Mê hồn trận sản phẩm tiết kiệm năng lượng
Thứ năm, 5/2/2009 | 15:54 GMT+7
Nắm bắt tâm lý người tiêu dùng, một số doanh nghiệp kinh doanh điện máy, điện lạnh thi nhau dán nhãn “sản phẩm tiết kiệm năng lượng”.
|
Hiện đa số người dùng quyết định mua các sản phẩm "tiết kiệm điện" theo lời quảng cáo của nhân viên bán hàng.
|
Anh Quang Hà, ngụ đường Tôn Thất Thuyết, phường 15, quận 4, TP HCM đến siêu thị điện máy để mua một chiếc máy vi tính tiết kiệm năng lượng nhưng khi nhờ nhân viên bán hàng giải thích cơ chế tiết kiệm thì nhận được câu trả lời: “vì ít hao điện hơn loại khác”.
Giống anh Hà, chị Lan Chi, Quận Tân Bình dự định mua chiếc máy giặt tiết kiệm điện, nước, nhưng rồi lại thất vọng vì… không biết tem tiết kiệm năng lượng thật hay giả.
Tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội tư vấn khoa học công nghệ và quản lý TP HCM cho biết, hầu hết người tiêu dùng khi mua các sản phẩm điện gia dụng đều nghe theo lời quảng cáo của nhân viên bán hàng. Rất ít người biết phân biệt đâu là sản phẩm tiết kiệm thật, đâu là sản phẩm quảng cáo.
Những người có chút hiểu biết về điện thì dựa vào công suất tiêu thụ điện năng của máy để xác định. Nếu công suất tiêu thụ điện năng thấp thì sản phẩm đó tiết kiệm năng lượng.
Nhưng một số sản phẩm có cùng điện áp, cùng công suất tiêu thụ điện năng thì để xác định cái nào tiết kiệm hơn phải so sánh dòng điện. Nếu sản phẩm nào có dòng điện thấp hơn, sản phẩm đó tiết kiệm hơn. Tất cả các thông số trên người tiêu dùng có thể thấy trên nhãn dán ở sản phẩm.
Ngoài ra, một vài sản phẩm điện gia dụng có dán tem chứng nhận tiết kiệm năng lượng. Nhưng hầu hết là các sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài như Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật… tuy có dán tem tiết kiệm năng lượng nhưng khi được hỏi nhân viên bán hàng cũng lắc đầu không biết là tem gì.
Thậm chí, theo thạc sĩ Mai Tố Nga, Phó giám đốc Trung tâm tiết kiệm năng lượng TP HCM, nhiều đơn vị còn nhầm lẫn tem tiết kiệm năng lượng là tem bảo hành nên gỡ bỏ.
Ở nước ngoài các sản phẩm tiết kiệm năng lượng đều được dán tem tiết kiệm năng lượng để người tiêu dùng biết mà lựa chọn sản phẩm phù hợp.
Tem của Thái Lan còn in rõ nhiều mức tiết kiệm năng lượng như mức 1, 2, 3, 4, 5, trong đó mức 5 là mức tiết kiệm nhất. Ở các nước khác mẫu tem cũng khác nhau, Mỹ có tem ngôi sao năng lượng, châu Âu cũng có tem riêng.
Ở Việt Nam hiện chưa có tem chuẩn riêng cho các sản phẩm này vì hiện chưa có phòng thí nghiệm để đo và chứng nhận sản phẩm đạt chuẩn và cũng chưa kiểm định được các sản phẩm tiết kiệm năng lượng từ nước ngoài.
Ông Nguyễn Thanh Toàn, chuyên viên Phòng kỹ thuật nghiên cứu, Trung tâm tiết kiệm năng lượng TP HCM cho biết: Thông thường sản phẩm tiết kiệm năng lượng có giá cao hơn nhưng nếu làm bài toán tổng thể sẽ giúp người tiêu dùng tiết kiệm được một khoản tiền không nhỏ.
Ví dụ đối với máy lạnh, tính năng tiết kiệm năng lượng phụ thuộc vào hệ số làm lạnh (COP): hệ số này càng cao thì máy càng tiết kiệm năng lượng. Nếu thay máy lạnh có COP = 2,15 bằng máy có hệ số COP = 4,04 thì sẽ tiết kiệm được 47% điện năng tiêu thụ.
Anh Toàn nêu ví dụ, dù mua máy lạnh có hiệu suất thấp với giá 11,5 triệu đồng, còn máy hiệu suất cao là 15 triệu đồng thì trong cùng một điều kiện, sau một năm, máy có hiệu suất cao sẽ tiết kiệm được 3 triệu đồng tiền điện. Hết tuổi thọ của máy có thể tiết kiệm chi phí điện năng bằng 200% giá máy.
Theo: Báo Đất Việt