Một thông tin đáng chú ý gần đây là việc Mỹ ban bố tình trạng khẩn cấp về năng lượng. Bên cạnh nội dung chính là cảnh báo khả năng không cung ứng đủ điện đáp ứng nhu cầu người dân Mỹ, một nội dung khác được quan tâm là nỗ lực thúc đẩy chiến lược phát triển điện năng lượng mặt trời của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Mỹ đặt tham vọng đến năm 2050, điện mặt trời sẽ chiếm gần 50% tổng nguồn cung điện nước này. Một dự thảo kế hoạch phát triển cụ thể đã được đưa ra tháng 9 năm ngoái, nhưng được đánh giá là còn nhiều trở ngại gây chậm chạp và cần những cú hích.
Ngày 7/6, Tổng thống Mỹ Biden kích hoạt Đạo luật sản xuất quốc phòng, thúc đẩy việc sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời và các linh kiện, thiết bị khác trong phát triển điện mặt trời. Một động thái được đánh giá Mỹ muốn tăng tối đa tốc độ tự chủ sản xuất các linh kiện cần thiết phục vụ ngành năng lượng sạch này. Điện mặt trời chiếm 3% tổng sản lượng điện tại Mỹ vào năm 2020, tháng 9 năm ngoái, nước này lập kế hoạch đến 2035, tỷ lệ này sẽ là 40% và đến 2050 sẽ đạt 45%.
Bà Jennifer Granholm - Bộ trưởng Năng lượng, Mỹ cho rằng: "Năng lượng mặt trời là nguồn năng lượng sạch rẻ nhất và có thể phát triển nhanh nhất. Chúng ta có thể sản xuất đủ điện mặt trời để cung cấp tới tất cả các ngôi nhà ở Mỹ vào năm 2035 và tạo thêm đến 1,5 triệu việc làm".
Mục tiêu thì rõ ràng, nhưng bên cạnh tài chính, trở ngại nhất đang là thời gian và sự tự chủ. Mỹ sẽ phải chi tiêu lớn cho cơ sở hạ tầng, hoạt động lắp đặt các tấm năng lượng mặt trời năm 2020 thực tế cho thấy đã đạt kỷ lục, nhưng từ 2025 đến 2030, công suất điện mặt trời mỗi năm sẽ phải gấp 4 lần mức năm 2020. Yêu cầu là vậy, nhưng Mỹ không tự chủ về linh kiện, các công ty lắp ráp tấm pin mặt trời của Mỹ đã bán hết hàng cho 3 năm tới. Dự án năng lượng mặt trời lớn nhất, trải dài hơn 50km2 tại bang Indiana đang tạm hoãn cũng vì lý do thiếu linh kiện.
Một số liệu tại Mỹ cho thấy, 80% nhập khẩu tấm pin năng lượng mặt trời của Mỹ là đến từ các nước Đông Nam Á gồm Việt Nam, Campuchia, Thái Lan và Malaysia. Nếu không thường xuyên theo dõi lĩnh vực này, hẳn nhiều người sẽ thấy ngạc nhiên với con số này, con số cho thấy sự dẫn đầu của khu vực trong lĩnh vực phát triển năng lượng sạch và sản xuất linh kiện.
Việc tuyên bố miễn thuế 2 năm cho tấm pin từ 4 nước này cho thấy quyết tâm theo đuổi các kế hoạch tăng sản lượng điện mặt trời tại Mỹ và nhu cầu lớn của Mỹ với sản phẩm tấm pin mặt trời từ Đông Nam Á trong vòng 2 năm tới, trong thời gian nước này tìm cách đẩy cao khả năng tự chủ linh kiện. Thế mạnh của Đông Nam Á trong phát triển năng lượng tái tạo là điều đã được thế giới ghi nhận.
Chuyên trang Nhà Kinh tế - The Economist của Anh đã có bài nhấn mạnh tốc độ phát triển và chuyển đổi sang năng lượng sạch tại khu vực Đông Nam Á, trong đó đặc biệt nhấn mạnh từ dòng nhan đề, Việt Nam đang dẫn đầu khu vực trong sự chuyển đổi này.
Bài viết mở đầu bằng đánh giá, Đông Nam Á là một trong những khu vực dễ tổn thương nhất do biến đổi khí hậu. Khu vực đầy khói này dường như cũng chưa quan tâm đến việc từ bỏ nhiên liệu hóa thạch. Nhưng trong bức tranh chung tối màu đó, Việt Nam đang là một điểm sáng.
Theo The Economist, trong vòng 4 năm tính đến đến 2021, tỷ trọng điện mặt trời tại Việt Nam đã tăng từ con số 0 lên gần 11%. Đây không chỉ là tốc độ tăng nhanh hơn hầu hết các nơi khác trên thế giới, mà còn là tỷ trọng cao hơn những nền kinh tế lớn như Pháp hoặc Nhật Bản. Vào năm ngoái, Việt Nam đã trở thành nhà sản xuất điện mặt trời lớn thứ 10 trên thế giới.
Một nghiên cứu của Đại học Quốc gia Australia cho thấy, kể từ năm 2019, Việt Nam đã tăng gấp 4 lần công suất điện gió và điện mặt trời. "Thành tích phi thường" này chủ yếu nhờ ý chí chính trị và các động lực thị trường.
The Economist đồng thời nhấn mạnh, các cải cách giúp các nhà đầu tư nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam dễ dàng hơn, cũng đã góp phần vào thành công của chiến lược chuyển đổi năng lượng.
Bài phân tích của RatedPower, tập đoàn năng lượng tái tạo của Tây Ban Nha cũng nhấn mạnh, Đông Nam Á là một trong những khu vực phát triển nhanh nhất thế giới về sản xuất điện mặt trời. Bốn nước Việt Nam, Thái Lan, Philippines và Malaysia chiếm khoảng 98% công suất năng lượng mặt trời của khu vực, trong đó năm 2020 Việt Nam vươn lên dẫn đầu. Theo Hiệp hội Năng lượng tái tạo quốc tế IRENA, Việt Nam đã trở thành thị trường năng lượng mặt trời lớn thứ 6 thế giới, với tổng công suất 16,5 GW vào cuối 2020.
Giai đoạn thứ hai của kế hoạch hành động ASEAN về Hợp tác năng lượng 2021 - 2025 đặt mục tiêu đạt 35% tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng công suất lắp đặt vào năm 2025. Tốc độ tăng trưởng của điện mặt trời hàng năm từ 2018 đến 2040, dự kiến đạt 10,4%.