Ước ao của một
người thầy
"Tôi sống được mấy năm nữa đâu, nhưng mừng lắm. Bọn trẻ từ giờ trở đi sẽ được sung sướng trong ánh điện. Cây đèn dầu này cất vào tủ làm kỷ niệm được rồi".
Bà Dương Thị Tề. |
“Alô, ra đảo Bé chơi đi chú, có điện rồi khỏi lo nữa nghen. Ra thầy đãi bia xịn uống mừng với đảo” - thầy Kính cười lớn qua điện thoại.
Vậy là mong ước của “Người thầy khai chữ ở đảo An Bình” đã trở thành sự thật. 100 hộ dân trên đảo dịp Tết Bính Thân này sẽ lần đầu tiên được tận hưởng cảm giác sống cùng ánh điện.
Cách đây bốn năm, chúng tôi đến đảo Bé lúc thầy Kính đang giảng dạy cùng lúc lớp 3 và lớp 4, dù học gộp vậy mà lớp chỉ có hơn chục em học trò.
Hôm đó thời tiết nóng hầm hập, phòng học mở hết cửa sổ để hứng gió biển vậy mà cả thầy và trò phải dùng quạt giấy xua đi cái nóng như nung giữa trưa.
Người thầy đầu tiên đứng lớp dạy chữ cho trẻ em đảo Bé lúc đó bảo rằng khi trời nóng quá thì đó là cách duy nhất để thầy và trò hoàn thành buổi học.
Thầy Kính lớn lên ở xã đảo An Bình, năm 1988 lúc vừa tròn 17 tuổi, anh gom hơn 40 trẻ em ở đảo Bé lại dạy xóa mù chữ. Rồi anh trở thành thầy giáo duy nhất ở đây.
Cái đêm cách đây bốn năm, chúng tôi ngồi câu cá cùng thầy Kính, lúc đó ông kể rất nhiều chuyện về cuộc đời một đứa trẻ ở đảo Bé, sinh ra và lớn lên bên ánh đèn dầu, nhà khá lắm thì có cái bình ăcquy thắp bóng đèn nhỏ tí le lói dùng ăn cơm khi có khách quý ghé nhà.
Ông chỉ sang đảo Lớn (hai xã An Hải và An Vĩnh) nói: “Dân bên này chỉ ước có điện bằng một nửa đảo Lớn cũng được (trước khi có điện lưới quốc gia, đảo Lớn mỗi ngày được phát điện sáu giờ vào buổi tối). Nhiều khi mình nghĩ thứ ánh sáng ấy văn minh đến lạ. Nhìn sang mà thèm”.
Một năm trước, trong ngày Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thực hiện nghi thức đóng điện, đảo Lớn chính thức hòa cùng điện lưới quốc gia.
Ngày đó thầy Kính cũng có mặt, ông chen trong hàng nghìn người dân đảo Lớn hòa cùng niềm vui đón điện. Giữa trưa mà tiếng nhạc rộn ràng khắp đảo.
Thầy Kính tâm sự: “Mình mừng cho bà con đảo Lớn nhưng buồn cho dân đảo mình. Chỉ cách có hơn 2 hải lý mà hồi nào giờ đảo Bé chẳng biết điện là gì”.
Buổi trưa hôm ấy, ông cùng vài người đàn ông lên tàu trở về đảo Bé. Mấy người đàn ông cả đời biển khơi mang theo mấy bình ăcquy mới mua, về để tích trữ điện dùng buổi tối từ mấy trụ điện mặt trời được lắp quanh đảo.
Họ giới thiệu với du khách mấy câu gọn lỏn: “Qua đảo Bé chỉ cần tắt điện thoại là mọi người trở về với cuộc sống hoang sơ. Ai muốn sống ngày bình yên không vướng bận gì thì qua ở thử cho biết”.
Rồi mấy tháng trước, Tổng công ty Điện lực miền Trung đi khảo sát đảo Bé, đưa dây, máy móc, trụ điện... ra đảo. Rất đông phóng viên đi theo đưa tin, thầy Kính còn hồ nghi hỏi chúng tôi: “Có thật là Nhà nước kéo điện cho dân không?”.
Khi chính ông Nguyễn Thanh, chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, khẳng định tết này đảo Bé sẽ có điện sử dụng 24/24, ông Kính liền lấy chiếc xe đạp chạy quanh đảo thông báo tin mừng như một sự kiện trọng đại của quốc gia.
