Khoản tiền này được dùng để xây dựng các nhà máy điện, hệ thống đường dây tải điện và trả lương cho đội ngũ nhân viên quản lý.
Phòng thí nghiệm quốc gia Pacific Northwest thuộc Bộ Năng lượng Mỹ cho biết: Sau một năm nghiên cứu “đường dây tải điện thông minh” cho thấy người tiêu dùng có thể tiết kiệm được đến 10% hóa đơn tiền điện và giảm lượng tiêu thụ điện năng 15% trong giờ cao điểm (khoảng từ 18 giờ đến 21 giờ).
Dự án quy mô nhỏ “Đường dây thông minh” bao gồm 112 hộ gia đình sống tại Olympic Peninsula, Washington. Nhân viên của IBM, Ron Ambrosio tham gia công trình nghiên cứu cho biết: nếu nhân rộng mô hình “Đường dây thông minh” ra toàn quốc, nước Mỹ sẽ tiết kiệm được 120 tỷ USD do không cần phải xây thêm nhà máy điện, hệ thống đường dây.
Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Patty Murray nói: Nghiên cứu này cực kỳ quan trọng vì việc giảm lượng tiêu thụ điện năng vào giờ cao điểm giúp tăng cường hiệu suất và sức bền của đường dây đồng thời không cần phải xây thêm cơ sở hạ tầng ngành điện.
Trở lại dự án, 112 hộ gia đình nói trên được cấp loại điện kế mới có khả năng nhận biết tín hiệu điện tại địa phương vào giờ giá điện tăng cao và một bộ điều chỉnh nhiệt tự động cùng hệ thống phần mềm máy tính cho phép giảm bớt lượng điện năng tiêu thụ vào thời gian này. Hệ thống này có thể cài đặt tùy chọn bằng máy tính và cho phép thay đổi cài đặt từ xa.
Một nghiên cứu khác được gọi là dự án Đường dây thân thiện gồm 150 hộ gia đình ở Oregon và Washington. Các máy sấy và các thiết bị đun nước nóng thông minh có các vỉ mạch có thể nhận biết khi nào đường dây điện quá tải. Khi xuất hiện tình trạng quá tải, thiết bị đường dây thân thiện lập tức ngắt điện từ một đến hai phút.
Thiết bị “đường dây thân thiện” có thể được lắp đặt vào tủ lạnh và các thiết bị điện khác. Ron Ambrosio cho biết chúng sẽ được lắp đặt vào các thiết bị điện gia dụng và công việc có thể hoàn thành vào năm 2020. Nếu tất cả thiết bị điện gia dụng lớn ở Mỹ được lắp đặt “đường dây thân thiện”, lượng tiêu thụ điện có thể giảm tới 20%.
Ron Ambrosio dự đoán, trong năm năm, hệ thống thiết bị trong công trình nghiên cứu “đường dây thông minh” sẽ đáp ứng nhu cầu của 10 - 15% hộ gia đình Mỹ và trong vòng 10- 15 năm thì đủ cho 50% số gia đình.
Rob Pratt, người quản lý chương trình của Phòng thí nghiệm quốc gia Mỹ Pacific Northwest nói, công trình nghiên cứu này khác với các công trình trước đó vì có thể đáp ứng được mọi thời điểm quá tải của đường dây điện dựa trên thiết kế lắp đặt của chính người sử dụng điện.
Pratt cho biết, khi nghiên cứu bắt đầu vào năm 2006, người ta ước tính giá của một bộ thiết bị “đường dây thông minh” vào khoảng 200 USD và sẽ phổ biến trên toàn thế giới. Hiện nay, giá của thiết bị là 500 USD và đang giảm dần.
Nguồn: Reuters