Công nhân EVNHANOI kiểm tra đảm bảo cấp điện Tết tại TBA Hồ Hoàn Kiếm. Ảnh minh họa: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Họ phải tạm xa tổ ấm gia đình, gác lại những việc riêng tư để bảo đảm cung cấp điện an toàn, liên tục, giúp người dân được đón Tết trọn vẹn.
Không sợ khó, không sợ khổ, chỉ sợ...không có điện
Ông Nguyễn Văn Hạnh – Phó Giám đốc PC Kon Tum cho biết, các cán bộ, nhân viên ngành điện đều xác định tinh thần không sợ khó, không sợ khổ, chỉ sợ… không có điện. Lúc mọi người nghỉ ngơi, vui chơi thì người thợ điện phải tập trung hơn cho công việc. Việc giữ an toàn trong ngành điện là việc luôn phải có kế hoạch cụ thể từ chuẩn bị vật tư đến nhân lực để phục vụ nhân dân tốt nhất và việc làm này được thực hiện quanh năm. Nhưng riêng trong thời gian Tết Nguyên đán, ngành điện chú trọng và tập trung hơn. Không chỉ những ngày chính Tết mà từ trước đó, ngành điện đã lập kế hoạch, phối hợp với các huyện, thành phố tăng cường nguồn nhân lực để bảo trì, sửa chữa các trạm biến áp trung gian, thường xuyên kiểm tra đường dây và trạm biến áp, vệ sinh sứ đối với các vùng thường xuyên có bụi bẩn... Nhưng điện là thế, dù đã kiểm tra bảo dưỡng đúng quy trình kỹ thuật, lưới điện đã sẵn sàng, an toàn cho ngày Tết, song những người thợ điện luôn phải đề cao cảnh giác, sẵn sàng ứng phó với những sự cố khách quan có thể xảy ra ngay trong những ngày đầu năm.
Thợ điện là nghề vất vả, lắm khó khăn, nhất là với những thợ điện ở vùng sâu, vùng xa, công việc càng nhọc nhằn hơn. Ngày thường đã thế, những khi Tết đến, xuân về họ còn thiệt thòi nhiều hơn, vì nhiệm vụ, hầu hết cán bộ, nhân viên đều phải gác lại “tình riêng” để giữ cho dòng năng lượng quê hương luôn toả sáng.
Ăn Tết trên trụ điện, đường dây
Anh Thái Văn Tuấn – Đội trưởng Đội lưới (Điện lực Kon Plông) chia sẻ: “12 năm công tác trong ngành điện, có đến chục năm tôi ăn Tết ở cơ quan và phần lớn đều trực vào những thời gian cao điểm như đêm giao thừa và ngày mùng Một Tết. Địa bàn huyện Kon Plông rất rộng, hệ thống lưới điện toàn đi qua địa hình phức tạp, hiểm trở, chỉ cần một tác động nhỏ là cũng nhỏ là đã xảy ra sự cố nếu ngày nắng thì còn đỡ chứ ngày mưa thì toàn phải cuốc bộ, có điểm xa nhất phải đi bộ cả chục cây số mới tới nơi. Chuyện ăn tết trên trụ điện, trên đường dây không phải là chuyện lạ, chuyện hiếm với những thợ điện như tôi. Nếu nói là không chạnh lòng thì cũng không đúng bởi ai không thấy bùi ngùi khi mọi người, mọi nhà đều được quây quần bên gia đình, còn mình là vẫn phải “trực chiến”, thế nhưng, anh em đều xác định rõ tinh thần trách nhiệm và đặc biệt là niềm hạnh phúc khi thấy mọi vùng quê, mọi hoạt động của người dân được trọn vẹn vì dòng điện thông suốt”.
