Vậy mà nước ta vẫn thiếu điện, nhiều nơi phải luân phiên cắt điện, rõ ràng là tiêu thụ điện cho tăng trưởng kinh tế của ta là quá cao, cần tìm giải pháp tiết giảm. Trước mắt, phải tiếp tục đầu tư nhanh hàng loạt dự án mới theo lộ trình đã được hoạch định. Đồng thời phải hết sức coi trọng các giải pháp tiết kiệm điện. Đó là suy nghĩ của người viết bài này:
- Cân nhắc kỹ khi cấp phép đầu tư, cương quyết từ chối những dự án sử dụng công nghệ lạc hậu. Để tạo ra 1 USD, VN phải mất 1,02kWh, trong khi Hàn Quốc, Đài Loan mất khoảng 0,3kWh; Nhật Bản chỉ tốn 0,19kWh. Ngay những công nghệ hiện đại song tiêu tốn nhiều điện năng như: sản xuất thép, luyện nhôm, ximăng, phân bón... nếu chưa cân đối được điện thì cần có kế hoạch “hoãn binh”.
- Quan tâm đầu tư “chống tổn thất điện”. Ở Trung Quốc, tổn thất điện năng trên lưới khoảng 7,4%, trong khi ở nước ta là hơn 11%. Một số khu vực nông thôn mức tổn thất có khi lên đến 20-40%, trung bình là 25%. Hằng năm nông thôn tiêu thụ 6,27 tỉ kWh, thì lượng điện tổn thất đến 1,25 tỉ kWh, tương đương một nhà máy có công suất 300MW chạy liên tục. Các nhà quản lý cho biết chỉ cần giảm tổn thất 1,5-2% là đã tiết giảm hơn 1 tỉ kWh.
- Có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đang hoạt động “đổi mới công nghệ” bằng cách cho vay vốn ưu đãi hoặc được trừ vào các khoản nộp ngân sách khi chi vào việc “đổi mới công nghệ”. Các khu chế xuất và khu công nghiệp tại TP.HCM có đến trên 50% là công nghệ trung bình và dưới trung bình, cần được đổi mới để giảm tiêu hao năng lượng. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ phần lớn là sử dụng công nghệ lạc hậu, không đủ khả năng để đổi mới công nghệ rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước.
- Cần tài trợ dưới hình thức cho vay vốn với lãi suất ưu đãi, miễn hoặc giảm một số loại thuế đối với các doanh nghiệp “sản xuất đèn tiết kiệm điện” (compact huỳnh quang) nhằm đưa giá thành đèn tiết kiệm điện còn tương đương với bóng đèn huỳnh quang. Philippines, Thái Lan, Trung Quốc và một số nước khác có chính sách trợ giá cho người dùng đèn tiết kiệm điện. Dùng bóng đèn tiết kiệm điện lượng tiêu thụ điện sẽ giảm đến 80% so với bóng đèn sợi tóc. Tất nhiên ngành điện phải cố gắng ổn định điện áp. Đối với vùng sâu vùng xa cần cung cấp loại bóng đèn có dao động điện thế rộng (160-240V). Cần có chính sách khuyến mãi trong vòng một năm, mỗi bóng đèn giảm từ 5.000-10.000 đồng. Khi thay bóng mới không quá tốn kém mà tiền điện trả hằng tháng sẽ giảm hẳn, chắc chắn người dân sẽ tự giác thay thế, rõ ràng “vừa ích nước, vừa lợi nhà”. Lúc đó ngành công nghiệp chỉ cần tổ chức sản xuất đủ bóng đèn có chất lượng để cung cấp kịp thời cho dân sử dụng.
- Tất cả các tỉnh thành cần mở cuộc vận động các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, các mạnh thường quân “mua bóng đèn tiết kiệm điện tặng các hộ dân nghèo”. Cách này dễ vận động hơn nhiều so với tặng nhà tình nghĩa, tình thương... Với 7,2 triệu hộ dân ở nông thôn nước ta, nếu mỗi tháng giảm được 50.000-70.000 đồng tiền điện thì sẽ vô cùng có ý nghĩa, ngành điện cũng giảm căng thẳng lo thiếu điện.
Đề nghị các nhà quản lý hãy tập trung bàn kỹ các giải pháp tiết kiệm điện sao cho có hiệu quả nhất đồng thời xem xét lại hệ thống tổ chức, quản lý sao cho khoa học với chi phí thấp nhất, đem lại hiệu quả cao nhất... rồi hãy bàn việc tăng hay giảm giá điện!
- Cần có chính sách đặc biệt ưu đãi nhằm kêu gọi các nhà đầu tư trong, ngoài nước đầu tư sản xuất thiết bị phát điện bằng năng lượng mặt trời, năng lượng gió... Một số nước như Mỹ, Đức, Nhật, Trung Quốc... có tham vọng đến năm 2050 sẽ sản xuất điện từ năng lượng tái sinh với sản lượng đạt đến 25% lượng tiêu thụ của nước mình.
Nước ta với bờ biển dài 3.260km, hàng trăm hòn đảo có người ở, gần như lúc nào cũng có gió, nắng 6-8 giờ/ngày suốt cả năm. “Tiềm năng gió - nắng” vô cùng to lớn song chưa được khai thác đúng mức bởi chưa có công nghiệp sản xuất tuôcbin gió, panen thu năng lượng mặt trời... mà phải nhập khẩu nên giá thành sản xuất điện rất cao... Nguồn điện được tạo ra từ năng lượng sạch, vì lợi ích lâu dài cần có sự trợ giá của Nhà nước.
Khi được sản xuất trong nước giá thành thiết bị sẽ rẻ hơn, song khi đưa vào sản xuất điện thì giá thành vẫn chưa thể cạnh tranh được với năng lượng từ thủy điện, nhiệt điện... do đó Nhà nước cần có chính sách “mua điện giá cao và bán điện với giá thấp” như một số nước đã và đang áp dụng hiện nay để đảm bảo cho nhà đầu tư có thể thu hồi vốn trong 7-10 năm thì mới mong thu hút được đầu tư vào lĩnh vực này (kể cả nguồn điện tạo ra từ khí sinh học, phế liệu nông nghiệp, sóng biển, địa nhiệt...).
Dù phải bù lỗ (mua giá cao, bán giá thấp) song sẽ huy động được nguồn vốn lớn của xã hội để đầu tư sản xuất điện bằng nguồn năng lượng sạch, điều đó phù hợp với xu thế của thời đại và đó cũng là giải pháp “tiết kiệm gián tiếp”.
KS PHAN PHÙNG SANH (Hội Xây dựng TP.HCM)