hà Giang còn 442 thôn chưa có điện). 
 
Công ty Điện lực Hà Giang đã phối hợp với các ngành chức năng hoàn thành công trình đường dây và trạm biến áp 110 kV Hà Giang - Yên Minh, đường dây và trạm biến áp 110 kV Bình Vàng, kịp thời cấp điện phục vụ sản xuất cho các nhà máy tại khu Công nghiệp Bình Vàng thuộc huyện Vị Xuyên..., góp phần đảm bảo cho việc cấp điện ổn định phục vụ nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Công ty cũng thực hiện tốt chủ trương tiếp nhận lưới điện hạ thế và bán lẻ đến tận hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, mang lại lợi ích, công bằng trong sử dụng điện đối với mọi hộ dân từ thành thị đến nông thôn. 
 
Công ty Điện lực Hà Giang còn đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thu hút đầu tư các nguồn vốn cấp điện cho đồng bào dân tộc thiểu số sống phân tán ở khu vực miền núi xa xôi. Những nơi điều kiện đặc biệt khó khăn thì sử dụng các loại năng lượng khác như: Xe đạp điện, bình ắc quy… phù hợp với chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, góp phần tích cực cho sự phát triển kinh tế, chính trị của tỉnh, giữ vững và ổn định an ninh biên giới Quốc gia. 
 
Tranh thủ tối đa các nguồn vốn của ngành, địa phương, phấn đấu nâng cao hơn nữa tỷ lệ số hộ có điện khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, Công ty Điện lực Hà Giang đã triển khai chương trình thí điểm cấp điện bằng ắc quy cho 50 hộ dân sống phân tán tại xã Linh Hồ, huyện Vị Xuyên. Đây là những hộ đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở xa trung tâm xã đã có điện lưới Quốc gia, song vì số hộ này sống phân tán, khó có khả năng sử dụng điện lưới Quốc gia. Công ty đã cấp miễn phí cho mỗi hộ 1 bình ắc quy, 2 bóng đèn chiếu sáng tiết kiệm điện và 1 ổ cắm điện dây dài 10m để sử dụng chủ yếu cho nhu cầu chiếu sáng và nghe đài; đồng thời, lắp đặt 2 trạm nạp ắc quy trên địa bàn xã và bố trí công nhân trực với khoảng 20 - 25 bình ắc quy đã đầy nhiên liệu để phục vụ các hộ dân đến đổi khi ắc quy hết điện. 
 
Đến Hà Giang hôm nay, có thể cảm nhận rõ sự đổi thay ở nhiều thôn, bản. Những năm trước đây, đồng bào các dân tộc thiểu số thường phải dùng sức người để chế biến nông sản thì nay đã có máy xát gạo, xay ngô, máy sao chè hiện đại. Sau những giờ lao động, đồng bào dân tộc thiểu số đã được nghe đài, xem ti vi để nâng cao kiến thức, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. 
 
Ông Đàm Văn Bông, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang khẳng định: Để sớm đưa Hà Giang thoát khỏi tỉnh nghèo, đặc biệt khó khăn, kém phát triển, những năm qua UBND tỉnh Hà Giang đã xác định giao thông là “mạch máu” và “điện là động lực” trong phát triển kinh tế. UBND tỉnh Hà Giang đã tập trung xây dựng hoàn thành các tuyến đường xung yếu và tìm mọi nguồn vốn đầu tư kéo điện về các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới của tỉnh. Những con đường giao thông huyết mạch đã thường xuyên được đầu tư nâng cấp, mở ra nhiều cơ hội giao thương. Dòng điện Quốc gia đã tạo điều kiện mở mang tầm nhìn và sự hiểu biết của đồng bào dân tộc Hà Giang, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững.
Theo: TTXVN