Đội Hotline 2 luôn nỗ lực thực hiện công việc kịp thời, an toàn trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Tận mắt chứng kiến những “chiến sỹ” ngành điện đang nỗ lực “chiến đấu” trên mặt trận thi công, sửa chữa, bảo dưỡng lưới điện trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh, tôi càng thấu hiểu những vui, buồn, khó khăn vất vả của các đồng nghiệp.
5 giờ 45 sáng, đường phố vắng lặng như ngày Mùng 1 Tết vì Buôn Ma Thuột đang thực hiện Chỉ thị 16 về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19. Chiếc xe chuyên dùng lăn bánh, trên xe là tôi cùng 05 anh em thuộc nhóm công tác với khuôn mặt rám nắng, những đôi mắt sáng lấp ló đằng sau những chiếc khẩu trang y tế. Có lẽ những ngày làm việc liên tục trong dịch bệnh đã làm các anh bớt đi cái vui tươi, rộn rã ngày thường. Địa điểm đến là huyện EaKar - nơi đang có nhiều ca nhiễm virus Covid-19 với lộ trình khá xa, ngót nghét bảy chục cây số.
Như để phá tan không khí đó, anh phụ trách nhóm nói: “Hôm nay có “nhà báo” đi cùng, nhóm sẽ trích quỹ mời một ổ bánh mì lót dạ”. Tôi bật cười nhưng trong lòng chợt thấy xót xa, khối lượng công việc rất nặng với 07 nội dung công tác như ngày hôm nay mà ăn sáng chỉ với một ổ bánh mì thôi sao? Như hiểu được tâm trạng, anh Trường – thành viên đội nói: “Bánh mì là xa xỉ rồi đó, có hôm anh em phải nhịn ăn sáng do phải đi từ lúc 5 giờ sáng, quán xá thì đóng cửa nên làm tới chín, mười giờ mới nghỉ giải lao, ăn sơ sơ chút bánh ngọt thôi em”.
Xe ghé Km19 - Quốc lộ 26, một anh trong đội đeo khẩu trang, mặc đồ bảo hộ y tế xuống xe đi tới một xe bán bánh mì. Lúc quay lại trên tay là những ổ bánh mì nóng hổi, kèm theo một ly cà phê dành riêng cho tôi vì anh em không uống cà phê trước lúc làm việc.
7 giờ 10 phút, xe đến hiện trường, hôm nay công tác đầu tiên là tách lèo nhánh rẽ tại một vị trí trên đường dây 472EKA phục vụ sửa chữa lớn. Anh chỉ huy hiện trường kêu lớn: “Thổi kèn thôi anh em ơi, tranh thủ để 7 giờ rưỡi chiến nào”, tôi đang ngơ ngác thì thấy một anh xách bịch bánh mì đi tới, chia cho mỗi người một ổ. Mỗi người một góc, lặng lẽ nhai chiếc bánh mì đã dai nhách do mua từ sớm. Đây có lẽ là lần ăn bánh mì khó nhai nhất từ trước đến nay của tôi. Anh Dũng – Đội trưởng cười lớn, đưa tôi chai nước lọc nói vui: “Dân văn phòng ăn không quen đâu...”.
Năm phút sau, anh em đã xong bữa sáng, tôi thì mới được “nửa đường”. Công việc bắt đầu. Cả nhóm bắt tay ngay vào công việc, không ai bảo ai, mỗi người một việc răm rắp như những chiếc máy đã lập trình sẵn. Người lập rào chắn, người lái xe vào vị trí, người chuẩn bị vật tư, thiết bị. Sau đó họ tập trung ngay trước vị trí để nghe anh chỉ huy trực tiếp phổ biến phương án thi công, phân công công việc cho nội dung công tác này; đồng thời kiểm tra trang bị, dụng cụ bảo hộ lao động và các vấn đề khác. Ngay lúc đó một nhân viên vận hành của Điện lực Ea Kar chạy xe máy tới để làm thủ tục cho phép làm việc.
7 giờ 35 phút, điện thoại reo lên, thủ tục cho phép làm việc bắt đầu. Mỗi người một việc, nhuần nhuyễn và chính xác. Tiếng anh chỉ huy trực tiếp vang lên đều đều, chỉ huy từng hạng mục công việc một cách cực kỳ chính xác. Tôi mê mẩn nhìn lên, dưới bầu trời xanh ngắt là những chiếc mũ lấp lánh ánh vàng rực rỡ.3
8 giờ, công việc kết thúc, mọi người nghiêm túc và cẩn trọng rút khỏi vị trí, thu dọn hiện trường và vệ sinh thiết bị, xếp đồ vào tủ. Anh chỉ huy trực tiếp thông báo, hôm nay thời gian tách lèo là 25 phút, rất tốt. Ngay sau khi khóa phiếu công tác là họp nhanh 5 phút để rút kinh nghiệm, thông báo lại địa điểm công tác tiếp theo. Chợt nhớ là sáng nay anh Đội trưởng thông tin là có 07 công tác, tôi chạy vội đến tiệm tạp hóa gần đó mua một ít nước ngọt và bánh khô. Khi mang về anh Đội trưởng ngăn lại, bảo tôi đứng yên, sau đó xách chai cồn khử khuẩn xịt từ đầu xuống chân, xịt luôn cả bịch bánh mới cho tôi lại gần.
