Diễn đàn năng lượng

Mong muốn có thêm cơ hội đầu tư vào ngành năng lượng

Thứ sáu, 6/3/2020 | 09:54 GMT+7
Sau hơn 1 năm nhận giấy chứng nhận đầu tư, Dự án Điện gió Hiệp Thạnh, công suất 78 MW tại khu vực bãi bồi ven biển của tỉnh Trà Vinh đã được khởi công xây dựng với mục tiêu vận hành toàn bộ trong nửa đầu năm 2021. 
 
Ông Ti Chee Liang, Chủ tịch Công ty cổ phần Năng lượng tái tạo Ecotech Trà Vinh.
Ông Ti Chee Liang, Chủ tịch Công ty cổ phần Năng lượng tái tạo Ecotech Trà Vinh đã trao đổi về quá trình triển khai dự án này.

PV: Nhận giấy phép từ tháng 8/2018, nhưng tới nay mới chính thức khởi công xây dựng. Lý do của việc chậm trễ này là gì, thưa ông?
 
Ông Ti Chee Liang: Chúng tôi đã bắt đầu thủ tục đầu tư theo luật pháp Việt Nam ngay sau khi được trao chủ trương đầu tư như ký hợp đồng với Công ty Tư vấn xây dựng điện 3 và Viện Năng lượng để chuẩn bị Báo cáo đầu tư và Thiết kế cơ sở cho hai lô V 1.5 và 1.6 với công suất 48 MW và 30 MW (được Bộ Công thương phê duyệt quy hoạch năm 2015); ký thoả thuận đấu nối lưới và các vấn đề kỹ thuật khác với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
 
Tốc độ triển khai dự án bị chậm là bởi dự án điện gió phức tạp hơn các dự án điện mặt trời vì đòi hỏi phải nghiên cứu kỹ điều kiện gió, địa chất địa hình biển và các điều kiện kỹ thuật khác của dự án.
 
Hợp đồng mua bán điện ký bằng tiếng Việt mà không có bản tiếng Anh. Hiện các dự án điện gió và năng lượng tái tạo cũng không có bảo lãnh Chính phủ, bởi thế có nhiều rủi ro hơn các dự án BOT trong ngành điện và cần thời gian để thuyết phục các nhà tài trợ vốn chấp nhận.
 
Đây là một dự án sạch nên các tài liệu liên quan phải đáp ứng yêu cầu nghiêm ngặt về môi trường theo chuẩn quốc tế, nhất là đánh giá tác động môi trường và xã hội, điều này đòi hỏi mất thời gian.
 
Ngoài ra, thị trường điện gió hiện nay đang rất nóng đối với các nhà cung cấp thiết bị có uy tín. Siemens Gamesa và các nhà sản xuất có tên tuổi khác đang đầy đơn hàng và họ chỉ chấp thuận cung cấp tua-bin cho các dự án mà chủ đầu tư có uy tín nhằm nhanh chóng hoàn thành dự án mà họ cung cấp thiết bị và giữ uy tín cho chính họ.
 
Các vấn đề này đã được chúng tôi khắc phục và vượt qua với sự hỗ trợ tích cực từ các bên liên quan của Việt Nam. Bộ Công thương, EVN đã phê duyệt thiết kế cơ sở trong tháng 6/2019 và sớm ký hợp đồng mua bán điện. Chính quyền tỉnh Trà Vinh cũng hỗ trợ nhanh chóng công tác giải phóng đền bù và tới nay, nhà đầu tư đã nhận được đất sạch khu vực nhà máy chính và trạm biến áp để tiến hành khởi công.
 
PV: Giá mua điện gió được phê duyệt là 9,8 UScent/kWh cho dự án ngoài khơi và 8,5 UScent/kWh cho dự án trên bờ vào vận hành thương mại trước tháng 11/2021. Ông thấy mức giá này đủ hấp dẫn các nhà đầu tư hay chưa?
 
Ông Ti Chee Liang: Giá điện 9,8 UScent là yếu tố rất quan trọng để dự án khả thi. Tuy nhiên, đây chỉ là một yêu cầu, các nhà tài trợ vốn còn quan tâm tới rất nhiều yếu tố khác như uy tín nhà đầu tư, khả năng thực hiện dự án, các điều khoản của hợp đồng mua bán điện, chất lượng thiết bị và dự án có đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường hay không.
 
