Anh Tuấn tưới mía bằng hệ thống điện năng lượng mặt trời - Ảnh: NGÔ XUÂN
Mô hình này bước đầu đã đáp ứng các nhu cầu sử dụng điện của trang trại này.
Theo Trung tâm Tư vấn công nghiệp và Tiết kiệm năng lượng, hệ thống này khá hiện đại, được Sở Công thương và Công ty CP Đầu tư Phát triển Năng lượng mặt trời Bách Khoa phối hợp triển khai nhằm giới thiệu mô hình khai thác nguồn năng lượng tái tạo vào sinh hoạt, sản xuất. Hệ thống gồm 8 tấm pin năng lượng mặt trời với tổng công suất lắp đặt 2,5kwp, được lắp đặt trên mái nhà trang trại.
Hệ thống pin này sẽ hấp thụ nhiệt từ năng lượng mặt trời, chuyển đổi thành nguồn điện để cung cấp cho hệ thống điện chiếu sáng, sản xuất, bơm tưới tại trang trại. Nguồn điện dư sẽ được tích trong 4 bình ắc quy để sử dụng vào ban đêm hoặc khi trời thiếu nắng. Đặc biệt, hệ thống này còn có một thiết bị cảm biến đo độ ẩm của đất; khi đất khô, hệ thống tự động kích hoạt máy bơm nước tưới mía.
Ngoài ra, chủ trang trại còn có thể sử dụng điện thoại thông minh để kiểm tra nguồn điện đầu vào, kiểm soát lượng điện đã sử dụng cũng như kích hoạt hệ thống bơm tưới từ xa thông qua chương trình giám sát, quản lý. Hệ thống còn có 1 đường dây đấu nối vào lưới điện quốc gia, nếu điện không được sử dụng hết sẽ được phát ngược lên lưới.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, chủ trang trại mía cho biết: Trang trại của gia đình tôi cách xa trung tâm, lại cách điện lưới gần 2km nên không có điện để bơm tưới, sinh hoạt. Trang trại gồm 10ha mía, cây ăn quả, hơn 3.500 con gà, trong đó có hơn 1.000 gà con phải thắp hệ thống đèn sưởi, ấp 24/24 giờ. Trước đây, tôi phải chạy máy phát điện bằng dầu diezen, chi phí mỗi tháng gần 1 triệu đồng.
Những khi phải chạy hệ thống sưởi cho gà con thì tiền dầu tăng thêm 1 triệu đồng/tháng. Riêng tưới nước cho 10ha mía, mỗi tháng tôi chỉ dám tưới 1-2 lần, vì chi phí mỗi lần tưới từ 5-7 triệu đồng. Để có đủ điện phục vụ cho sinh hoạt của cả trang trại tốn khá nhiều kinh phí, lại không ổn định vì máy phát hay bị hư hỏng, trục trặc. Do vậy, khi được tư vấn lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời, tôi đồng ý ngay.
Theo Trung tâm Tư vấn công nghiệp và Tiết kiệm năng lượng, hệ thống tưới mía bằng năng lượng mặt trời có 2 hình thức đầu tư. Nếu đầu tư cả hệ thống điện năng lượng mặt trời sử dụng cho mô hình trang trại vừa trồng trọt, chăn nuôi và sinh hoạt, thì chi phí khoảng 140 triệu đồng/hệ thống, với công suất lắp đặt 2,5kwp; sản lượng điện sinh ra trên 10kWh/ngày (tính trên 4 giờ có nắng). Trong khi đó, những hộ dân chỉ sử dụng điện cho bơm tưới vẫn có thể đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời cùng công suất trên, với chi phí chỉ từ 70-80 triệu đồng.
Thực tế tại trang trại của ông Tuấn cho thấy, sau gần 1 tháng lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời, tổng lượng điện sản xuất được trên 310kWh, đảm bảo cho nhu cầu sử dụng điện của cả trang trại.
Ông Nguyễn Anh Tuấn hào hứng nói: Từ khi đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời, trang trại của gia đình tôi được cấp đủ điện chạy 1 máy bơm 1,5HP, với hệ thống bơm tưới theo hàng để cấp nước cho gần 3ha mía. Với hệ thống này, tôi có thể kiểm soát được nhiệt độ, độ ẩm của rẫy mía, đồng thời kích hoạt hệ thống tưới nước tự động từ xa, nên có thể yên tâm về việc quản lý rẫy mía. Thời gian tới, tôi sẽ tính đến việc đầu tư thêm hệ thống tưới nước bằng năng lượng mặt trời để tưới nước cho toàn bộ 10ha để đảm bảo nâng cao năng suất mía.
Hệ thống điện năng lượng mặt trời rất phù hợp với các trang trại trồng trọt, chăn nuôi, giúp nâng cao hiệu quả kinh tế, tiết kiệm chi phí sản xuất. Nếu người dân có nhu cầu lắp đặt hệ thống này, Trung tâm Tư vấn công nghiệp và Tiết kiệm năng lượng sẽ tư vấn, hướng dẫn để các hộ dân khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên này. Thêm vào đó, Chính phủ đã có cơ chế khuyến khích đối với các dự án điện mặt trời tại Việt Nam, trong đó có mô hình điện mặt trời trên mái nhà.
Võ Xuân Nguyễn- Giám đốc Trung tâm Tư vấn công nghiệp và Tiết kiệm năng lượng (Sở Công thương Phú Yên).
|