Tin thế giới

Năm 2020 đánh dấu thập kỷ của năng lượng tái tạo

Thứ ba, 6/4/2021 | 14:43 GMT+7
Số liệu của Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA) công bố ngày 5/4 cho biết bất chấp đại dịch COVID-19, trong năm ngoái, sản lượng năng lượng từ các nguồn tái tạo đã tăng thêm 260 GW và đạt mức tăng trưởng 50%.

Các tháp điện gió tại Issoudun, Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN
 
Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, hơn 80% tổng công suất điện đưa vào sử dụng trong năm ngoái là từ các nguồn năng lượng tái tạo, trong đó năng lượng Mặt trời và điện gió chiếm 91%.  IRENA, cho biết mức tăng trưởng ấn tượng của sản lượng năng lượng tái tạo là do sự suy giảm sản lượng điện năng từ nguồn nhiên liệu hóa thạch tại các nước châu Âu, Bắc Mỹ và lần đầu tiên ghi nhận ở lục địa Âu-Á (gồm các nước Armenia, Azerbaijan, Gruzia, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ).
 
Trong năm 2020, thế giới ghi nhận mức giảm 60 GW điện năng từ nhiên liệu hóa thạch, năm trước đó giảm 64 GW. Điều này cho thấy xu hướng tiếp tục thu hẹp quy mô sản xuất điện năng từ nhiên liệu hóa thạch.
 
Tổng Giám đốc IRENA, ông Francesco La Camera nhấn mạnh đằng sau những con số này là câu chuyện về khả năng phục hồi và hy vọng sau đại dịch COVID-19. Bất chấp những thách thức trong năm 2020, năng lượng tái tạo đã trở thành niềm hy vọng, mở ra một tương lai tốt đẹp hơn, công bằng hơn, bền vững hơn, sạch  hơn. Bất chấp những khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra, năm 2020 đánh dấu sự ra đời của thập kỷ năng lượng tái tạo.
 
Mức tăng công suất lắp đặt (10,3%) vượt xa các dự báo dài hạn, vốn chỉ tính đến mức tăng trưởng khiêm tốn sau mỗi năm. Vào cuối năm ngoái, công suất phát điện toàn cầu từ các nguồn tái tạo là 2.799 GW, trong đó thủy điện vẫn giữ vị trí dẫn đầu (1.211 GW), năng lượng Mặt trời và điện gió đang nhanh chóng tăng tốc. Hai nguồn năng lượng tái tạo này chiếm ưu thế trong việc mở rộng công suất vào năm 2020 với việc lắp đặt mới thiết bị năng lượng Mặt trời là 127 GW và  điện gió là 111 GW. 
 
Trung Quốc và Mỹ là hai thị trường ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc từ năm 2020. Trung Quốc là thị trường lớn nhất thế giới về năng lượng tái tạo và tăng thêm 136 GW vào năm ngoái, trong đó 72 GW đến từ năng lượng gió và 49 GW là năng lượng Mặt trời. Cũng trong năm ngoái, năng lượng tái tạo Mỹ tăng thêm 29, tăng gần 80% so với trước đó. Châu Phi tiếp tục mở rộng ổn định với mức tăng 2,6 GW, nhiều hơn một chút so với năm 2019, trong khi châu Đại Dương vẫn là khu vực tăng trưởng nhanh nhất (18,4%), mặc dù tỷ trọng công suất toàn cầu còn thấp và chủ yếu là tại Australia.

Link gốc
Theo: Báo Tin tức