Quỹ đầu tư Xanh bao gồm CIO và ST International rất quan tâm tới các dự án xanh. Họ tiếp cận cho vay nhiệt tình hơn các ngân hàng truyền thống, nắm kỹ hồ sơ rủi ro của các dự án điện gió và có tinh thần hợp tác rất cao nên giúp dự án khắc phục nhanh chóng các vấn đề liên quan tới môi trường.
 
Dự án BOT Duyên Hải 2 đang khẩn trương về đích.
 
Tại Dự án Hiệp Thạnh, các tua-bin gió đầu tiên sẽ được chạy vào đầu năm 2021 và toàn bộ dự án sẽ vận hành vào giữa năm 2021. Chúng tôi cũng đặt mục tiêu đi vào vận hành thương mại sớm hơn nữa và trở thành dự án điện gió đầu tiên đi vào vận hành thương mại tại Trà Vinh.
 
PV: Vậy còn điều gì khiến các ông lo lắng trong quá trình triển khai dự án nữa không?
 
Ông Ti Chee Liang: Hiện chưa có quy định rõ ràng về thuê mặt biển, phục vụ xây dựng điện gió ven bờ, khiến nhà đầu tư và cấp có thẩm quyền phải cân nhắc kỹ.  Chúng tôi đang trao đổi với Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc thuê mặt biển theo diện tích chân cột tua-bin hay cả khu vực mặt biển, bởi điều này sẽ tác động tới chi phí đầu tư và vận hành trong khi giá bán điện đã cố định.
 
Các dự án điện gió ven bờ chưa có các quy định ưu đãi về thuê biển và ưu đãi thuế như các dự án điện gió trên bờ. Vì vậy, chúng tôi mong rằng, thời gian tới Chính phủ sẽ có những quy định để khuyến khích nhà đầu tư trong việc phát triển các dự án điện gió ven bờ.
 
PV: Ông có nghĩ mình sẽ tiếp tục đầu tư làm điện gió tại Việt Nam?
 
Ông Ti Chee Liang: Hiện tại, các nhà máy điện gió không có hiệu quả cao trong việc cấp điện phụ tải nền, nhưng khoảng cách này chắc chắn sẽ được thu hẹp trong tương lai gần với sự phát triển của công nghệ. Với ưu thế xanh, sạch và có số lượng giờ phát điện khá tốt, có thể lên tới 4.000 giờ/năm, gấp đôi điện mặt trời, nên cần có sự ưu tiên phát triển loại hình năng lượng này.
 
Nếu Janakuasa (nhà đầu tư có cổ phần lớn tại Dự án Điện gió Hiệp Thạnh), được trao tiếp các cơ hội đầu tư cho các dự án điện gió ở Việt Nam, chúng tôi sẽ triển khai ngay. Qua 2 dự án đang triển khai ở Việt Nam, chúng tôi nhận thấy, các cơ quan chức năng cũng sẵn sàng hỗ trợ nhà đầu tư trong khuôn khổ pháp luật để tìm ra giải pháp cùng có lợi.
 
Dự án Điện gió Hiệp Thạnh đặt kế hoạch vận hành thương mại toàn bộ trong nửa đầu năm 2021.
 
PV: Đang có làn sóng đầu tư vào làm điện gió tại nhiều địa phương ở Việt Nam. Từ thực tế của mình, ông có lời khuyên nào không?
 
Ông Ti Chee Liang: Trước hết, nhà đầu tư cần phải hiểu khung pháp lý của ngành năng lượng Việt Nam và giải thích khung pháp lý này cho các nhà tài trợ quốc tế. Ví dụ như hợp đồng mua bán điện dù được ký bằng tiếng Việt vẫn có thể tài trợ vốn được. Khả năng tài trợ vốn cho hợp đồng mua bán điện không nằm ở ngôn ngữ được ký, mà là các rủi ro được xác định trong hợp đồng. Các nhà tài trợ nước ngoài hiểu các rủi ro, nhưng trước tiên, nhà đầu tư phải hiểu các rủi ro này trước đã.
 
