Hệ thống năng lượng mặt trời tại một nhà máy của Intel ở Việt Nam Ảnh: INTEL
Theo trang Vietnam Briefing, Việt Nam là một trong những thị trường điện lớn ở Đông Nam Á, nhờ vào nguồn tài nguyên giá rẻ như sức nước, than đá. Với nhu cầu năng lượng dự kiến tăng hơn 10%/năm trong khoảng thời gian 2016-2020 và cần công suất điện tăng gấp đôi, Việt Nam đang hướng tới phát triển các nguồn năng lượng tái tạo.
Tấp nập nhà đầu tư
Báo cáo Điện Việt Nam năm 2016 cho hay năng lượng tái tạo - bao gồm mặt trời, gió, sinh khối - chỉ mới chiếm 0,4% trong tổng lượng điện sản xuất được trên cả nước. Tỉ lệ này quá thấp nếu so với tiềm năng của Việt Nam, trong đó năng lượng mặt trời chỉ mới chập chững và năng lượng địa nhiệt, thủy triều gần như mới khai sinh.
Nằm ở khu vực có mức độ bức xạ mặt trời thuộc hàng cao nhất thế giới, cơ hội ngày càng rõ ràng khiến các nhà đầu tư trong nước và quốc tế đang hối hả bắt tay với nhau để khai phá. Trong số các nhà đầu tư trong nước, tích cực nhất phải kể đến Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cùng hướng đi kết hợp sản xuất năng lượng mặt trời và nông nghiệp trên cùng diện tích đất. EVN đã lập dự án điện mặt trời trị giá 8.000 tỉ đồng (khoảng 351,9 triệu USD) ở tỉnh Ninh Thuận, với công suất 200 MW.
Nikkei liệt kê một dự án "khủng" đang được triển khai của Tập đoàn Thành Thành Công, với đầu tư lên tới 1 tỉ USD để xây dựng khoảng 20 nhà máy năng lượng mặt trời ở Tây Ninh, Bình Thuận, Ninh Thuận, Thừa Thiên - Huế và Gia Lai. Tại cuộc họp báo đặc biệt hồi tháng 6 với sự có mặt của nhiều công ty năng lượng lớn trên thế giới như Trina Solar, JA Solar..., TTC tuyên bố mục tiêu của họ là sản xuất 1.000 MW điện mặt trời từ năm 2020 và chi phí sản xuất tối đa là 20 tỉ đồng/MW (khoảng 880.000 USD).
Gỡ khó từ nhà nước
Ngoài Tập đoàn Thành Thành Công, có hơn 30 nhà đầu tư trong và ngoài nước đến từ Hàn Quốc, Pháp, Ấn Độ, Đức, Thái Lan, Na Uy... bắt đầu phát triển các dự án điện mặt trời với công suất từ 20-500 MW, đa phần nằm ở miền Trung và miền Nam. Có thể kể ra Tập đoàn Thiên Tân (có 2 nhà máy điện mặt trời ở Quảng Ngãi, Ninh Thuận), công ty Hàn Quốc DooSung Vina (dự án 66 triệu USD ở Bình Thuận), công ty Singapore Sinenergy Holdings Ltd (dự án điện mặt trời kết hợp nông nghiệp công nghệ cao ở Ninh Thuận, tổng đầu tư 7.920 tỉ đồng, khoảng 348,4 triệu USD), công ty Trung Quốc JinkoSolar (dự án 1.168 tỉ đồng ở Hậu Giang), công ty Nhật Bản Fujiwara (dự án 65 triệu USD ở Bình Định), công ty Nhật Bản Koyo và Tập đoàn Sao Mai (dự án 260 triệu USD ở Đồng Tháp)...
Theo các nhà phân tích, những lý do quan trọng nhất khiến năng lượng mặt trời trở nên đặc biệt hấp dẫn là nhờ giá pin mặt trời giảm khoảng 30%, Chính phủ Việt Nam giảm thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm phục vụ dự án điện mặt trời cũng như quy định EVN phải mua tất cả điện từ những dự án năng lượng với giá 9,35 cent/KWh.
Ngoài năng lượng mặt trời, Việt Nam còn một "kho" năng lượng gió chưa được khai thác. Với hơn 3.000 km đường bờ biển và lợi thế gió mùa, Ngân hàng Thế giới đánh giá 8,6% lãnh thổ Việt Nam phù hợp để phát triển năng lượng gió. Theo trang Lexology, khai thác điện gió còn vấp phải nhiều khó khăn ở Việt Nam, như tuốc-bin phải nhập và khó lắp đặt, thiếu nhân lực chất lượng cao và hạ tầng kỹ thuật, quy trình đầu tư phức tạp...
Các nhà đầu tư trong nước kiến nghị tăng mức giá mua (FiT) lên mức 0,095 USD/KWh để giúp bù đắp những rủi ro khi đầu tư vào lĩnh vực quá mới này. Dự án trang trại gió lớn nhất Việt Nam hiện nay là ở tỉnh Sóc Trăng của Công ty GE Renewable Energy (thuộc tập đoàn Mỹ General Electric), Tập đoàn Mainstream Renewable Power (Ireland) và Tập đoàn Phú Cường của Việt Nam. Được ký kết vào tháng 6-2017, dự án này trị giá 2 tỉ USD và dự kiến sản xuất 800 MW điện gió.