Tin trong nước

NPT sẽ trở thành doanh nghiệp hàng đầu về truyền tải điện

Thứ ba, 22/6/2010 | 14:45 GMT+7

Ngày 21/6/2010, tại Hà Nội đã diễn ra Đại hội đại biểu Đảng bộ Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (NPT) lần thứ nhất.

 
Tới dự đại hội có ông Trần Văn Tuấn, Phó Bí thứ thường trực Đảng ủy khối doanh nghiệp trung ương, ông Đào Văn Hưng, Bí thư Đảng ủy- Chủ tịch Hội đồng quản trị EVN- cùng đại diện lãnh đạo các cơ quan ban ngành liên quan và 150 đảng viên ưu tú đến từ các chi bộ, đảng bộ cơ sở trực thuộc NPT.

Vượt khó, đảm bảo truyền tải điện

Đảng bộ NPT được thành lập tháng 8/2008, có nhiệm vụ quản lý 16 đầu mối (7 đảng bộ cơ sở, 9 chi bộ trực thuộc tại khối cơ quan) với 1.318 đảng viên. Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn về vốn, nhiều công trình bị chậm tiến độ hàng năm do vướng giải phóng mặt bằng, khả năng của lưới truyền tải điện 220- 500 kV thấp so với nguồn, trong khi các công trình nguồn chuẩn bị vào vận hành dồn dập với công suất 3.000- 4.000 MW/năm nhưng với sự cố gắng của toàn thể CBCNVC, từ ngày 1/7/2008 đến nay, NPT đã tiếp nhận và quản lý 3.758 km đường dây 500 kV, 9.584 km đường dây 220 kV, 14 trạm biến áp 500 kV với tổng dung lượng là 8.850 MVA, 57 trạm biến áp 220 kV với tổng dung lượng là 18.727 MVA, giữ được mức tổn thất dưới 3% là mức bình quân của thế giới. Từ tháng 7/2008 đến tháng 6/2010, NPT đã truyền tải được 170 tỷ kWh, tăng 14%/năm, (cao hơn giai đoạn 2006- 2010 tăng bình quân 13%), góp phần đảm bảo cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế- xã hội.

NPT cũng ban hành quy chế phân cấp đầu tư xây dựng và cùng các đơn vị nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ và khả năng quản lý dự án, huy động các đơn vị quản lý vận hành, nhờ đó rút ngắn thời gian thực hiện dự án, tăng cường tính cạnh tranh, thiết kế hợp lý và tiết kiệm, phân kỳ đầu tư hợp lý. Toàn bộ các dự án đầu tư lưới điện đồng bộ với nguồn điện đều đóng điện vận hành kịp thời với tiến độ các nhà máy: Quảng Ninh, Hải Phòng, A Vương, Buôn kuốp, Cà Mau, Ô Môn... Nhiều dự án vướng mắc kéo dài nhiều năm đã được chỉ đạo để dứt điểm hoàn thành như đường dây 500 kV Quảng Ninh- Thường Tín; đường dây 220 kV Ô Môn- Thốt Nốt, Đồng Hới- Huế; trạm 500 kV Ô Môn, trạm 220 kV Thốt Nốt, Tao Đàn (máy 2), hoàn thành nâng cấp 3 trạm 220 kV Hà Đông, Chèm, Mai Động... góp phần khắc phục tình trạng quá tải, đảm bảo cung cấp điện an toàn cho các phụ tải quan trọng như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Đặc biệt, tổng công ty đã huy động được gần 3.000 tỷ đồng vốn tín dụng trong nước, 866 triệu USD từ các nguồn vốn ODA và tín dụng nước ngoài khác. Đồng thời, xem xét nhiều phương án huy động vốn, kế hoạch sản xuất kinh doanh và chi phí truyền tải đến năm 2015 để triển khai các giải pháp và hành động thiết thực theo lộ trình, bảo đảm tài chính cho hoạt động của tổng công ty tăng lên cả về phạm vi và nâng cao hiệu quả hoạt động đầu tư.

Bên cạnh các hoạt động từ thiện xã hội; xây dựng cơ chế tiền lương đặc thù, từng bước cải thiện thu nhập người lao động; NPT còn tổ chức các phong trào thi đua rất phong phú và thiết thực như: Thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kế hoạch năm; thi đua nước rút 100 ngày đêm cuối năm 2009; thi đua lập thành tích chào mừng các ngày lễ lớn; đăng ký gắn biển công trình… Kết quả là đến nay, có 16 đơn vị và 91 cá nhân được khen thưởng của các cấp, trong đó có 7 Huân chương lao động đang xét năm 2010, 2 Bằng khen của Chính phủ.

Phấn đấu thành doanh nghiệp hàng đầu về truyền tải điện

Ông Nguyễn Hà Đông, Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc NPT cho biết, với mục tiêu trở thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong khu vực về lĩnh vực truyền tải điện, Đại hội Đảng bộ NPT nhất trí thông qua các chỉ tiêu: Đảm bảo vận hành lưới điện truyền tải an toàn, ổn định, đạt sản lượng 200 tỷ kWh vào năm 2015, tăng bình quân 14 - 17%/năm; tổn thất điện năng đạt mức 2,5- 3%; không còn sự cố chủ quan, giảm tối đa các sự cố khác; tiến độ và khối lượng đầu tư xây dựng đạt 1,5- 2 lần so với giai đoạn 2008 – 2010; đến năm 2015, đưa vào vận hành khoảng 350 công trình, với tổng mức đầu tư là 70.000 - 90.000 tỷ đồng...

Đảm bảo huy động vốn từ các nguồn bên ngoài được ít nhất 80 - 85% nhu cầu vốn đầu tư, đặc biệt là các nguồn vốn ODA, vốn tài trợ song phương như NIB, JIBIC... vốn từ các nhà tài trợ trong nước, đồng thời mở rộng, đa dạng hóa hình thức vay vốn như tín dụng xuất khẩu, tín dụng người mua, trả chậm... Tổ chức xây dựng nâng cao hiệu quả quản lý chi phí bám sát lộ trình thị trường hóa ngành điện lực, đảm bảo đáp ứng 15 - 20% vốn tự có cho đầu tư xây dựng, bảo đảm chi phí để duy trì ổn định và nâng cao chất lượng lưới điện đạt tới trình độ khu vực và quốc tế, có giá cạnh tranh khi hội nhập khu vực thông qua lưới truyền tải điện tiểu vùng sông Mekong...

Theo: CôngThương