Các nhà đầu tư cũng phải nghiên cứu kỹ điều kiện gió, mặt biển và cần phải lắp đặt cột đo gió trước khi đệ trình báo cáo khả thi. Nhà đầu tư phải tìm hiểu kỹ càng thông số của dự án tại điểm dự kiến xây dựng.
 
Tiếp đó, cần phải cân nhắc và nghiên cứu các vấn đề về đấu nối lưới. Lựa chọn tua-bin phù hợp để đáp ứng yêu cầu của dự án và vay vốn là điểm quan trọng. 
 
Chúng tôi rất vui nếu Janakuasa trở thành đối tác đầu tư cho các dự án mới. Từ kinh nghiệm của mình khi kêu gọi được tài trợ của các tổ chức tín dụng quốc tế đã cho thấy, xây dựng nhà máy điện gió ở Việt Nam có thể đáp ứng được các yêu cầu nghiêm ngặt về môi trường và xã hội như ở châu Âu. Điều này rất quan trọng đối với Việt Nam vì chúng ta phải cạnh tranh với những nhà đầu tư tốt nhất trên thế giới cũng đang cổ xúy cho năng lượng xanh ở khắp nơi.
 
PV: Janakuasa còn là nhà đầu tư tại Dự án BOT Nhiệt điện Duyên Hải 2 cũng ở Trà Vinh, với trông chờ bổ sung thêm nguồn cho khu vực miền Nam đang thiếu. Tiến độ của dự án này ra sao, thưa ông?
 
Ông Ti Chee Liang: Dự án nhiệt điện BOT Duyên Hải 2 đang được xây dựng đúng tiến độ và chất lượng tốt. Trước đây chúng tôi cũng gặp phải một số khó khăn trong quá trình xây dựng, nhưng với sự hỗ trợ của Bộ Công thương, EVN, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Trà Vinh, chúng tôi đã khắc phục được các khó khăn này và tin tưởng sẽ đạt mốc tiến độ đề ra. 
 
Cụ thể, tổ máy đầu tiên sẽ vận hành vào tháng 6/2021 như cam kết trong hợp đồng mua bán điện. Hiện chúng tôi đang nỗ lực để hoàn thành sớm tiến độ từ 3 đến 6 tháng, tuy nhiên, cũng rất thận trọng không để tình hình bệnh dịch Covid-19 ảnh hưởng tới tiến độ này.
 
PV: Một số địa phương không mặn mà với các nhà máy nhiệt điện than. Với tư cách là nhà đầu tư cả nhiệt điện than lẫn điện gió, ông có bình luận gì về vấn đề này?
 
Ông Ti Chee Liang: Chúng tôi luôn tôn trọng ý kiến của nhân dân về nhiệt điện than, lo ngại của họ về những ảnh hưởng tiêu cực. Song cần phải đánh giá vấn đề trong một bức tranh tổng thể và đúng bối cảnh.
 
Nhiệt điện than rất cần cho quốc gia có nhu cầu nhiều điện để phát triển kinh tế như Việt Nam. Nhiệt điệt than được chạy phụ tải nền, đảm bảo cung cấp điện liên tục ổn định cho hệ thống, tránh cắt điện ở các nhà máy sản xuất công nghiệp tại Việt Nam.
 
Với yêu cầu sản xuất điện đáp ứng nhu cầu phát triển mà vẫn đảm bảo tiêu chuẩn môi trường, chúng tôi đã chọn công nghệ siêu tới hạn cho Nhà máy Duyên Hải 2. Công nghệ này đắt hơn nhiều so với thông số dưới tới hạn nhưng ít phát thải hơn.
 
Các cơ quan về môi trường của Việt Nam cũng sẽ có các giám sát thường xuyên thông qua việc quan trắc online các thông số liên quan đến khí thải, nước thải… ngay khi nhà máy bắt đầu đi vào hoạt động, đảm bảo thực hiện đúng các quy định về môi trường.
 
Sự có mặt của Duyên Hải 2 và Hiệp Thạnh không chỉ mang tới một nguồn vốn đầu tư từ bên ngoài cho Việt Nam, mà còn chứng tỏ các tổ chức tín dụng quốc tế rất ủng hộ chính sách và cơ cấu phát triển của Việt Nam. Tôi cho rằng, đây là lợi ích to lớn với Chính phủ và nền kinh tế Việt Nam.

Link gốc
Theo: Báo Đầu tư