Đảo nhỏ hân hoan
Ước mơ của thầy Kính cũng giống như 500 con người ở xã đảo An Bình. Đã gần 80 tuổi, bà Dương Thị Tề gắn bó trọn cuộc đời mình với đảo Bé, chưa bao giờ bà dám nghĩ ở cái tuổi gần đất xa trời cuộc đời bà lại được sống trong cảnh có điện.
Đang dùng khăn lau chiếc đèn dầu, thứ đã gắn bó với bà cả cuộc đời, rồi nhìn ra trụ điện thẳng tắp, dây được kéo từ đó về tận côngtơ điện của nhà mình, bà Tề nói: “Tôi sống được mấy năm nữa đâu, nhưng mừng lắm.
Bọn trẻ từ giờ trở đi sẽ được sung sướng trong ánh điện. Cây đèn dầu này cất vào tủ làm kỷ niệm được rồi”.
Khi những công đoạn kéo điện và đóng điện cuối cùng sắp hoàn thiện, dân đảo An Bình đã tranh thủ sang đảo Lớn sắm tivi, tủ lạnh...
Sự hồ hởi này giống như tết năm ngoái đảo Lớn sốt đồ điện tử khi nhu cầu người dân tăng đột biến, ai cũng mua về nhà sử dụng như một cách chào đón điện lưới quốc gia vượt biển ra Lý Sơn.
Cách nhà bà Tề không xa, ông Bùi Cao cũng đã sắm cho mình một cái tivi to đùng. “Tết này có điện chắc là đảo vui lắm. Dân tui giờ chẳng thua gì dân đảo Lớn” - ông Cao hào hứng.
Những người phụ nữ cả đời ở đảo Bé hôm nay ngồi tụ lại trò chuyện, ngoài con cá, củ hành thì trong câu chuyện của họ còn có cả chuyện tivi nhà này bao nhiêu tiền, tối qua phim có hay không, sắm cái tủ lạnh chưa để trữ cá cho tươi lâu...
Người dân đảo Bé hạnh phúc trong những ngày giáp tết khiến chính quyền huyện Lý Sơn cũng vui theo.
Ông Lê Thanh Tùng - Giám đốc Điện lực Lý Sơn, đơn vị trực tiếp thi công dự án - nói rằng dự án được triển khai với tiến độ nhanh nhất có thể dù liên tục gặp phải khó khăn do thời tiết xấu, vận chuyển trang thiết bị gặp nhiều trở ngại.
“Hơn một tuần qua chúng tôi đã hoàn thành việc lắp đặt và cấp điện cho xã đảo An Bình. Ngành điện rất vui vì đã hoàn thành trọng trách phục vụ người dân. Lúc thi công nhìn bà con tay bắt mặt mừng mời ly nước mà lòng ai cũng vui. Tết này là một cái tết hạnh phúc của bà con đảo Bé và cũng là của ngành điện” - ông Tùng nói.
Đảo Bé - xã đảo An Bình cũng là xã cuối cùng của tỉnh được phủ điện. “Vùng trũng” điện lưới An Bình từ nay sẽ xóa sổ, đảo tiền tiêu này từ nay đêm về không còn ánh đèn dầu leo lét như bao đời nữa mà đã được thay bằng đèn điện bừng sáng.
Ông Nguyễn Thanh nói: “Năm mới sắp sang, cuộc sống của người dân xã An Bình sẽ thay đổi nhờ điện”.
Không để mất điện
Ngày 22-1, Tổng công ty Điện lực miền Trung đóng điện, cấp điện cho 100 hộ dân tại xã đảo An Bình.
Công trình có tổng vốn đầu tư gần 5 tỉ đồng gồm hai tổ máy diesel phát điện với công suất mỗi máy 110kVA, hệ thống đường dây phân phối dài 1.438m theo trục đường giao thông chính và bốn nhánh rẽ có chiều dài 1.460m qua khu vực dân cư và nơi canh tác của người dân.
Ngành điện còn hỗ trợ lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng cho toàn bộ hộ gia đình trên đảo bao gồm dây dẫn vào nhà, tủ bảng điện, bóng đèn compact. Ngành điện cũng có phương án vận chuyển, trữ dầu diesel trong mùa mưa bão để không bị gián đoạn việc cấp điện cho người dân. |