Giữ gìn bề mặt bếp
Mặt bếp hồng ngoại làm từ kính siêu bền, độ chịu nhiệt cao, chống xước tốt, nhưng không vì vậy mà người dùng có thể kéo lê xoong nồi trên mặt kính. Việc làm này có thể dẫn đến mòn xước, mờ màu sắc bề mặt và khiến bếp hồng ngoại nhanh hỏng.
Bên cạnh đó, người dùng cũng không nên đặt bếp ở bề mặt gồ ghề hay thường xuyên di chuyển bởi trong lúc di chuyển, nếu bếp bị va đập sẽ ảnh hưởng đến độ bền.
Nhìn chung, bếp hồng ngoại nên được bố trí ở nơi rộng rãi, thoáng mát và bằng phẳng, hạn chế để bếp dưới kệ để tránh việc đồ đạc rơi lên bề mặt.
Bề mặt bếp hồng ngoại khá quan trọng, nên tránh các tác động mạnh lên.
Bên cạnh đó, người dùng nên hạn chế lau chùi bếp ngay sau khi nấu ăn. Khi này bếp còn nóng, việc dùng khăn lạnh lau chùi khiến bếp bị sốc nhiệt. Vì vậy, bạn nên chờ màn hình cảm ứng không xuất hiện chữ H (báo hiệu vùng nấu hết nóng) và dùng khăn ướt và mịn để lau chùi. Việc này không chỉ giữ vệ sinh sạch sẽ cho bếp mà còn có tác dụng bảo vệ mặt kính, giảm hiện tượng vỡ kính, giúp các lỗ thông khí của mặt kính được làm sạch.
Ngoài ra, mặt kính chịu nhiệt của bếp hồng ngoại thường không chịu được nồi nấu quá nặng (khoảng 4 kg trở lên). Do vậy, bạn cần hạn chế nấu quá nhiều đồ ăn một lúc hay sử dụng bếp trong thời gian quá dài (trên 2 tiếng). Khi dùng bếp, bạn nên để nhiệt độ vừa phải, đừng sử dụng mức nhiệt tối đa để nấu. Điều này vừa tiết kiệm điện vừa đảm bảo độ bền cho bếp.
Mẹo tiết kiệm điện
Người dùng thường có thói quen ngắt điện ngay khi sử dụng xong các thiết bị vì muốn tiết kiệm điện, tuy nhiên không nên áp dụng điều này cho bếp hồng ngoại sau khi nấu ăn. Việc này khiến quá trình làm mát của bếp chậm lại do quạt tản nhiệt không hoạt động khi bị ngắt nguồn điện. Cách tốt nhất là chờ khoảng 15 - 20 phút để quạt tản nhiệt hoạt động thổi bớt hơi nóng từ bếp ra ngoài rồi mới rút dây nguồn.
Về việc điều chỉnh nhiệt độ, người dùng không nên vội vàng nâng nhiệt độ quá cao ngay lập tức, vừa làm tốn điện năng vừa ảnh hưởng ến tuổi thọ của bếp hồng ngoại. Nhiệt độ bếp nên được nâng theo số tăng từ thấp tới cao, cách nhau khoảng 2 phút một lần, như vậy nhiệt lan tỏa từ từ, tiết kiệm điện năng.
Bên cạnh đó, khi thức ăn gần chín, có thể tắt bếp sớm trước vài phút để tiết kiệm điện. Khi đó, hơi nóng còn lại từ bếp vẫn đủ để làm thức ăn chín hoàn toàn. Tuy nhiên, cách này chỉ nên áp dụng cho thức ăn hầm, xào, không nên áp dụng với đồ chiên.