Ảnh minh họa. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ủy ban Điện lực Liên bang Thụy Sĩ (ElCom) thông báo các hộ gia đình và doanh nghiệp nước này sẽ phải đối mặt với mức giá điện cao hơn nhiều trong năm tới, đồng thời cảnh báo "những bất ổn" liên quan đến nguồn cung cấp điện trong mùa Đông hiện vẫn còn.
Cơ quan quản lý độc lập cho biết hầu hết các công ty điện trong cuộc khảo sát đều có kế hoạch tăng giá trung bình khoảng 47% vào năm 2023.
Đối với một hộ gia đình 5 phòng sử dụng 4.500 kilowatt giờ điện mỗi năm, hóa đơn tiền điện ước tính sẽ tăng khoảng 180 CHF (188 USD)/năm.
Các doanh nghiệp sử dụng 150.000 kilowatt giờ điện mỗi năm phải trả thêm 6.000 CHF vào hóa đơn tiền điện. Những mức trên chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, nhưng con số này có thể cao hơn trong từng trường hợp.
ElCom cho biết mức độ tăng thuế năng lượng đối với các nhà khai thác hệ thống phân phối trong năm 2023 là rất khó dự đoán và sẽ khác nhau giữa các nhà cung cấp.
Việc tăng thuế không chỉ phụ thuộc vào diễn biến của giá cả trên thị trường, mà còn phụ thuộc vào chiến lược cung ứng và danh mục sản xuất của các công ty cung cấp năng lượng.
ElCom lưu ý rằng giá điện đã tăng mạnh kể từ tháng Tám do giá khí đốt cao hơn trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine, giá than và carbon cũng leo thang, và khả năng cung cấp điện dưới mức trung bình trong những tháng gần đây từ các nhà máy hạt nhân ở nước láng giềng Pháp.
Cho đến nay, biện pháp bảo vệ chính của Thụy Sĩ chống lại lạm phát chi phí năng lượng là cách nước này sản xuất năng lượng - chủ yếu từ các trạm thủy điện và nhà máy điện hạt nhân. Nhưng Thụy Sĩ vẫn cần nhập khẩu dầu, khí đốt và thậm chí cả điện, đặc biệt là trong những tháng mùa Đông.
ElCom cho biết nhập khẩu điện từ Pháp sẽ "rất hạn chế" vào mùa Đông tới do khả năng sẵn có của các nhà máy điện hạt nhân của Pháp thấp. Những bất ổn về tình hình nguồn cung sẽ kéo dài cho đến mùa Đông năm sau.
Thụy Sĩ, không phải là quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (EU), hiện đang đối mặt với những hạn chế trong việc hội nhập với thị trường điện của EU. Brussels muốn Thụy Sĩ tự do hóa hơn nữa thị trường của mình để thị trường này tương thích với EU.
Tình hình đã trở nên trầm trọng hơn vào năm ngoái khi Thụy Sĩ đã từ chối thỏa thuận khung với EU để đặt ra một bộ quy tắc tổng thể cho nhiều thỏa thuận song phương của nước này.
Theo: TTXVN