Anh Tuấn nhớ lại kỷ niệm Tết năm 2013, sáng sớm ngày mùng Một Tết, anh nhận được tin báo mất điện của người dân làng Đăk Tăng (cũ), xã Măng Bút. Thế là, anh em trong Đội lưới tức tốc mang theo đồ nghề lên đường. Nhưng vì điểm xảy ra sự cố nằm ở tận trên núi cao, không thể đi xe máy đến nơi nên các anh phải gửi lại xe rồi đi bộ cả tiếng mới đến nơi. Cũng may sự cố không phức tạp, chỉ bị tuột lèo nên các anh nhanh chóng đấu nối, cấp điện trở lại cho bà con. Khi xong việc, quay về đến cơ quan thì cũng đã gần hết ngày mùng Một Tết. Mệt đó, nhưng ai cũng vui vì thấy bà con trong làng rất hớn hở khi dòng điện thông suốt trở lại.
Còn với anh Lê Quốc Toàn – Đội trưởng Đội quản lý đường dây và trạm biến áp Điện lực Kon Rẫy, 21 năm trong ngành, đa phần các năm anh đều ăn Tết muộn với gia đình. Gia đình anh ở Quảng Ngãi, một mình lên công tác ở Kon Tum, thông thường, trước Tết, anh về nhà vài ngày rồi đến 29 – 30 tháng Chạp anh quay lại cơ quan để trực Tết và đến mùng Hai, mùng Ba anh mới về và gia đình anh dường như cũng đã quen với việc ăn Tết vắng anh.
Anh Toàn quan niệm: “Công nhân vận hành đường dây và trạm biến áp cũng giống như người lính, ngày Tết chính là cao điểm “trực chiến”, giữ cho dòng điện vận hành an toàn, thông suốt. Những sự cố có thể xảy ra mọi lúc, mọi nơi và người thợ đường dây luôn phải sẵn sàng tinh thần lên đường khi nhận tin báo bất kể ngày hay đêm. Vẫn biết, thời khắc giao hòa giữa năm cũ và năm mới mà không được ở bên gia đình, người thân thì ai cũng cảm thấy cô đơn, trống vắng… Nhưng bù lại, bà con ở đây sống tình cảm và quý thợ điện lắm, lúc đi làm thiếu nhân lực mang vác vật tư, bà con đều xúm lại giúp, nhỡ bữa được bà con nấu cơm cho ăn... nên anh em chúng tôi cũng thấy đầm ấm hơn, đỡ nhớ nhà hơn trong những ngày Tết cổ truyền. Điều quan trọng và an ủi của người thợ điện chính là dòng điện luôn thông suốt để người dân vui đón Tết. Người dân vui, mình cũng vui lây”.
Không phải lặn lội vào tận rừng sâu, lên núi cao, không phải tất bật trên các tuyến đường dây, nhưng với những điều độ viên của PC Kon Tum, Tết đến họ hầu như cũng không có khái niệm đón giao thừa cùng với gia đình và người thân.
Ngày Tết, nhất là vào đêm giao thừa, nhu cầu dùng điện phục vụ cho sinh hoạt, các hoạt động vui chơi, giải trí, đảm bảo an ninh trật tự tăng cao nên những điều độ viên điện lực phải tập trung tính toán nhu cầu phụ tải cho từng khu vực, điều hành phương thức vận hành lưới điện đảm bảo an toàn, ổn định, hạn chế những sự cố do quá tải. Ngày thường, anh em chia ca trực, nhưng đến Tết thì không có khái niệm phân ca mà phải tăng cường hỗ trợ nhau.
Một mùa Xuân nữa sắp về. Trong khi mọi người rộn ràng đón Tết, sum họp cùng gia đình trong bữa cơm tất niên, xúng xính áo quần đi hái lộc đầu xuân, đi chơi Tết thì những người thợ điện với sắc áo cam giản dị vẫn lặng lẽ trong phòng trực, trên đường dây, ngoài trạm biến áp... Niềm vui ngày xuân của các anh chính là những thông số kỹ thuật an toàn, giữ được nguồn năng lượng thiết yếu, nguồn sáng bình yên và trọn vẹn cho người dân khi Tết đến, xuân về.