Việc đào bitcoin hao tốn rất nhiều điện - Ảnh: REUTERS
Hiện đại, hại điện
Theo Chỉ số tiêu thụ điện năng Bitcoin Cambridge (CBECI) do các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Cambridge (Anh) biên soạn, tổng mức tiêu hao năng lượng của quá trình đào bitcoin trong năm nay có thể đạt mức 128 tỉ kWh. Con số này chiếm 0,6% tổng lượng điện sản xuất của thế giới và cao hơn mức dùng điện ở Na Uy.
Một phép so sánh khác, năng lượng tiêu tốn cho việc đào bitcoin nhiều gấp 10 lần mức mà toàn bộ hệ thống của Google dùng trong năm 2019. Khi cộng lượng điện của Google với tất cả trung tâm dữ liệu trên thế giới, ngoại trừ những trung tâm đào bitcoin, con số hao tổn điện năng là 200 tỉ kWh mỗi năm.
Nhà kinh tế học Alex de Vries tỏ ra khá bi quan cho tương lai ngành năng lượng. Theo tính toán, vị chuyên gia cho rằng việc tăng mạnh giá bitcoin gần đây sẽ thu hút nhiều "người chơi" hơn và đến một ngày không xa, đào bitcoin sẽ tốn điện hơn tổng cộng các trung tâm dữ liệu.
Vì sao đào bitcoin tốn quá nhiều điện?
Những người đào bitcoin được gọi là các "thợ mỏ". Để có thể thu về bitcoin, họ sẽ phải giải quyết các vấn đề tính toán phức tạp thông qua một "máy đào" tiêu tốn nhiều năng lượng, dưới sự chi phối của một giao thức gọi là "proof of work" (tạm dịch: thuật toán Bằng chứng công việc).
Giao thức này có vai trò duy trì mạng lưới, đảm bảo dòng tiền ổn định bằng cách khiến phép tính khó hơn khi có nhiều người cùng đào và dễ hơn khi có ít thợ mỏ. Cứ mỗi 10 phút, mạng lưới sẽ trả thưởng vài bitcoin cho những người giải thành công bài toán.
Michel Rauchs dẫn đầu nhóm nghiên cứu của Đại học Cambridge cho biết các thợ mỏ có xu hướng sử dụng nhiều máy móc để đào được nhiều bitcoin hơn. Hiện nay, với mức 1 bitcoin trị giá hơn 58.000 USD (hơn 1,3 tỉ đồng) xét trong ngày 19-3, các thợ mỏ đang chạy hết công suất để đào tiền ảo nhằm thu về lợi nhuận lớn.
Tác động môi trường và an ninh năng lượng
Những người bênh vực bitcoin cho rằng sự phát triển nhanh chóng của năng lượng tái tạo đồng nghĩa với việc tác động của loại tiền ảo này lên môi trường ở mức "phải chăng". Tuy nhiên, số liệu nghiên cứu của các chuyên gia tại Đại học New Mexico (Mỹ) cho thấy tác động lên sức khỏe và môi trường từ việc đào bitcoin là rất lớn.
Thêm vào đó, tồn tại hiện tượng các thợ mỏ tập trung theo khu vực địa lý để tận dụng nguồn năng lượng cho việc đào tiền, ví dụ như ở Iran - nơi có điện giá rẻ. Theo tính toán của Michel Rauchs, có đến 5 - 10% cuộc đào tiền ảo xuất phát tại Iran.
Tuy nhiên, hoạt động đào bitcoin mạnh mẽ nhất là ở Trung Quốc. Vào mùa mưa, các thợ mỏ lợi dụng mức sản xuất thủy điện ở phía Nam, còn đến mùa khô thì họ di cư về phía Bắc, nơi sản xuất điện từ than nâu - loại than gây ô nhiễm môi trường.
Chính phủ Iran từng "buộc tội" các trung tâm đào tiền ảo đã gây ra hàng loạt vụ mất điện tại nước này. Đầu tháng 3, trang Bloomberg đưa tin khu tự trị Nội Mông thuộc Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm đào bitcoin, cũng như tuyên bố sẽ đóng cửa tất cả dự án liên quan đến tiền ảo trong tháng 4 nhằm tiết kiệm điện.