Xe lại lăn bánh, hiện trường tiếp theo cách đó 3km, cũng lại là công tác tách lèo phục vụ sửa chữa lớn. Tới nơi, công việc lại được triển khai và hoàn thành đúng như kế hoạch. Lần này xuất hiện một vấn đề nhỏ, trụ điện vị trí tách lèo có một tổ ong ruồi nhỏ mới đến, rất may là ngay chân trụ nên không ảnh hưởng đến việc triển khai công việc. Anh đội trưởng phê bình người được phân công chỉ huy trực tiếp khi khảo sát hiện trường không kỹ, nhưng thực ra khi khảo sát thì tổ ong còn chưa có. Mọi người lại vui vẻ lên đường, lúc này đã là 9 rưỡi sáng.
Đội trưởng thông báo, công tác tiếp theo là thay 03 quả sứ vỡ tại ba vị trí, đội sẽ làm liên tục mới nghỉ ăn trưa và quay về đấu lại lèo hai vị trí đã tách sáng nay. Tôi tò mò hỏi, ăn trưa thì ăn ở đâu và các anh ăn gì? Một anh trong nhóm tếu táo trả lời rằng, gần chỗ thi công có quán cơm, khi đi khảo sát hiện trường thì đã khảo sát luôn bữa ăn trưa rồi.
Tới hiện trường, anh chỉ huy trực tiếp báo Điện lực hẹn 10 giờ 15 phút sẽ tổ chức cho phép làm việc, còn 15 phút, đề nghị cho giải lao sau khi chuẩn bị vật tư, thiết bị. Sau đó cả nhóm ngồi cạnh xe chuyên dụng nghỉ giải lao chờ người cho phép. Ngồi bên cạnh anh đội trưởng tôi thắc mắc hỏi về số ngày nghỉ trong tháng, khối lượng công việc đã thực hiện. Anh Dũng cho biết, hầu như các ngày trong tuần, kể cả thứ bảy, Đội đều có công tác. Từ đầu năm đến hết tháng 7, toàn đội đã thực hiện 771 phiếu công tác (668 công tác Hotline, 103 công tác phối hợp với đơn vị vệ sinh cách điện), bình quân 110 công tác 1 tháng, hơn 3,5 công tác trên ngày.
Anh cho biết thêm, bình thường đi làm đã rất vất vả, trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp lại càng khó khăn, nguy hiểm với nhiều nguy cơ, trong đó có cả công tác hậu cần. Mục tiêu kép hoàn thành công việc và đảm bảo an toàn cho mọi người đang được đưa lên hàng đầu. Anh nhớ lại mấy ngày trước, Đội đã thi công ngay một Buôn đang có nhiều ca nhiễm Covid-19 ở xã CưPui, huyện Krông Bông. Tinh thần của mọi người cực kỳ căng thẳng và lo lắng, tuy nhiên với các biện pháp bảo vệ nghiêm ngặt anh em đã thực hiện công việc an toàn.
Công việc lúc này vẫn tiếp tục, Đội lần lượt thay xong ba quả sứ vỡ, lúc này đã là 12 giờ 30 phút. Tôi gần như kiệt sức, các anh trong đội động viên, sắp được tiếp nước rồi, hôm nay thế nhưng lại được nghỉ khá sớm, có hôm bọn tôi ăn cơm lúc 1 giờ rưỡi chiều, ăn xong là làm luôn không nghỉ trưa đâu. Một anh được phân công đi mua cơm hộp, cả đội ngồi chờ dưới rặng cây keo. Tôi tranh thủ cùng cả đội xem lại một vài bức hình đã chụp, giây phút này mọi người như bỏ hết những mệt nhọc sau một buổi sáng cật lực thi công với những nụ cười rạng rỡ.
Sau bữa cơm trưa, Đội nhận được thông tin từ Điện lực là công tác sau các điểm tách lèo đã xong, cần triển khai ngay công tác Hotline đấu lèo. Thế là chưa kịp nghỉ trưa, lại phải chạy ngay về vị trí đấu lèo. Tôi hỏi anh Mạnh – một người trong Đội công tác rằng bình thường anh em có nghỉ trưa không? Anh trả lời, còn tùy vào khối lượng công việc hằng ngày, bọn tôi thường mang theo “bảo bối”, ăn trưa xong buộc vào gốc cây, tranh thủ chợp mắt lấy lại sức. Thì ra bảo bối chính là chiếc võng.
Các công việc kết thúc vào 15 giờ 30, Đội đã thực hiện xong hai công tác đấu lèo, trên trời cao những đám mây đen đã giăng kín, báo hiệu cơn mưa thường nhật của mùa mưa Tây Nguyên. Các anh cũng kể thêm, mùa này đi thi công gặp mưa là chuyện bình thường, có hôm vừa đứng lên gàu, mưa như trút đành phải tạm hoãn công việc, ai cũng ướt.
Trên đường về, tôi thầm nghĩ, để giữ cho dòng điện hằng giờ hằng phút đi khắp mọi nẻo đường cấp điện phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước, nhiều con người đã phải không kể mưa - nắng, ngày - đêm vất vả, cực khổ thi công, xử lý sự cố, bảo trì, bảo dưỡng thiết bị… trong đó có những anh chàng đáng yêu này. Lần tới, khi đi cùng các anh, chắc chắn tôi sẽ mang theo một ít quà!